Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Washington Post gây sốc ngay trước thềm bầu cử Mỹ

Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, Washington Post tuyên bố không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, gây ra phản ứng trái chiều trong nội bộ tòa soạn.

Quyết định của Washington Post do chủ sở hữu tỷ phú Jeff Bezos đưa ra, theo nguồn tin ẩn danh của New York Times. Ảnh: Washington Post.

"Chúng tôi đang quay trở lại với gốc rễ của mình là không ủng hộ các ứng cử viên tổng thống", Guardian dẫn tuyên bố hôm 25/10 của ông Will Lewis, giám đốc xuất bản và giám đốc điều hành của Washington Post, chưa đầy hai tuần trước ngày bỏ phiếu.

Quyết định nói trên do Jeff Bezos, tỷ phú chủ sở hữu của Amazon, đưa ra, theo New York Times. Ông Bezos mua lại tờ báo vào năm 2013.

Trong quá khứ, ban biên tập Washington Post thường công khai ủng hộ ứng viên trong hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống kể từ sau lần ủng hộ ông Jimmy Carter vào năm 1976. Đa số đều là ứng viên đảng Dân chủ.

Dư luận đã đặt câu hỏi liệu tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn thứ ba ở Mỹ (sau New York Times và Wall Street Journal) có ủng hộ ứng viên nào trong năm nay hay không trong nhiều ngày qua. Một số người suy đoán vô căn cứ rằng ông Bezos bị phía ông Trump đe dọa vì các doanh nghiệp trong tay ông có nhiều hợp đồng với chính phủ liên bang.

New York Times dẫn một nguồn thạo tin cho biết, ông Bezos đã nói với những người khác rằng muốn mở rộng độc giả của báo sang nhóm người bảo thủ. Vì thế nên vị tỷ phú đã bổ nhiệm ông Lewis, giám đốc điều hành từng làm việc tại Wall Street Journal có khuynh hướng bảo thủ, với lời nhắn nhủ muốn có nhiều cây bút bảo thủ hơn trong mục Góc nhìn, nguồn tin của New York Times cho biết.

Việc Washington Post không ủng hộ ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đã gây ra phản ứng trái chiều.

Washington Post Guild, công đoàn đại diện cho nhiều nhân viên của tờ báo, hôm 25/10 ra tuyên bố nói rằng họ "rất quan ngại" về quyết định trên, "đặc biệt là chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử có hệ lụy vô cùng to lớn”.

Marty Baron, cựu Tổng biên tập Washington Post, đã chỉ trích quyết định của tờ báo, gọi đó là "sự hèn nhát, và nạn nhân là nền dân chủ".

Theo ông Baron, Donald Trump sẽ "xem đây là lời mời tiếp tục đe dọa chủ sở hữu" của Washington Post, ông Bezos. "Sự đớn hèn đáng lo ngại tại một tổ chức nổi tiếng về lòng dũng cảm", ông nói thêm.

Dù vậy, ông Lewis cho rằng việc tờ báo không ủng hộ ứng viên tổng thống cũng là tuyên bố ủng hộ khả năng tự quyết của độc giả về lựa chọn quan trọng nhất của người Mỹ - "bầu cho người làm tổng thống kế tiếp".

"Nhiệm vụ của chúng tôi tại Washington Post là thông qua tòa soạn để cung cấp thông tin phi đảng phái cho tất cả người Mỹ, cũng như trình bày những quan điểm đáng suy nghĩ từ mục góc nhìn ​​của chúng tôi, để giúp độc giả tự quyết", ông nói thêm: "Hơn hết, nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là tờ báo thủ đô của đất nước quan trọng nhất thế giới là phải độc lập".

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Ông Obama xung trận với 'mũi tên trúng hai đích'

Lần "xung trận" của ông Obama ở bang Georgia khắc hoạ nỗ lực "tiếp lửa" cho bà Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời nhằm bảo vệ di sản của chính cựu tổng thống.

Thế 'song mã' của cuộc đua Trump-Harris

Cuộc khảo sát gần nhất trước ngày bầu cử do New York Times và Đại học Siena thực hiện cho thấy ông Donald Trump và bà Kamala Harris có cùng 48% tỷ lệ ủng hộ từ cử tri.

Lạc Chi

Bạn có thể quan tâm