Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vượt sóng': Văn chương không phù hợp với người ồn ào, bề nổi

Bằng cách dựng nên những mảng đối lập trong cuộc sống của một nhà văn, tiểu thuyết "Vượt sóng" của Linda Lê gửi gắm những triết lý về nghề văn.

Linda Lê, nữ nhà văn Pháp gốc Việt, đã không còn quá xa lạ đối với người yêu văn chương với những tác phẩm như Vu khống, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa, v.v… Mới đây, Linda Lê quay lại với độc giả Việt Nam với tiểu thuyết Vượt Sóng do dịch giả Phạm Duy Thiện chuyển ngữ.

Vượt sóng xoay quanh câu chuyện của một nhà văn gốc Việt tên Antoine Sorel, vốn không mấy nổi tiếng. Cái cớ để bắt đầu câu chuyện là ý thức của một nhà báo trẻ, muốn tìm hiểu về nhà văn mình yêu thích trong lần đi công tác về thành phố cảng Le Havre.

Và đây như một hành trình đi tìm những điều đối lập trong cuộc sống của Sorel.

Tieu thuyet Vuot song anh 1
Vượt sóng - tiểu thuyết được đánh giá là tác phẩm nổi bật của Linda Lê - mới phát hành tại Việt Nam.

Sorel và những ồn ào, đám đông

Antoine Sorel nhảy lầu tự tử từ tầng 6 chung cư ở tuổi 45. Một cái chết không được mấy ai chú ý, không làm xôn xao dự luận, đa số các báo chỉ dẫn lại câu viết huyền bí được ghi trên tin cáo phó của một tờ nhật báo lớn.

Những gì về anh chỉ được xuất hiện thông qua những lời kể. Và Sorel hiện lên như những mảnh ghép. Việc Diet Trần, ông nội của Antoine Sorel, không có đủ khả năng chăm sóc, nuôi nấng con trai của mình vì quá khó khăn mà phải gửi cho ông bà ngoại đã khiến Martin Trần (bố của anh) nhồi nhét vào tâm trí của 3 đứa con trai rằng đó là một lý lịch không mấy tốt đẹp.

Sự có mặt của anh là nỗi phiền toái của nhiều người, nhất là đối với bố anh, ông Martin Trần và mẹ anh, một người không có chính kiến và luôn lo sợ làm phật ý chồng mình. 

Sorel lập dị, Sorel khùng điên là những gì mọi người xung quanh nhận xét về anh. Gần như anh không phù hợp với bất kỳ một nơi nào. Bố mẹ của anh không thể chấp nhận được một người con bê tha.

Tieu thuyet Vuot song anh 2
Tác giả Linda Lê là một trong những gương mặt văn chương được yêu thích ở cả Pháp và Việt Nam.

Những người vợ, người tình của anh không thể chấp nhận được một người sống ở bên cạnh mình nhưng không quan tâm đến những điều xung quanh.

Hai người em là Jean Trần và Claude luôn tìm cách ở bên, hỗ trợ cũng như chăm lo, nhưng thế giới của anh là sự cô đơn đến tột cùng. Sorel không tìm thấy niềm vui thích khi sống một cuộc sống đường hoàng, không cảm thấy thỏa mãn với việc sống trong một căn nhà rộng rãi với đầy đủ tiện nghi.

Tất cả đều không, ngay cả với những người tình của mình, anh cũng đang tìm kiếm một điều gì đó. Và khi phát hiện họ không phù hợp với mình, Sorel sẵn sàng ra đi hoặc để họ rời xa.

Điều sau cùng để tất cả mọi người nhận ra đó là không ai hiểu gì về Sorel, anh đang cần điều gì, anh đang muốn gì, tại sao văn chương lại quan trọng với anh như vậy. 

Sorel với thế giới của riêng mình

Thế giới của Sorel là văn chương. Ở đó anh vùng vẫy với những ý tưởng nổi loạn. Ở đó anh có thể vượt qua mọi giới hạn. Qua sự tìm kiếm của anh nhà báo trẻ, ý thức mới về văn chương mới được khẳng định.

Văn chương là chính là chiếc phao trong biển đời, là nơi nổi loạn và che giấu những nổi loạn. Những áp lực cuộc sống như kinh tế, vợ con, v.v… đối với Sorel là không tồn tại.

Anh hạn chế đến mức tối thiểu để không phải nghe những điều cằn nhằn. Anh đã chịu sống trong căn phòng nhỏ hẹp để yên ổn viết hơn là sống với người cha của mình. Anh chọn cách rời xa những người tình của mình hơn là chịu đựng họ cằn nhằn và không thể đáp ứng nhu hay cản trở nhu cầu viết của anh.

Tất thảy những sự không hài lòng, cá tính cũng như sự nổi loạn của anh được đẩy hết vào trong những tác phẩm. Sorel hay tác phẩm của anh đều không dành cho kẻ cẩn thận, không dành cho những ai cam chịu không có ý chí thay đổi thế giới… Văn chương anh cũng không phù hợp với đám đông, những người chạy theo bề nổi.

Isabelle là một minh chứng điển hình. Một cô gái nhà giàu đã một mực đòi lấy Sorel vì anh có tác phẩm xuất bản. Thế nhưng, khi trở thành một người vợ, cô đã không thể chịu đựng được lối sống, lối sinh hoạt và thấy rằng, tác phẩm của anh chẳng còn giá trị.

Cô đã có cái nhìn quá ngây thơ khi nghĩ rằng sống cùng một người có danh tiếng thì cô sẽ có danh tiếng. Và cô đã rời bỏ anh khi biết rằng tác phẩm của anh không có mấy độc giả.

Tieu thuyet Vuot song anh 3
Linda Lê sử dụng khối lượng kiến thức văn chương lớn trong Vượt sóng.

Ở đây, khi đọc Vượt sóng ta thấy rõ sự đối lập, giữa việc tồn tại và không tồn tại. Sự tồn tại trong vai trò là người bố, Diet Trần đã không thể chăm sóc cho đứa con của mình nhưng đã day dứt hết cuộc đời.

Ông đã dùng cả đời mình để bù đắp, để yêu thương, để giải thích mặc dù những việc làm ấy không mấy hiệu quả đối với tâm hồn của người con trai mang nặng hận thù, chối bỏ - Martin Trần.

Cũng trong vai trò người bố, Martin Trần được ở gần những đứa con, nhưng cách giáo dục khắt khe của ông đã khiến những đứa con xa lánh. Và đến gần hết cuộc đời, ông cũng không mảy may day dứt hay nhớ thương đứa con xấu số của mình.

Tác phẩm còn là sự tồn tại đối lập giữa "tâm" và "thân" trong con người nhà văn. Thay vì có một cuộc sống no đủ, giàu sang, Sorel đã chọn cho mình một cuộc sống hoàn toàn trái ngược mà theo bố anh, mẹ anh và những người xung quanh, ngay cả những người tình của anh, nó là cuộc sống bê tha. Chẳng ai hiểu được tại sao anh lại thích thú và chịu đựng điều ấy.

Tuy nhiên văn chương của Sorel lại rất chỉnh tề. Niềm tin, nguồn sống của Sorel đặt cả vào văn chương. Có lẽ điều đó là điểm tựa, điểm bấu víu để Sorel quên đi tất thảy những vấn đề ngoại thân của anh.

Sorel chỉ cần là có một nơi để viết. Anh có thể sa đà, có thể nghiện ngập rượu bia hay khoác trên mình một bộ quần áo rách rưới nhưng anh không thể ngừng viết. Sorel đã tồn tại hơn 40 năm, nhưng Sorel là người như thế nào, đối với các nhân vật được nhà báo phỏng vấn vẫn là một dấu hỏi.

Với Vượt sóng, nhà văn Linda Lê đã sử dụng một khối lượng kiến thức văn chương không nhỏ trong tác phẩm. Điều ấy cũng dễ hiểu khi viết về cuộc đời của một nhà văn.

Đồng thời, qua đây chân dung của một nhà văn vốn không được quan tâm được hiển hiện một cách rõ nét. Văn chương không chỉ là nơi để nổi loạn, văn chương cũng là nơi cất giấu những nổi loạn. Và văn chương cũng là nơi hội tụ những tâm hồn. Ở đó, họ tìm thấy sự đồng điệu.

Thật may, khi kết thúc tác phẩm, nhân vật "tôi" đã đưa Sorel sống trở lại. Và ít nhất, anh biết rằng nơi nhà văn yêu quý của anh tới không phải là “âm phủ”. Cuốn sách khiến cho độc giả tin rằng văn chương không phù hợp với những ai sống bề nổi. 

 




Lâm Lâm

Bạn có thể quan tâm