Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các bộ sử Trung Quốc viết thế nào về Việt Nam?

Lịch sử Việt Nam được ghi chép trong các bộ sử Trung Quốc đã được tác giả Châu Hải Đường sưu tập và dịch thành cuốn "An Nam Truyện".

An Nam Truyện ghi chép lịch sử nước Việt Nam qua góc nhìn của sử gia phong kiến Trung Quốc suốt hơn 2.000 năm, từ thời nhà Tần, Hán đến tận năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại nhà Thanh.

An Nam Truyện do dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, (Lê Tiến Đạt, sinh năm 1974), thực hiện và được Tao Đàn cùng NXB Hội Nhà Văn vừa phát hành.

Theo tác giả, trong số 26 bộ chính sử Trung Quốc thì 17 bộ có thông tin liên quan đến Việt Nam. Đó là các bộ: Sử ký Tư Mã Thiên, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo.

Trong khi đó, các bộ sử còn lại không có thông tin liên quan đến Việt Nam, hoặc có thông tin nhưng là chép lại từ các bộ khác. Điển hình như câu chuyện Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, là dấu mốc quan trọng đánh dấu một thời kỳ tự chủ của nước ta, nhưng chỉ được nhắc rất khiêm tốn trong bộ Tân Ngũ đại sử, ở phần "Nam Hán thế gia".

Sach lich su,  Chau Hai Duong,  Khao cuu anh 1
Sách An Nam Truyện gồm các chuyện về Việt Nam do tác giả Châu Hải Đường dịch và biên soạn từ các cuốn sử Trung Quốc xưa.

Từ Tống sử, đã có thể nhận thấy tinh thần độc lập của nước Đại Cồ Việt, như đoạn nói về Lê Hoàn không lạy sứ giả của vua Tống được chép ở phần Ngoại quốc, chương viết về Giao Chỉ: "Hoàn tự nói là năm gần đây giao chiến với giặc man, bị ngã ngựa gãy chân, nên nhận chiếu không bái lạy".

Các thất bại của quân đội Trung Quốc xâm lược nước ta cũng bị viết nhẹ đi rất nhiều. Như trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của quân Nguyên, trận tướng Trần Khánh Dư tập kích đoàn thuyền lương của quân Nguyên tại Vân Đồn do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy, Nguyên sử chỉ thừa nhận: "Quân sĩ bị mất 220 người, cùng 11 chiếc thuyền, và hơn 14.300 thạch lương".

Về thất bại của Trấn Nam vương Thoát Hoan trước quan quân nhà Trần đầu năm 1288, Nguyên sử cũng chỉ viết: "Quân do thám cho biết Nhật Huyên (Trần Thánh Tông) cùng Thế tử và Hưng Đạo vương chia hơn 300.000 quân, đóng giữ Nữ Nhi quan và núi Khâu Cấp, nối nhau hơn 100 dặm để chặn đường về quân Nguyên. Trấn Nam vương bèn từ huyện Đơn Kỷ chạy sang Lộc Châu, theo đường tắt mà ra, đến châu Tư Minh".

Trận Chi Lăng năm 1427, Minh sử chép: "(Lê) Lợi đã có lời hứa với (Vương) Thông, bèn nói dối là họ Trần vẫn còn dòng dõi, đem những đầu mục lớn nhỏ đến chỗ quân (Liễu) Thăng, xin bãi binh, để lập hậu duệ họ Trần".

"Thăng không mở thư, sai sứ tâu về triều. Không lâu, Thăng tiến binh đến dốc Đảo Mã, bị giặc vây hãm, chết trận. Hậu quân đến sau cũng nối nhau chết cả. Thông nghe tin, sợ lắm, tập hợp cả quân dân quan lại, ra sông Hạ Tiếu (tức sông Hồng), lập đàn cùng Lợi minh thệ, hẹn lui quân".

Thanh sử cảo cũng cho thấy diễn biến trận đánh vào thành Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung: "Mồng Một tháng Giêng, trong quân bày rượu tấu nhạc, đang đêm bỗng có tin báo quân Nguyễn (Huệ) đã tới nơi, mới hốt hoảng chống cự".

"Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch nổi số đông, trong đêm tự dẫm đạp lên nhau mà chạy. Tôn Sĩ Nghị vượt sông Phú Lương (sông Hồng), rồi lập tức chặt cầu phao để đoạn hậu, vì vậy những quân trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, cùng quan quân phụ dịch hơn 10.000 người, đều chen nhau chết đuối cả".

Sach lich su,  Chau Hai Duong,  Khao cuu anh 2
An Nam Truyện cho thấy tinh thần của Đại Việt đã được thể hiện trong các bộ sử của Trung Quốc. 

Sách An Nam Truyện được chia làm ba phần: An Nam Truyện trong chính sử Trung Quốc xưa, các nhân vật tiêu biểu trong chính sử Trung Quốc xưa tại An Nam và Chiêm Thành - Phù Nam - Chân Lạp.

Ở phần hai, tác giả tập hợp những nhân vật liên quan chặt chẽ đến lịch sử Việt Nam như Triệu Đà, Sĩ Nhiếp, Nhâm Diên, Tích Quang… với phần truyện khá chi tiết. Ngoài ra sách còn giới thiệu truyện về những nhân vật ít được sử sách Việt Nam nhắc tới như Đỗ Tuệ Độ, Lưu Diên Hựu, Dương Tư Húc, Triệu Xương...

Phần ba là những ghi chép trong lịch sử Trung Quốc về các vương quốc Chiêm Thành - Phù Nam - Chân Lạp xưa. Đây là những vùng đất mà các triều đại phong kiến Trung Quốc luôn muốn dòm ngó, nên thông tin về địa lý, lịch sử, đặc biệt là các loại sản vật... đều được ghi chép từ Tống sử, Nguyên sử, Minh sử...

Từ các ghi chép trong lịch sử Trung Quốc trong An Nam Truyện, người yêu lịch sử Việt Nam có tư liệu đặt cạnh các bộ sử Việt Nam để kiểm chứng, đối chiếu, nhằm hoàn thiện bức tranh tổng thể về lịch sử đất nước.



Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm