Vào ngày 14/10, Núi Merapi ở tỉnh Yogyakarta, núi lửa thất thường nhất ở Indonesia, đã phun ra một đám mây tro bụi cao tới 3 km sau nhiều tháng không có hoạt động núi lửa nào đáng kể.
Mặc dù núi lửa này đã phun trào từ thế kỷ 16 và những vụ phun trào lớn xảy ra trong khoảng từ 4 đến 10 năm, nhiều người dân ở tỉnh Yogyakarta coi đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy thần linh đang tức giận.
Một số người dân địa phương tin rằng nguyên nhân của cơn thịnh nộ thần thánh này là một loạt các quyết định của Quốc vương Sri Sultan Hamengku Buwono X, nhân vật vừa là thống đốc của tỉnh và là người cai trị Vương quốc Hồi giáo Ngayogyakarta Hadiningrat.
Khách du lịch đi dạo bên trong cung điện hoàng gia của Vương quốc Hồi giáo Ngayogyakarta Hadiningrat ở Yogyakarta. Ảnh: CNA. |
Quyết định bất ngờ
Ngày 30/4/2015, nhà vua ra lệnh rằng danh hiệu hoàng gia của chính mình sẽ được điều chỉnh để làm cho nó trở nên trung lập về mặt giới tính. Ông có năm cô con gái và không có con trai.
Năm ngày sau, quốc vương đã ban cho cô con gái lớn Pembayun của mình một danh hiệu mới - "Mangkabumi" - danh hiệu vốn được dành riêng cho các hoàng tử kế vị ngai vàng.
Trong buổi lễ đón nhận danh hiệu, vị công chúa 47 tuổi đã ngồi cạnh quốc vương trên chiếc ghế linh thiêng làm từ đá có tên là “Watu Gilang”. Trong quá khứ, chiếc ghế này được dành cho các hoàng tử kế vị.
Ngai vàng của Vương quốc Hồi giáo Ngayogyakarta Hadiningrat với Watu Gilang, một chiếc ghế được làm từ đá linh thiêng dành riêng cho các hoàng tử kế vị ở bên trái. Ảnh: CNA. |
Mặc dù nhà vua chưa bao giờ chính thức tuyên bố công chúa là người kế vị của mình, gia đình hoàng gia đã dành hai năm tiếp theo để yêu cầu Tòa án Hiến pháp bãi bỏ một điều khoản trong Luật về Đặc khu Yogyakarta. Điều khoản này không cho phép phụ nữ trở thành thống đốc tỉnh. Tòa án đã chấp thuận thỉnh cầu của gia đình hoàng gia vào tháng 8/2017 với lý do điều luật này phân biệt đối xử.
Một loạt các động thái của gia đình hoàng gia đã gây xôn xao và chia rẽ người dân ở Yogyakarta. Cuộc tranh cãi đã diễn ra gay gắt đến mức các nhà phân tích lo ngại về cuộc đấu tranh quyền lực giữa gia đình nhà vua và anh chị em của ông khi vị quốc vương 73 tuổi qua đời.
Vị trí chỉ dành riêng cho đàn ông?
Tình trạng đặc biệt của tỉnh Yogyakarta bắt nguồn từ khi Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia, cho phép gia đình hoàng gia giữ quyền lực tại Yogyakarta vì lòng biết ơn đối với vai trò của hoàng gia trong việc chống lại ách thống trị của Hà Lan.
“Nhưng vai trò của quốc vương lớn hơn so với chức vụ thống đốc”, ông Heru Wahyu Kismoyo, một chuyên gia về văn hóa Java tại Đại học Widya Mataram cho biết.
“Là người cai trị một vương quốc Hồi giáo, một vị vua phải chủ trì các lễ hội và sự kiện tôn giáo lớn và đóng vai trò là người coi sóc bốn nhà thờ Hồi giáo lớn trong vương quốc”, ông Kismoyo nói với CNA.
Bức ảnh được chụp vào ngày 7/5/2016 cho thấy Quốc vương Hamengku Buwono X và vợ ông, nữ hoàng Gusti Kanjeng Ratu Hemas, trước khi xem một buổi biểu diễn múa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông và năm thứ 27 nắm quyền ở Yogyakarta. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra còn có nhiều vai trò huyền bí và tâm linh mà một vị vua ở Yogyakarta phải gánh vác. Yogyakarta là nơi mà các giá trị Hồi giáo cùng tồn tại đan xen với các truyền thống Ấn Độ giáo và thuyết vật linh.
Ví dụ, nhà vua phải lấy lòng Nyai Roro Kidul, Nữ hoàng Biển Nam, một vị thần sống ở Ấn Độ Dương, và giữ cho bà ấy hạnh phúc để bà ấy cho ngư dân đánh bắt và đi biển an toàn. Người dân Java tin rằng nữ thần là phối ngẫu tâm linh của người trị vì Yogyakarta.
Nhà vua cũng phải thể hiện sức mạnh ma thuật để giữ con yêu tinh Sapu Jagat sống trong Núi Merapi trong tầm kiểm soát.
Các tín đồ tập trung bên trong Nhà thờ Hồi giáo Kauman được điều hành bởi Vương quốc Hồi giáo Ngayogyakarta Hadiningrat. Ảnh: CNA. |
Nhiều người ở Yogyakarta đang thắc mắc, "Làm thế nào một người phụ nữ có thể tán tỉnh Nữ hoàng biển cả? Làm thế nào một người phụ nữ có thể phát huy sức mạnh của mình đối với Sapu Jagat?. Họ tin rằng nếu một vị vua không thể thực hiện tốt những nhiệm vụ thần bí này, thảm họa sẽ ập đến”, ông Kismoyo nói với CNA.
Hoàng gia bị chia rẽ
Nhà vua Sri Sultan Hamengku Buwono X đã từ chối trả lời các câu hỏi của CNA. Các công chúa khác cũng như các cố vấn và trợ lý hoàng gia cũng rất kín tiếng về các sắc lệnh của quốc vương.
Trong những dịp hiếm hoi khi ông trao đổi với truyền thông, nhà vua đã trả lời một cách mơ hồ về những lý do đằng sau quyết định của ông. “Tôi đã được Thượng đế chỉ dẫn thông qua linh hồn của cha tôi và tổ tiên của tôi”, nhà vua nói với các phóng viên ba ngày sau khi ban tước hiệu cho con gái.
Anh trai cùng cha khác mẹ của nhà vua, Hoàng tử Yudhaningrat, nghi ngờ về câu chuyện này.
Anh trai cùng cha khác mẹ của nhà vua, Hoàng tử Yudhaningrat. Ảnh: CNA. |
“Tôi chưa nói chuyện với anh tôi kể từ khi có quyết định trên. Tôi rất muốn gặp ông ấy vì tôi muốn biết chính xác làm thế nào các linh hồn nói chuyện với ông. Nhưng ông từ chối gặp anh chị em của mình”, ông Yudhaningrat nói với CNA.
Trong số 20 anh chị em ruột và anh chị em cùng cha khác mẹ của nhà vua, 15 người vẫn còn sống đến ngày hôm nay. 9 người trong số họ là nam giới.
Hoàng tử Yudhaningrat cho rằng ngai vàng nên được truyền lại cho bất kỳ ai trong số chín anh em còn sống của ông. “Quyết định này đã phá vỡ gia đình chúng tôi. Nó đã hoàn toàn đi chệch khỏi luật thiêng liêng. Không lý nào linh hồn của tổ tiên nói chuyện với anh trai tôi và hướng dẫn anh ta phá vỡ Paugeran”, hoàng tử nói.
Các anh chị em của nhà vua đã từ chối thừa nhận sắc lệnh của ông và gọi Công chúa Pembayun, thay vì danh hiệu mới của cô.
“Chúng tôi không phải đang tranh giành quyền lực. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc giữ gìn cho vương quốc. Pembayun có thể giữ vị trí thống đốc của anh trai tôi. Pembayun có thể giữ nhiều doanh nghiệp mà anh trai tôi sở hữu. Hãy chắc chắn rằng bất cứ ai đảm nhận ngai vàng đều phù hợp với luật thiêng liêng”, Hoàng tử Yudhaningrat nói.
“Nếu Pembayun hoặc bất kỳ chị em nào muốn trở thành nhà vua, cô ấy nên xây dựng vương quốc của riêng mình”, ông Yudhaningrat nói với CNA.
Tương lai bất định
Ông Raden Mas Hertriasning, một nhà sử học hoàng gia và là anh em họ của nhà vua, nói rằng ông lo lắng mọi thứ có thể trở nên xấu đi nếu quốc vương không giải quyết vấn đề kế vị trong khi ông còn sống.
“Có thể có sự tranh giành ngai vàng, điều này có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy hoặc phô trương vũ lực”, ông Hertriasning nói với CNA. “Khi điều đó xảy ra, chính quyền trung ương có thể phải can thiệp và có thể sẽ phải đình chỉ tình trạng đặc biệt của Yogyakarta. Điều này có nghĩa là triều đại của Vương quốc Hồi giáo Ngayogyakarta Hadiningrat trên đảo Yogyakarta sẽ kết thúc”.
Ông Raden Mas Hertriasning, một nhà sử học hoàng gia và là anh em họ của nhà vua. Ảnh: CNA. |
Ông Hertriasning nói rằng ông không có vấn đề gì với việc nữ vương cầm quyền ở Yogyakarta. “Luật thiêng nên theo kịp những thách thức và đòi hỏi của thời hiện đại”, ông nói.
“Vấn đề là công chúa đã không thể hiện mình là người kế vị xứng đáng”, ông nói thêm. Công chúa đã học một thời gian ngắn ở trường trung học ở Singapore và sau đó nhận bằng cử nhân tại Úc. Tuy nhiên, cho đến nay cô chỉ giữ một số vị trí mang tính hình thức trong các tổ chức từ thiện và các doanh nghiệp liên kết với vương quốc.
“Liệu cô ấy sẽ có thể trở thành một người cai trị đúng nghĩa, một thống đốc của khu vực giàu truyền thống nhiều thế kỷ qua? Chúng tôi không biết”, ông Hertriasning nói với CNA.
Anh em của nhà vua sẽ không đảm nhận vị trí này tốt hơn công chúa, ông Hertriasning tuyên bố.
“Có lẽ người nhà vua đang cố gắng khuyến khích anh em của mình hành động và cho thấy rằng họ là những người kế thừa xứng đáng bằng cách ban hành sắc lệnh này. Chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán”, ông nói.