“Cách đây 20 năm, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam có thể chống được cơn bão cấp 3-4 thì đến nay, nó đã chống được cơn bão cấp 6-7”, TS Thắng nói trong lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều năm 2021 được tổ chức ngày 28/7. “Nhưng đại dịch vừa rồi là cơn bão cấp 12”.
Từ đó, TS Thắng nhấn mạnh Việt Nam vẫn cần củng cố hệ thống an sinh xã hội để sẵn sàng cho khả năng xảy ra những cú sốc lớn khác có quy mô “bão cấp 11-12” trong tương lai, kể cả khi xác suất ấy thấp.
TS Thắng là một thành viên trong nhóm tác giả soạn thảo Báo cáo Nghèo đa chiều 2021. Văn bản này là kết quả của sự hợp tác giữa Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và các cơ quan khác, giúp cập nhật thông tin về tiến bộ và hạn chế của Việt Nam trong việc giảm nghèo ở mọi khía cạnh.
Thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào, theo báo cáo công bố ngày 28/7. Ảnh: UNICEF Việt Nam. |
Thành tựu giảm nghèo ấn tượng
Theo Báo cáo Nghèo đa chiều 2021, trong thập kỷ vừa qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 4,4% năm 2020.
Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng được đánh giá là đã mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng trong những năm gần đây. Tính đến năm 2021, hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 33,75% lực lượng trong độ tuổi lao động, tăng 2,1% so với 2020.
Nhưng cú sốc Covid-19, được ví như “cơn bão cấp 12”, đã gây ra tác động lớn. Tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch, đặc biệt là đối với nhóm người di cư và dân tộc thiểu số.
Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cũng mới chỉ hỗ trợ được những cú sốc ở cộng đồng quy mô nhỏ, đơn lẻ, thay vì những cú sốc diễn ra trên quy mô và mang tính hệ thống như Covid-19, TS Thắng nói ngày 28/7.
Đặc biệt, lao động phi chính thức - người làm công việc không có BHXH, cả nông nghiệp và phi nông nghiệp - bị bỏ sót trong hệ thống an sinh xã hội, theo báo cáo.
Báo cáo chỉ ra chương trình trợ giúp xã hội ở Việt Nam còn được thực hiện dựa vào tình trạng đăng ký cư trú (hộ khẩu) nên cũng góp phần khiến lao động nhập cư khó tiếp cận trợ giúp xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Lao động phi chính thức thuộc “nhóm ở giữa bị bỏ sót” vì có việc làm và thu nhập trên ngưỡng nghèo và cận nghèo nên không nằm trong danh sách đối tượng hỗ trợ, nhưng thu nhập của họ không đủ lớn để chống chịu các cú sốc kinh tế.
“Cần làm sao để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH và hệ thống an sinh xã hội chính thức vì hệ thống này có khả năng tự động bình ổn”, TS Thắng nói, bổ sung rằng hệ thống cần tận dụng chuyển đổi số để chi trả tiền nhanh và xét đối tượng đúng.
Một vấn đề nữa là việc các chương trình trợ giúp xã hội ở Việt Nam còn được thực hiện căn cứ vào tình trạng đăng ký cư trú của người dân, thay vì mã định danh công dân. Điều này góp phần khiến lao động nhập cư và gia đình gặp khó khăn khi tiếp cận trợ giúp xã hội.
Tăng sức chống chịu trước bão
Trả lời Zing về cách tăng cường sức chống chịu cho hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, ông Hà Việt Quân, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế Xã hội, cho biết cần biện pháp tổng thể để giải quyết những vấn đề báo cáo chỉ ra.
Đặc biệt, ông Quân nhấn mạnh hệ thống chính sách ấy vừa phải toàn diện, vừa linh hoạt để phù hợp các khác biệt giữa các nhóm người.
Các diễn giả trao đổi tại sự kiện ngày 28/7. Ảnh: Quốc Đạt. |
“Từ trước tới nay, chúng ta có cách phân loại khá đơn giản: Dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, miền núi và miền xuôi. Nhưng cùng là người miền núi, người miền núi ở Lâm Đồng sẽ khác với người miền núi ở Sơn La”, ông Quân nói.
Trong khi đó, TS Thắng chỉ ra rằng bên cạnh vai trò của nhà nước, khu vực tư nhân cũng cần tham gia vào quá trình củng cố bộ đệm tài chính của cá nhân để tăng sức chống bão của cả hệ thống an sinh xã hội.
“Vai trò của khu vực tư nhân không những là tạo việc làm mà còn là tạo việc làm tốt, để người dân có bộ đệm tài chính tốt”, ông Thắng trả lời Zing.
TS Thắng chỉ ra rằng tỷ lệ nhóm trung lưu ở Việt Nam, còn gọi là tầng lớp tiêu thụ, đã tăng mạnh trong thập niên qua, từ 7,5% năm 2012 tới 23,4% năm 2020.
“Điều này giải thích vì sao sau đại dịch, người dân tưng bừng chi tiêu. Bộ đệm tài chính của những người tiêu thụ rất lớn và chỉ bị kìm nén khi có đứt gãy”, TS Thắng nói. “Nếu khu vực tư nhân giúp đất nước có thêm việc làm tốt, điều này sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu những cơn bão lớn hơn”.