Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lâm Hoàng Trúc: Vẽ về quê hương với tinh thần biết ơn và trân trọng

Cánh đồng hoa ngút mắt ở miền Tây, câu chuyện đi tìm hoài bão, tìm lại chính mình trong truyện tranh "Đường hoa" đã chinh phục đông đảo độc giả.

Bộ truyện tranh Đường hoa mới được NXB Kim Đồng phát hành gây chú ý trong thời gian vừa qua. Đây là bộ truyện tranh "made in Vietnam" của họa sĩ trẻ Lâm Hoàng Trúc.

Tác giả có cuộc trò chuyện về quá trình sáng tác Đường hoa, chủ đề đam mê, sống đúng với khát vọng của mình trong truyện, cũng là một phần nội tâm của người vẽ ra sách.

Truyen tranh made in Vietnam,  Duong hoa anh 1
Bộ sách Đường hoa.

Tự học vẽ và vượt qua chính mình

- Hành trình đến với sáng tác truyện tranh của Lâm Hoàng Trúc diễn ra thế nào? Công việc này đã cuốn hút anh ra sao? 

- Tôi đọc quyển comic đầu tiên trong đời là Stars War, hồi những năm 1990. Đến năm lớp 3, được đọc Doraemon, chính lúc đó tôi biết mình muốn làm gì trong đời rồi, muốn vẽ thứ giống như cuốn sách tôi đang cầm trên tay.

Rồi tôi bắt đầu chép lại những khung tranh trong truyện, chép lại cả hội thoại. Tôi bắt chước tất tần tật những nét vẽ đó, hoàn toàn không suy nghĩ sâu xa gì hơn, kiểu được vẽ là thích lắm rồi.

Tôi tập quan sát cuộc sống xung quanh và vẽ vào truyện. Những độc giả đầu tiên là bạn bè cùng lớp. Tụi bạn rất khoái đọc truyện tôi viết, không biết do truyện hay thật, hay do có "trò" giải trí sau giờ học (cười).

Tính ra tôi tự mò mẫm vẽ truyện tranh cũng gần 20 năm. Tôi không nghĩ mình sẽ làm việc gì khác ngoài vẽ truyện tranh, dù làm việc kiếm tiền thì thế nào cũng được, nhưng nếu không được vẽ thì thôi chết đi cho rồi.

- Để có được "Đường hoa" ra mắt hôm nay, quá trình tự mày mò học hỏi trong 20 năm chắc chắn không đơn giản?

 - Cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn không biết làm thế nào để có được một tác phẩm đủ tiêu chuẩn như các cuốn truyện tranh nước ngoài, viết xong cứ thấy thiếu sót gì đó.

Khi đi làm, được các anh chị, cô chú giỏi hơn chỉ dạy, mới biết lý do là thiếu căn bản, làm việc tùy hứng. Suốt nhiều năm trời tự vẽ trong bóng tối, không học hành bài bản, đó là lỗi của bản thân, do cái tật coi thường những hướng dẫn cơ bản, chỉ lo bắt chước vẽ theo những thứ màu mè, phô trương.

Những hiểu biết về mỹ thuật căn bản, nếu học hành đàng hoàng thì rất khó và cực kỳ dễ nản. Một đứa trẻ tự học thì khó mà theo được, hơn nữa, cứ nghe khen mình có năng khiếu là vênh mặt lên tự mãn, chả thèm học hành gì nữa, cứ thế vẽ thôi. 

- Tự nhận việc không học căn bản là "lỗi bản thân", vậy anh làm gì để sửa lỗi đó?

  - Đúng là không đi tới đâu. Sau này tôi mất hơn một năm để học lại tất cả kiến thức nền tảng, vẽ cật lực mỗi ngày, mới thấy con đường thật gian nan làm sao.

Phải bỏ đi tất cả những thói quen cũ, vẽ bằng trái tim và cái đầu. Chấp nhận sự thật là mình vốn "ngu như bò". Tôi đã không còn chép tranh của các họa sĩ nữa, chập chững vẽ những nét vẽ đầu tiên của chính mình.

Truyen tranh made in Vietnam,  Duong hoa anh 2
Tác giả Lâm Hoàng Trúc (phải) giao lưu cùng bạn đọc về bộ sách Đường hoa.

Ở tuổi 22, tôi bước ra đời và không biết gì cả. Học vẽ lại từng cái cây, từng khối hộp, học lại cả cách cầm bút, nguệch ngoạc vẽ ra những nhân vật đầu tiên của chính mình, không còn từ hình mẫu của bất kỳ ai.

Dù vậy, những nhân vật đó vẫn còn hao hao những hình mẫu truyện tranh yêu thích. Tôi nhận ra cần phải bước tiếp, bước qua những cái hao hao ấy. Và Đường hoa ra đời sau những tháng ngày tôi quyết tâm thoát khỏi chính mình như vậy.

Bộ truyện tranh "made in Vietnam" mang đậm hồn quê hương

- Từ nguồn cảm hứng nào mà anh tạo nên câu chuyện về nhân vật Trung, một chàng trai sinh ra ở vùng quê nghèo miền Tây quanh năm chỉ có nghề trồng bông, cùng đam mê, ước mơ trở thành họa sĩ?

- Đây là tác phẩm dành tặng cho tuổi trẻ bồng bột của tôi, một tuổi trẻ năng lực thì ít mà tự mãn và kỳ vọng thì nhiều. Sau một thời gian đi làm, cái tôi có được là tiền. Cái tôi mất đi là nhiệt huyết, sự trong sáng, đam mê mãnh liệt. Giống như bị bào mòn đến tận gốc rễ.

Khi ấy tôi nghĩ: "Mình muốn vẽ truyện tranh cơ mà, sao lại lún vào công việc thế này, đi học cũng không vẽ cái mình thích, sống chẳng vui gì hết". Lúc đó tôi muốn bỏ hết, quay về nhà thôi, dẹp hết đi, tới cuối cùng mình chỉ có truyện tranh thôi.

Về nhà đọc lại những bộ truyện cũ, xem lại tranh của mình ngày xưa, tôi quyết định phải vẽ truyện tranh. Tôi quay về nhà, như nhân vật Trung, đầu tiên là do hết tiền, chả còn đi đâu được nữa, về nhà có cơm ăn áo mặc, có bị phụ huynh cằn nhằn xíu cũng không sao, phải sống để vẽ cái đã.

May là ba mẹ chỉ hỏi chừng nào mày đi làm thôi. (Cười). Rồi tôi dành 6 tháng để hoàn thành kịch bản Đường hoa. Không tính toán gì cả, có gì viết ra hết, trong đời tôi chắc đây là lần đầu tiên tôi viết với tất cả trái tim và kiến thức như vậy.

Tôi đã quay trở lại nơi mà ngày xưa tôi nghĩ rằng chả có gì để học, cuối cùng thì chính quê hương là nơi đem lại tác phẩm đầu tiên cho mình. 

- Trong sách, con đường trở về với gia đình, quê hương, xứ sở, cũng chính là con đường dẫn nhân vật Trung tìm về với giấc mơ thuở trước. Trung có phải là một nguyên mẫu ngoài đời thực của tác giả? 

- Trung là nội tâm của tôi. Tôi luôn cảm thấy rất khó bày tỏ suy nghĩ của mình cho người khác mà không bị hiểu lầm, vì vậy chỉ có thể chọn cách im lặng hoặc cười cười khi người ta hỏi tới. Giải thích nhiều quá dễ bị áp đặt tư tưởng của mình lên người khác, chưa kể còn chuốc thêm tranh cãi rồi lại bực mình, mệt mỏi.

Quan điểm của nhân vật Trung là sống vì đam mê, khá mâu thuẫn với nhiều người khác, nên khó mà bày tỏ được, chẳng ai sai cả, nên tốt nhất là đừng nói tới.

Truyen tranh made in Vietnam,  Duong hoa anh 3
Phong cảnh quê hương bình dị, nên thơ trong tranh Lâm Hoàng Trúc chinh phục độc giả.

- Tranh vẽ trong sách "Đường hoa" đem lại những rung cảm đặc biệt, bởi màu sắc thuần Việt, phản chiếu hình bóng quê hương bình dị, nên thơ. Khi sáng tác, anh có chủ trương thể hiện vẻ đẹp quê hương miền Tây?

- Khi trở về quê hương để làm lại từ đầu thì trong đầu tôi cũng phải đổ bỏ hết cặn bã trong đầu ra. Vì thế khi mở mắt ra, tôi thấy một thế giới khác, không mới, nhưng đã được tôi nhìn nhận với tâm thế khác.

Tôi đi khắp miền Tây để ghi lại những hình ảnh của quê hương đất nước. Cánh đồng, dòng sông, con người chảy vào đầu mình tươi mới và nhẹ nhàng, tôi chỉ cần trân trọng và vẽ lại.

Tôi nhận ra là vẽ một ngọn cỏ thôi cũng đã vô cùng khó, đừng nói tới cái gì to tát hơn, rõ ràng trước giờ tôi đã bỏ qua nhiều thứ, xem thường nhiều thứ. Trong mỗi hạt lúa, mỗi cánh chim đều ẩn chứa bao nhiêu điều kỳ diệu mà chỉ có thể bình tâm lại, quan sát thật kỹ mới nhận ra. Vì thế tôi đã vẽ lại những cảnh vật đó với tinh thần biết ơn và trân trọng.

Trong truyện rất hiếm có cảnh dùng điện thoại và hoàn toàn không có Internet. Đó là kết quả của chuyện về quê để sống. Không có những tiện nghi đó cũng không vấn đề gì, đầu óc lại sáng suốt minh mẫn hơn nhiều.

Và tôi cũng để nhân vật Trung sống một cuộc sống như thế để cậu ta có thể bình tĩnh nhìn lại bản thân mình.




Lê Hòa Long

Bạn có thể quan tâm