Sáng 11/5, Công ty cổ phần Công nghệ Onaclover - WeWow gửi thư xin lỗi khách hàng, thông báo dừng hoạt động do cạn kiệt vốn. WeWow cũng cho biết đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Công nghệ Onaclover tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
Do công việc thường xuyên phải di chuyển, anh Nguyễn Quý Thành (Hà Nội) lựa chọn dịch vụ của WeFit vì có nhiều cơ sở, không giới hạn số lượng buổi tập. Anh mua gói 12 triệu đồng/năm và được tặng thêm 6 tháng dịch vụ.
Tuy nhiên, khi dùng được một nửa thời gian, anh bắt đầu nhận ra WeFit có dấu hiệu bất thường. “WeFit cắt nhiều phòng tập. Tôi đến nơi mới được thông báo là WeFit đã ngừng liên kết và không còn sử dụng được”, anh Thành kể.
WeFit từng đặt mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành fitness Việt Nam. Ảnh: WeFit. |
Khách hàng muốn tiếp tục dịch vụ hoặc đòi tiền
Hiện tại, anh Thành còn 6 triệu đồng ở tài khoản đăng ký, trong khi WeFit đã tuyên bố phá sản. Anh Thành ưu tiên việc tiếp tục được tập luyện tại các cơ sở linh hoạt, nếu không được thì muốn lấy lại tiền.
Tương tự, chị Lê Ngọc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký dịch vụ một năm của WeFit bao gồm gói tập gym và bơi. Chị Hoàn cũng đang lo lắng vì số tiền trong tài khoản vẫn còn cả chục triệu đồng nhưng không thể liên lạc với WeFit.
Trong khi đó, T. (nghỉ việc ở WeFit TP.HCM từ tháng 12/2019) vẫn bị WeFit giữ hơn 1 tháng lương, hẹn đến tháng 8 sẽ trả hết. Tuy nhiên, việc WeFit tuyên bố phá sản trước thời điểm trên khiến T. nghi ngờ liệu mình có lấy lại được số tiền đó không.
“Việc chi trả lương trễ lúc đầu được thông báo do tình hình tài chính của công ty bị ảnh hưởng nên mọi người thông cảm. Đến tháng 12/2019, nhiều nhân viên bị cho thôi việc và lùi lịch thanh toán lương”, T. nói.
Trong thư xin lỗi khách hàng, thông báo dừng hoạt động sáng 11/5, Công ty cổ phần Công nghệ Onaclover - WeWow cho biết đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để có được phương án giúp khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico. Ảnh: Q.S. |
Trao đổi với Zing, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho biết trường hợp của WeFit đang được gọi là vỡ nợ, phải đợi sau khi tòa án tuyên mới gọi là phá sản.
“Phá sản là không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp mất toàn bộ hoặc mất một phần tài sản. Nếu mất toàn bộ tài sản thì khách hàng mất trắng”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo ông Đức, khi doanh nghiệp phá sản, việc trả nợ và thực hiện trách nhiệm với đối tác, khách hàng và nhân viên phụ thuộc vào tài sản còn lại của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện theo thứ tự ưu tiên.
Nguy cơ mất trắng
Cụ thể, sau khi thu hồi nợ, thanh lý tài sản, doanh nghiệp phải ưu tiên trả nợ cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo, nếu không trả đủ thì chuyển thành chủ nợ không không có tài sản đảm bảo. Tiếp đến là trả chi phí phá sản gồm án phí, trông giữ tài sản, đấu giá hay kiểm toán.
Ưu tiên thứ ba mới là trả các khoản cho người lao động như tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm. Các khoản nợ khác như thuế, bán hàng, vay mượn, đầu tư,… ưu tiên như nhau.
Nếu trả hết các khoản nợ mà vẫn thừa tiền, thành viên doanh nghiệp phá sản nhận về; nếu thiếu, không phải chịu trách nhiệm. Luật sư Trương Thanh Đức thông tin đa phần doanh nghiệp phá sản chi đến ưu tiên thứ ba là hết tiền, bởi nếu có nhiều tài sản hơn thì đã cố gắng vực dậy công ty.
Ông Đức cũng nhận định cam kết tìm nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba cho khách hàng của WeFit chỉ là lý thuyết, trên giấy. Đồng quan điểm, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng cam kết của WeFit với khách hàng khó thành hiện thực.
Điều đó chỉ có thể thực hiện khi có một bên thứ ba đứng ra mua lại WeFit trước khi phá sản, sẵn sàng kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm với đối tác, khách hàng và nhân viên của WeFit. Luật sư Trung cũng cho rằng thủ tục tuyên bố phá sản là một lối thoát cho doanh nghiệp, trong trường hợp họ không thể thanh toán hết nợ mà tránh bị kiện tụng.
Nhà sáng lập Onaclover Nguyễn Khôi. Ảnh: WeFit. |
“Công ty trách nhiệm hữu hạn, tức là trách nhiệm chỉ đến hạn mức theo tài sản của công ty. Bằng cách thực hiện thủ tục tuyên bố phá sản, tòa sẽ đứng ra giải quyết các công nợ cho doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Về thủ tục phá sản, chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết bước đầu tòa án thụ lý đơn xin phá sản, phong tỏa tài sản để quản lý. Tiếp theo, tòa tạm dừng mọi hoạt động của doanh nghiệp để xem xét, ra quyết định tuyên bố phá sản.
Sau khi ra quyết định tuyên bố phá sản, tòa mới tiến hành chia tài sản. Thời gian ra quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc xác định nợ, thu hồi nợ của doanh nghiệp.