Buffett nhớ lại rằng vào ngày mà Berkshire niêm yết trên sàn chứng khoán New York năm 1988, ông đã nói với Jimmy Maguire, một chuyên gia về cổ phiếu Berkshire rằng: “Tôi tin rằng ông sẽ đạt được thành công rất lớn nếu lần giao dịch tiếp theo của cổ phiếu này diễn ra trong khoảng hai năm tới.”
Dù nói đùa rằng Maguire “có vẻ không mặn mà với điều này lắm”, nhưng ông nhấn mạnh rằng tư tưởng của ông khi mua bất kỳ cổ phiếu nào cũng là “nếu không hài lòng với việc sở hữu một phần doanh nghiệp đó khi Sàn giao dịch đóng cửa, chúng ta cũng sẽ không hài lòng khi sở hữu nó lúc Sàn giao dịch mở cửa vào sáng hôm sau”. Berkshire và Buffett là những nhà đầu tư dài hạn, cơ cấu vốn và chính sách cổ tức của Berkshire đã nói lên điều đó.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BSC. |
Không giống như nhiều CEO, những người mong muốn cổ phiếu của công ty họ được giao dịch ở mức giá cao nhất có thể trên thị trường, Buffett thích cổ phiếu Berkshire được giao dịch tại hoặc xung quanh giá trị nội tại của nó, không cao hơn cũng không thấp hơn.
Điều này có nghĩa rằng kết quả kinh doanh trong một khoảng thời gian nào đó sẽ có lợi cho những người sở hữu công ty. Để duy trì mức giá đó đòi hỏi một nhóm cổ đông cùng chung triết lý đầu tư định hướng kinh doanh dài hạn, hơn là cùng có một chiến lược định hướng thị trường ngắn hạn.
Buffett cũng lưu ý đến lời gợi ý của Phil Fisher rằng công ty giống như một nhà hàng, nó đưa ra thực đơn để thu hút những người với khẩu vị nhất định. Thực đơn dài hạn của Berkshire nhấn mạnh rằng chi phí của hoạt động giao dịch có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả lâu dài.
Thật vậy, Buffett ước lượng rằng chi phí cho hoạt động giao dịch cổ phiếu, gồm việc trả hoa hồng môi giới và chênh lệch giữa giá mua và giá bán cao nhất của nhà môi giới đóng vai trò tạo lập thị trường, thường chiếm khoảng 10% doanh thu hoặc nhiều hơn.
Tránh hoặc giảm thiểu chi phí đó là việc thực sự cần thiết cho thành công trong đầu tư dài hạn, và việc Berkshire niêm yết trên sàn chứng khoán New York đã giúp hạn chế các chi phí đó.
Chính sách cổ tức của công ty là một vấn đề về phân bổ nguồn vốn chính, luôn nằm trong mối quan tâm của các nhà đầu tư nhưng lại ít khi họ được giải thích. Các bài viết của Buffett làm rõ vấn đề này, nhấn mạnh rằng “phân bổ nguồn vốn là hành động thiết yếu trong kinh doanh và quản lý đầu tư”.
Trong đầu năm 1998, cổ phiếu phổ thông của Berkshire đã được định giá trên thị trường ở mức trên 50.000 đô-la mỗi cổ phiếu và giá trị sổ sách của công ty, doanh thu, và giá trị nội tại đã tăng lên đều đặn vượt quá mức trung bình hằng năm. Tuy nhiên, công ty chưa bao giờ thực hiện phân chia cổ phiếu và trả cổ tức bằng tiền mặt suốt ba thập kỷ.
Bên cạnh việc cân nhắc kỹ lưỡng thực đơn dài hạn và giảm thiểu chi phí giao dịch, chính sách cổ tức của Berkshire cũng thể hiện niềm tin của Buffett rằng quyết định chia hay giữ lại lợi nhuận công ty cần được dựa trên một bài kiểm tra duy nhất: mỗi đồng đô-la lợi nhuận nên được giữ lại nếu việc giữ lại nó sẽ làm tăng giá trị thị trường ít nhất là bằng số tiền giữ lại, nếu không thì nên chia. Giữ lại lợi nhuận sẽ chỉ hợp lý khi “vốn giữ lại tạo ra lợi nhuận gia tăng bằng hoặc lớn hơn lợi nhuận”.
Giống như rất nhiều quy tắc đơn giản của Buffett, quy tắc này thường bị các nhà quản lý của công ty bỏ qua, tất nhiên trừ khi họ đưa ra quyết định chia cổ tức cho các công ty con của họ. Lợi nhuận thường được giữ lại vì những lý do không liên quan đến chủ sở hữu, chẳng hạn như mở rộng quy mô công ty hoặc đảm bảo sự thoải mái điều hành cho ban quản lý.
Mọi thứ ở Berkshire lại khác. Trong một hội thảo, Buffett cho biết, theo như ông kiểm nghiệm, “Berkshire có thể chia hơn mức 100% tổng lợi nhuận”, và Charlie Munger xen vào, “Ông nói quá đúng.” Tuy nhiên, điều đó không cần thiết, vì trong cương vị quản lý tại Berkshire, các cơ hội siêu lợi nhuận trên vốn đã được khám phá và khai thác.
Bình luận