Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vương Hồng Sển đọc sách 'như con chó khôn biết chôn xương để dành'

Các văn thi sĩ dạo trước 1945, có thể thấy một điểm chung ở họ: Trân quý sách vở và đọc sách say sưa. Như Tô Hoài đọc sách đến đờ đẫn, hay Huy Cận đọc sách phải... thắp hương.

Văn nhân thi sĩ, vốn là những người gắn mình với nghiệp viết lách, thế nên dân gian tếu táo nói họ là những “bồ chữ”, hay văn hoa hơn là những “bách khoa thư kiến thức” có lẽ chẳng sai khác là bao. Xem qua nhật ký, hồi ức của các văn thi sĩ dạo trước 1945, có thể thấy một điểm chung ở họ: Trân quý sách vở và đọc sách say sưa.

Trong phạm vi bài viết này với sự hạn hẹp của câu chữ, chúng tôi chỉ xin dẫn ra dăm gương mặt chúng ta quen mặt trên văn đàn mà tên tuổi của họ, hiện nơi bìa 1 của nhiều tác phẩm vẫn còn giá trị và tái bản đều đều đến nay. Ấy là Huy Cận, Tô Hoài và Vương Hồng Sển. Việc sắp xếp này chẳng có ý phân vai dàn lứa, chỉ đơn giản nói về sự đọc mà thôi.

Huy Cận - Thắp hương để “cảo thơm lần giở trước đèn”

Với tác giả họ Cù, tình yêu với sách vở để từ đó mở ra cái sự ham đọc, ham hiểu biết, được đơm hoa từ tủ sách của người cậu khi Huy Cận còn nhỏ tuổi. Nhớ lại việc ấy, tác giả Tràng giang cho hay “Những ngày tháng ở Quảng Điền, là những ngày tôi bắt đầu ham mê đọc sách nhờ cái tủ sách của cậu tôi, cái tủ sách kỳ diệu nó đã mở ra cho tôi thế giới thần kỳ của văn thơ đông, tây, kim, cổ”. Bởi nơi tủ sách ấy, chứa đựng bao nhiêu tri thức mà một tâm hồn còn thơ dại chưa biết hết được. Sách tiếng Việt thì Thạch Sanh, Phan Trần, Hoàng Trừu, Chinh phụ ngâm… Ngoài ra lại còn sách Pháp ngữ với những truyện Ba Tư rút ra từ Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ Andersen… rồi Những người khốn khổ, Tam quốc… Và hãy xem niềm vui của cậu bé họ Cù dạo ấy: “Tủ sách của cậu tôi là trường học văn thơ đầu tiên của tôi. Tôi say sưa đọc văn thơ tiếng Việt, chẳng mấy lúc mà đọc hết; đọc hết lại đọc lại”… “Rồi tôi đọc dần sách tiếng Pháp, tất nhiên là không hiểu hết”. Chính từ đó mà về sau “Cái thói quen hay mua sách, hay gom sách, hay tích lũy sách hay của tôi cũng bắt nguồn từ đó”.

Van thi si ham doc sach anh 1

Tác giả "Tràng giang" ham đọc sách nhờ tủ sách của người cậu.

Khi đã trưởng thành, trở nên có tiếng trên văn đàn trước 1945, dạo được anh em Hoài Thanh, Hoài Chân điểm tên trong sách Thi nhân Việt Nam, Huy Cận đã đọc cuốn sách có mình trong đó cẩn trọng, thành kính chẳng kém gì cúng tổ tiên. Nơi Hồi ký song đôi, nhà thơ còn nhớ: “Khi tôi đang thực tập kỹ sư ở đồn điền canh nông trên tỉnh Tuyên Quang (1941) thì tôi nhận được quyển Thi nhân Việt Nam (trong đó bài anh [chỉ Hoài Thanh] viết về tôi rất đằm thắm, thiết tha, sâu sắc biểu hiện một sự đồng cảm từ đáy lòng). Nhận được sách, tôi đã thắp một nén hương để đọc, vì cái câu của Nguyễn Du anh để ở đầu trang sách làm tiêu đề Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Huy Cận trân trọng câu chữ của tiền nhân, tưởng như anh linh của tác giả Truyện Kiều lẩn khuất đâu đây nên dẫu là một câu trong Truyện Kiều thôi, mà cũng đáng để thắp hương trân quý đến vậy.

Tô Hoài - Đọc sách say sưa đến đờ đẫn

Trong ấn tượng tuổi thơ của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, bên cạnh những nghèo khó của gia đình, thì điểm sáng gây ấn tượng mạnh với Tô Hoài, có lẽ là những cuốn sách. Bởi vậy những ghi chép trong Cỏ dại, Tự truyện, Cát bụi chân ai… ký ức tuổi thơ dội về trong ông không thiếu bóng hình của sách. Đó có thể là ông lão đổi bán sách với đôi bồ sách cùng lời rao “Ai đổi sách, bán… sách!”, đó có thể là những chồng sách bìa xanh bìa đỏ xếp lên nhau với cơ man những Chinh Tây, Tam hạ Nam Đường…

Riêng về cái khoản đọc sách thì phải nói ông say sưa với những con chữ đến mụ mị cả người. Chẳng nói đâu xa, trong Cỏ dại ông cho hay dạo nhỏ khi đã đọc thông quốc ngữ, biết làm tính cộng trừ, người cha đi Nam trở về. Trong cái rương đem về ấy, ngoài quần áo là một chồng sách với đủ loại sách khác nhau. Và đó là một cái thế giới mới với cậu bé Tô Hoài: “Suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách đặc biệt ấy. Tôi dán mắt từ trang này qua trang khác. Những trang sách nhiều tiếng miền Nam”… “Trong những trang sách những tiếng khó nghe đó diễn ra bao nhiêu truyện ly kỳ với những nhân vật rõ rệt đến nỗi tôi tưởng như tôi đi đường cũng có thể gặp họ hoặc tôi cũng là họ không biết chừng”. Đó là những Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê hay Trình Giảo Kim, Lưu Kim Đính như từ sách bước ra đời thực trong trí tưởng tượng của cậu bé. Và bởi say sưa đọc đến thoát ly cả trần tục mà có lúc “Buông sách xuống, mặt tôi đờ đẫn”.

Van thi si ham doc sach anh 2

Nhà văn Tô Hoài dạo nhỏ đọc sách đến thoát ly thực tại.

Nhờ những sách của cha mua về mà ngay từ nhỏ, Tô Hoài đã biết đến Truyện Kiều, Tứ dân văn uyển, Văn đàn bảo giám hay Càn Long du Nam, Thủy hử rồi Tố Tâm, Hồn bướm mơ tiên… Lại có dạo còn đọc thêm… sách Phật nữa. Có lần khi ở nhà người từng làm cùng sở bán bánh tây với cha, Tô Hoài bắt gặp niềm vui giữa nỗi buồn xa bố mẹ cũng nhờ sách. Tỉ như cuốn Vô gia đình bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục giúp chú bé tìm khuây sau mỗi bữa cơm trưa là ngồi… đọc lén mấy trang truyện.

Ham đọc từ nhỏ, vốn hiểu biết cùng trí tưởng tượng phong phú đã giúp cho ngòi bút Tô Hoài trở nên mềm mại mà góp tên tuổi trên mặt báo. Và với riêng tác phẩm để đời của ông, cũng có ảnh hưởng từ sự đọc ấy như ông tâm sự trong Tự truyện: “Truyện Dế mèn phiêu lưu ký của tôi phảng phất những nét lẫn lộn Guylive du ký, Đông Ki-sốt, Tê-lê-mạc phiêu lưu ký mà tôi đã đọc những bản dịch trong loại sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh”.

Vương Hồng Sển - Thưởng thức sách "như con chó khôn biết chôn xương để dành"

Vương Hồng Sển (1902-1996) không chỉ là một học giả mà còn là một tay chơi sách, sưu tầm đồ cổ có tiếng. Riêng về cái sự đọc sách, vốn ham đọc, ham sưu tầm sách quý, họ Vương cũng có quan điểm riêng của mình về việc đọc. Trong Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế, quyển Hạ, ông có tâm sự dạo ban đầu khi làm bạn với sách đã đọc ngấu nghiến “như kẻ đói gặp thức ăn ngon” những sách mượn ở thư viện.

Về sau khi có sách làm của riêng thì vẫn lời họ Vương kể qua sách trên: “tha hồ đọc chậm rãi, tôi làm như con chó khôn biết chôn xương để dành, khi nào rỗi rảnh sẽ moi lên gặm nhấm. Tôi có quan niệm của tôi là sách đọc phải là sách xuất tiền ra mua, để thư thả đọc và suy gẫm”. Chính từ cái sự ham đọc, ham tìm hiểu rồi dần dà cả đời nghiện luôn sách, nghiện luôn đồ cổ, mà như tâm sự của Vương Hồng Sển trong tác phẩm Cuốn sách và tôi, có lúc trong nhà ông có đến 25 tủ sách bằng gỗ cẩm lai và trắc hổ bì “đánh số từ A đến Z, hoặc nói cách khác, từ 1 đến 25 La mã, mỗi tủ chứa một loại sách phân biệt”. Nhiều sách là vậy nhưng họ Vương “nhớ mỗi cuốn sách nằm ở tủ nào, bìa là gì (đóng da hay để y không đóng bìa), số mục lục là số mấy”.

Van thi si ham doc sach anh 3

Cụ Vương Hồng Sển không chỉ ham đọc, mà còn là người chơi sách có tiếng.

Cũng nhờ việc đọc khắp Đông Tây kim cổ nên khi viết báo hay sách khảo luận, ghi chép tản mạn, nhà cổ ngoạn đều có thể vận dụng đủ loại kiến thức vào bài viết, tác phẩm của mình, cũng theo đó làm nên cái đặc trưng của kiểu viết văn kể chuyện lan man nhưng không gây nhàm mà trái lại, cứ “dắt mũi” bạn đọc hết chuyện này đến người kia trong những Thú chơi sách, Hơn nửa đời hư, Sài Gòn năm xưa cho đến Hiếu cổ đặc san, 50 năm mê hát… Và ở ông già của Vân Đường phủ, tình yêu với sách thật dễ có lẽ là đệ nhất, mà trong Thú chơi sách ông có dẫn ra bài thơ khuyết danh, có lẽ phản ánh được phần nào cái tinh thần quý sách rất riêng không chỉ riêng ông, mà cả những người trân quý sách khác nữa:

Truyện hay mua lấy để mà coi,

Tới mượn không cho nói hẹp hòi.

Quân tử trao ra nào có tiếc,

Mất công cho mượn, mất công đòi.

Ngoài những người được nói ở trên có tấm lòng với sách vở chẳng khác gì người thường yêu vàng, quý ngọc, qua tìm đọc những hồi ký của Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn hay Nguyên Hồng, Vũ Bằng… chúng tôi cũng thấy một gương chung yêu sách kiểu vậy. Mong rằng chẳng xa sẽ lần hồi mà gom góp để hiến cho độc giả về sự ham đọc của những gương ấy ở một bài viết sau.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm