Sáng đầu tháng 2, chị Ngọc Hoài (quận Bình Tân, TP.HCM) cùng gia đình đi tham quan Hội xuân núi Bà tại chùa Bà Đen (Tây Ninh), cầu bình an và sức khỏe trong năm mới.
Quãng đường từ nhà chị Hoài đến chùa Bà Đen gần 100 km, mất khoảng 3 giờ di chuyển. Đi lại trong mùa cao điểm du lịch đầu xuân, chị Hoài quyết định thuê nhà trọ nghỉ qua đêm để tranh thủ lễ chùa vào sáng sớm 4/2.
"Đến chùa lúc 6h, gia đình tôi bất ngờ khi thấy lượng khách quá đông so với mọi năm. Tôi phải cúng ở ngoài điện vì không thể chen nổi trong đám đông, ngộp thở quá phải kiếm đường thoát ra ngoài", chị Hoài kể và cho biết dù mệt, năm tới gia đình chị vẫn quay lại chùa Bà Đen.
Nhộn nhịp
Không chỉ chị Hoài, nhiều du khách cũng chung nỗi lòng khi chứng kiến cảnh đông đúc tại núi Bà Đen sáng 4/2.
Ghi nhận của Zing, khu vực nhà ga cáp treo luôn có hàng dài người dân xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên, phần lớn du khách cảm thấy dễ chịu trong khi chờ đợi vé, làm thủ tục không quá lâu, 10-20 phút là di chuyển được đến khu vực đi cáp treo. Đa số người dân hành hương lên chùa bằng hệ thống cáp treo dài hơn 1.000 m hết mất khoảng 10 phút, với giá 250.000 đồng/vé khứ hồi. Nếu muốn đi lên đỉnh núi Bà Đen, du khách phải chi khoảng 550.000 đồng/vé khứ hồi.
Để tránh hiện tượng kẻ gian móc túi, ban quản lý khu di tích liên tục phát loa cảnh báo du khách cần cẩn thận giữ kỹ tư trang, đồ đạc. Một số trẻ em đi lạc cũng được gia đình tìm kiếm qua cổng an ninh tại khu du lịch.
Đặc biệt, trong Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, nhiều người không thể chen chân vào do quá đông hành khách đến. Bên trong điện khói hương nghi ngút, một số người bị chóng mặt nên phải nhanh chóng kiếm đường ra ngoài.
Anh Minh Tân (thị trấn Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) là một trong những du khách hành hương đến chùa Bà Đen sáng 4/2. Gia đình anh Tân luôn duy trì thói quen lễ chùa đầu năm, mong năm mới được mạnh khỏe, phát tài phát lộc.
Anh Tân xuất phát từ nhà lúc 4h. Tưởng rằng mình là một trong những du khách đến đầu tiên, song khi vừa đến nơi, người đàn ông ngỡ ngàng khi thấy hàng dài người xếp hàng lễ chùa.
"Gia đình tôi di chuyển bằng cáp treo. Giá vé cho 4 người khứ hồi lên đến đỉnh hết khoảng 2,2 triệu đồng. Chuyến lễ chùa đầu năm khá thuận lợi. Tuy nhiên, tại khu du lịch không có chỗ dừng chân, tôi phải trải bạt ngay lối đi lại để gia đình nghỉ ngơi", anh Tân cho biết.
Theo anh Tân, giá vé gửi ôtô tại khu du lịch núi Bà Đen hợp lý, chỉ khoảng 20.000 đồng/xe, không có tình trạng chặt chém. Tuy nhiên, do quá đông du khách kéo đến, người đàn ông phải chờ 15-20 phút mới đưa được xe vào làn.
Bên cạnh đó, anh Tân cho biết một điểm bất tiện khác là người dân không được mang theo đồ ăn và nước uống khi di chuyển từ chùa Bà Đen lên đỉnh núi. Điều này khiến gia đình anh phải bỏ lại một số đồ ăn đã mua ở chùa.
Đón 1 triệu du khách
Trao đổi với Zing, anh Nguyễn Châu Tuấn, đại diện ban quản lý khu du lịch, cho biết trong 10 ngày đầu Xuân Quý Mão, có gần một triệu lượt hành khách đến hành hương, viếng chùa Bà Đen. Trong đó, ngày đông nhất ghi nhận vào mùng 4 Tết, khoảng 160.000 lượt du khách. Đây cũng là thời điểm khai mạc lễ hội hoa Xuân núi Bà Đen.
Theo anh Tuấn, ban quản lý chùa Bà Đen kết hợp với lực lượng an ninh của cơ quan chức năng nên công tác trật tự an ninh luôn được đảm bảo trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Trong ngày cao điểm, khi lượng du khách tăng đột biến, ban quản lý mở 2 cổng đi lại để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thông thường, thời gian cao điểm trong ngày khách đến tham quan núi Bà Đen là sáng sớm và buổi tối.
Trong 10 ngày đầu Xuân Quý Mão, lượng khách hành hương đến núi Bà Đen ghi nhận gần một triệu lượt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, ông Phạm Đình Duy (tổ bảo vệ) cho biết do lượng khách quá đông, khu vực trong Điện Bà hẹp, nên nơi này xuất hiện tình trạng chen lấn, một số người khó vào được bên trong.
Theo ông Duy, trong sáng 4/2, đội bảo vệ ghi nhận một số trẻ em bị lạc cha mẹ khi đi tham quan chùa. Tổ bảo vệ đã nhanh chóng phát loa thông báo, đưa những em bé này về với gia đình.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.