Trong buổi họp báo công bố báo cáo Cập nhật Kinh tế Việt Nam “Giáo dục để tăng trưởng", Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm nay, đạt tốc độ cao nhất trong 3 năm qua, dù vẫn thấp hơn so với trước đại dịch.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm, bất chấp tác động từ các cú sốc cung liên quan đến xung đột Ukraine và các biện pháp kiểm soát dịch Coivd-19 tại Trung Quốc.
Trong đó, các lĩnh vực năng động nhất trong 6 tháng đầu năm bao gồm may mặc (tăng 23,3%), giày da (tăng 13,1%), sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 11,2%), và chế tạo máy (tăng 9,1%). Những lĩnh vực này cũng là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.
Về tình trạng nợ công, ngân sách nhà nước ước tính bội thu 9,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do thực chi thấp hơn dự toán, tổng thu đạt 66,1% dự toán trong khi chi chỉ chạm mức 40%.
Nhờ bội thu ngân sách, quy mô vay nợ của chính phủ tương đối hạn chế. Tỷ lệ nợ công năm 2022 dự báo dưới 40%, thấp hơn rõ ràng so với trần nợ công 60% GDP trong Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030.
Do đó, bà Dorsati Madami, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, đánh giá: “Nợ công sẽ tiếp tục giảm, đây có lẽ là điều cả thế giới đều ghen tị (với Việt Nam)”.
Thận trọng với lạm phát
Theo WB, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 1,8% trong tháng 12/2021 lên 3,4% trong tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của ngân hàng nhà nước.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ cú sốc cung. Giá xăng dầu tăng (61,2% trong tháng 6) làm tăng giá vận tải ( 21,4%), là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát.
Bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Cơ quan này dự báo lạm phát sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024, khi các cú sốc về cung từ thị trường thế giới hạ nhiệt.
Cho đến nay, tình trạng lạm phát chủ yếu do các yếu tố cung bên ngoài. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cầu, nhu cầu trong nước gia tăng đặc biệt khi tiêu dùng phục hồi cũng có thể làm tăng áp lực lên giá cả, từ đó cản trở quá trình phục hồi kinh tế.
Ngoài lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai cũng là vấn đề được các chuyên gia lưu ý trong báo cáo. Tài khoản vãng lai ghi nhận thâm hụt ở mức 1,5 tỷ USD trong Q1, tương đương 1,7% GDP, chủ yếu do tăng giá năng lượng và hàng hóa trung gian.
Trong khi đó, bà Madami nhận định xuất khẩu sẽ chững lại trong thời gian ngắn do nhu cầu từ Trung Quốc và châu Âu suy giảm. Một nguyên nhân khác là tình trạng thiếu lao động trên diện rộng kéo dài đến tháng 3, đặc biệt ở các ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, những khó khăn trên toàn cầu - bao gồm các sự kiện đang ảnh hưởng đến đối tác thương mại lớn của Việt Nam (Mỹ, Trung Quốc và châu ÂU) - càng tăng thêm thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát.
Cụ thể, bà Madami đề xuất chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn phù hợp hơn với nền kinh tế Việt Nam, vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng.
Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực, vượt chỉ tiêu 4% của chính phủ, ngân hàng nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt cung tiền.
Yếu kém về nhân lực
Ngoài điểm lại diễn biến và dự báo kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, báo cáo của WB cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc cung cấp nguồn lao động cho quá trình phục hồi sau đại dịch của các doanh nghiệp Việt.
Về vấn đề này, GS. TS. Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Các vấn đề kinh tế có nguồn gốc sâu xa từ những tồn tại, yếu kém về nguồn nhân lực, khiến Việt Nam khó tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta chỉ đang dừng lại ở những công đoạn thâm dụng lao động, với kỹ năng giản đơn”.
“Do nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, gần như để lại toàn bộ đất diễn cho doanh nghiệp nước ngoài trên chính lãnh thổ Việt Nam”, ông nói.
Bà Dorsati Madami (trái), chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, bà Carolyn Turk (giữa), giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, và GS. TS. Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: World Bank Việt Nam. |
Theo WB, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực và so với tỷ lệ nhập học bình quân 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Điều này cho thấy, trong số khoảng 6,9 triệu trẻ em thuộc độ tuổi tham gia giáo dục sau phổ thông, chỉ có khoảng hơn 2 triệu em nhập học.
Để đạt tỷ lệ nhập học bằng các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, Việt Nam cần tạo điều kiện cho khoảng 3,8 triệu học sinh nhập học, gần gấp đôi con số năm 2019.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Michael Drabble, chuyên gia giáo dục cấp cao của WB, “hệ thống giáo dục sau đại học của Việt Nam chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường lao động”.
“Việt Nam đang xếp thứ 138/140 trong danh sách chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học, từ đánh giá của các doanh nghiệp sử dụng lao động”, ông nói.
Nhà nước cũng không chi tiêu đủ cho giáo dục sau phổ thông, ông Drabble nhận định. “Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục sau phổ thông chỉ khoảng 0.6% GDP vào năm 2019, thấp hơn so với Malaysia hay Hàn Quốc. Việc thiếu vốn chi tiêu của nhà nước ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”.
“Việt Nam đã có đại diện trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu nhưng vẫn xếp nhóm dưới, sau Philipine, Indonesia, và Thái Lan. Lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam chưa được đảm bảo đủ kinh phí từ phía nhà nước”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Drabble cho biết chi tiêu của nhà nước cho đổi mới sáng tạo vẫn ở mức thấp. “Tỷ lệ bằng sáng chế ở Việt Nam là 2 trên một triệu dân, thấp hơn nhiều so với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc”.
Do đó, ông Drabble đề xuất Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông, đa dạng hóa cơ sở giáo dục và phương thức đào tạo, đồng thời tăng kinh phí hỗ trợ cho lĩnh vực này.