Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Daishiro Yamagiwa (giữa) tham dự cuộc họp ở Singapore để thảo luận về việc Anh gia nhập CPTPP. Ảnh: Kyodo. |
Sau cuộc họp cấp bộ trưởng về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Singapore, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết dựa trên quan điểm của một số thành viên, ông tin rằng một thỏa thuận cơ bản có thể đạt được “trong năm nay”, Nikkei Asia đưa tin hôm 8/10.
Ông Yamagiwa nói thêm rằng quá trình Anh gia nhập hiệp định 11 thành viên "sẽ là một tiền lệ tốt" trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về quy tắc thương mại và tính minh bạch.
Cuộc họp kéo dài một ngày thảo luận về việc Anh tham gia hiệp định CPTPP diễn ra vào ngày 8/10. Nhật Bản dẫn đầu một nhóm phụ trách về tư cách thành viên của Anh.
Vương quốc Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 2/2021. Anh là nền kinh tế đầu tiên ngoài 11 nước ký kết ban đầu xin gia nhập hiệp định, theo Bloomberg.
"Chúng tôi đang tập trung hoàn thành tiến trình gia nhập của Vương quốc Anh. Hoạt động này đóng vai trò mở đường cho (các quốc gia khác muốn gia nhập CPTPP)", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết trong buổi họp báo chung sau cuộc họp.
Ông Gan nói thêm rằng 5 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP, nhưng không nêu tên nước.
Quan chức các nước tham gia cuộc họp báo về hiệp định CPTPP vào ngày 8/10. Ảnh: Edge Singapore/Bryan Wu. |
Vào tháng 9/2021, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, với nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Singapore và Malaysia đã tuyên bố hoan nghênh Trung Quốc gia nhập hiệp định.
Vài ngày sau động thái của Trung Quốc đại lục, Đài Loan cũng nộp đơn xin gia nhập.
Để tham gia hiệp định này, các nền kinh tế cần có sự chấp thuận của tất cả 11 thành viên - bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 không bao gồm Mỹ, sau khi nước này đột ngột rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2017.