Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WB: Tác động từ giá xăng dầu làm tăng rủi ro tới kinh tế Việt Nam

WB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi nhưng rủi ro cũng gia tăng. Tác động của giá nhiên liệu tăng cao đã thẩm thấu vào nền kinh tế, tạo sức ép lên giá cả.

Theo báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) trong tháng 8 đã tăng 15,6% (so cùng kỳ năm trước) - cao hơn 9 điểm phần trăm so với tháng 7.

WB cho rằng tỷ lệ tăng trưởng cao như vậy chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt cách ly y tế liên quan đến Covid-19 vào năm ngoái.

Dù vậy, khu vực công nghiệp vẫn tăng trưởng 2,9% so với tháng trước, qua đó cho thấy kết quả tiếp tục khả quan, chứ không chỉ do hiệu ứng xuất phát điểm thấp.

kinh te Viet Nam anh 1

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Doanh số bán lẻ phục hồi chậm

Doanh số bán lẻ trong tháng 8 tăng 50,2% (so cùng kỳ năm trước), so với 40,3% của tháng 7. Tăng trưởng được nâng lên chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp khi doanh số bán lẻ suy giảm lần lượt 24,1% và 19,5% trong tháng 8 và tháng 7/2021.

Theo WB, mặc dù tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi mạnh mẽ, số liệu hàng tháng cho thấy tăng trưởng doanh số bán lẻ đang chậm lại.

kinh te Viet Nam anh 2

Doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 được nâng lên 22,5% (so cùng kỳ năm trước), so với 9,8% trong tháng 7 (so cùng kỳ năm trước), còn tăng trưởng nhập khẩu đạt 13,3% (so cùng kỳ năm trước), so với 4,9% trong tháng 7 (so cùng kỳ năm trước).

Số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm do các nhà đầu tư thận trọng khi phải đối mặt với những bất định trên toàn cầu, nhưng số giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được cải thiện, góp phần cho xu hướng tăng liên tục trong 11 tháng.

Lạm phát cơ bản tăng lên

Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhẹ từ 3,1% trong tháng 7 xuống còn 2,9% trong tháng 8, chủ yếu do giá năng lượng chững lại. Tiếp theo xu hướng giảm trên thị trường toàn cầu, giá xăng dầu, là yếu tố quan trọng trong nhóm giá vận tải, giảm lần lượt 14,5% và 12,9% so với tháng trước, làm giảm chi phí cho người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, tác động vòng hai của giá nhiên liệu tăng gần đây đang thẩm thấu vào nền kinh tế khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, ảnh hưởng đến tăng giá lương thực thực phẩm và hàng hóa cơ bản.

Lạm phát giá lương thực thực phẩm nhích nhẹ từ 3% trong tháng 7 (so cùng kỳ năm trước) lên 3,3% trong tháng 8 (so cùng kỳ năm trước) do giá thực phẩm và ăn uống bên ngoài gia tăng.

Lạm phát CPI cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý, tiếp tục tăng từ 2,6% trong tháng 7 lên 3,1% trong tháng 8 (so cùng kỳ năm trước).

Giá một số mặt hàng đầu vào nhập khẩu quan trọng giảm nhẹ, tuy vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón nhập khẩu tiếp tục giảm trong 3 tháng qua, với mức giảm 7,8% (so tháng trước).

kinh te Viet Nam anh 3

Lạm phát toàn phần giảm nhẹ trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục tăng.

Giá than, dầu thô và các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu cũng giảm lần lượt 17,1%, 13,7% và 7,6% so tháng trước. Giá vật tư nhập khẩu chững lại dự kiến giúp hạ áp lực lạm phát trên thị trường trong nước.

"Quá trình phục hồi kinh tế tiếp tục diễn ra mặc dù các yếu tố bất định trong nền kinh tế gia tăng liên quan đến lạm phát toàn cầu tăng cao và tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản", WB bình luận.

Đồng thời, giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường. Vì vậy, khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc.

Dấu hiệu đáng ngại từ báo cáo lạm phát của Mỹ

Lạm phát của Mỹ tăng cao hơn dự kiến dù giá xăng giảm mạnh. Theo các chuyên gia, điểm đáng lo ngại nhất của báo cáo lạm phát là giá cả đã tăng cao trên diện rộng.

Thống đốc: Lạm phát cao như thuế đánh vào người lao động

Những đề xuất được đưa ra để phát triển thị trường lao động bao gồm bảo đảm thu nhập thực tế, an sinh xã hội và các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm