Theo Nikkei Asian Review, vài ngày sau khi WHO xác định dịch virus corona là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, một số nhà ngoại giao cho rằng cơ quan Liên Hợp Quốc đã phản ứng chậm chạp và nguyên nhân có thể do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Hợp Quốc, cũng như ảnh hưởng kinh tế của quốc gia 1,4 tỷ dân.
Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 30/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hết lời ca ngợi Trung Quốc là "đã thực hiện các biện pháp phi thường" và "đặt ra tiêu chuẩn mới" về khả năng phản ứng với dịch bệnh.
Tuy nhiên, Nikkei Asian Review dẫn lời một số quan chức ngoại giao quốc tế đánh giá tuyên bố của WHO là “quá muộn”. Hôm 23/1, WHO từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp với lý do "chưa có bằng chứng về việc virus corona lây lan từ người sang người ở Trung Quốc".
Nhưng trong một tuần sau đó, số ca nhiễm bệnh toàn cầu tăng hơn 10 lần, vượt mốc 9.000.
WHO mất quá nhiều thời gian để xác định dịch virus corona là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ảnh: Shutterstock. |
Ảnh hưởng của Trung Quốc với WHO
Khi dịch SARS bùng phát năm 2002-2003, chính phủ Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội vì che giấu thông tin. Lần này, Bắc Kinh hợp tác với cộng đồng quốc tế chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, nước này vẫn để hàng triệu người dân tự do đi lại và du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, thời điểm virus Vũ Hán bùng phát. Và chính những du khách này là nguồn lan truyền virus corona tới nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ vai trò kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đã khiến WHO ngần ngừ, không nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp. Bởi động thái này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và hệ thống hậu cần của Trung Quốc.
Khi gặp Tổng giám đốc WHO Tedros tại Bắc Kinh hôm 28/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nước này đã công bố thông tin về dịch bệnh kịp thời và tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Ông Tập nói Trung Quốc mong muốn “WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá tình hình dịch bệnh một cách khách quan, công bằng, bình tĩnh và hợp lý”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 28/1. Ảnh: Reuters. |
Các nhà ngoại giao quốc tế cho rằng rõ ràng ông Tập tỏ ý muốn WHO không sớm xác định dịch virus corona là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng ngày 28/1, ông Tedros nói WHO không khuyến cáo các nước sơ tán công dân ra khỏi Trung Quốc. Nhưng ngay ngày hôm sau, Nhật Bản và Mỹ đưa công dân rời Vũ Hán bằng máy bay.
Một nguồn tin từ WHO thừa nhận cơ quan này không chỉ đánh giá độ nguy hiểm của dịch virus corona, mà còn phải tính đến tác động kinh tế của việc công bố tình trạng khẩn cấp đối với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu năm 2003, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 17%.
Quan hệ "cực kỳ thân cận"
Ngoài ra, một nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh mô tả Trung Quốc và WHO "có mối quan hệ cực kỳ thân cận". Trung Quốc hiện là nước đóng góp tài chính lớn thứ hai thế giới cho Liên Hợp Quốc.
Cựu Tổng giám đốc WHO Margaret Chan là người được chính phủ Trung Quốc đề xuất sau khi chỉ đạo chiến dịch chống dịch SARS ở Hong Kong hồi năm 2003.
Đặc biệt, Trung Quốc viện trợ đáng kể cho Ethiopia, quê hương của Tổng giám đốc WHO Tedros. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện là đại sứ của WHO về bệnh lao và HIV/AIDS.
Ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Tổng giám đốc WHO Tedros vẫn không yêu cầu các nước hạn chế đi lại tới Trung Quốc. "Không có lý do gì để áp dụng các biện pháp can thiệp không cần thiết vào du lịch và thương mại quốc tế”, người đứng đầu WHO tuyên bố.
Dịch virus corona đang ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, các nước thành viên WHO đều nhanh tay hành động. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi người dân nước này không tới Trung Quốc đại lục. Đây là mức cảnh báo đi lại cao nhất của Mỹ. Trong khi đó, Nga đóng cửa 16 trạm kiểm soát biên giới với Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu WHO bị chỉ trích vì phản ứng thiếu hiệu quả với các dịch bệnh khẩn cấp. Năm 2009, tổ chức của Liên Hợp Quốc bị cho là phản ứng “thái quá” với dịch cúm H1N1 dù tác động toàn cầu của nó là rất hạn chế.
Ngược lại, cơ quan này chờ đợi, loay hoay trong nhiều tháng trước khi đưa ban bố tình trạng khẩn cấp với dịch virus Ebola (2014 - 2016) sau khi số người tử vong tăng vọt.