Ngày 13/2, xác nhận với Tiền Phong, lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cơ quan chức năng của thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp, yêu cầu trả lại mặt bằng của hạ tầng ở Bãi Sau để làm sạch bãi tắm này trước ngày 15/3.
Sau đó, TP Vũng Tàu sẽ bàn giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên phương án tổ chức đấu giá.
Năm 2018, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ký quyết định thu hồi gần 400 tỷ đồng của 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bãi Sau, TP Vũng Tàu. Theo kết quả thanh tra, việc quản lý, sử dụng đất, hạ tầng, quy hoạch tại bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau, TP Vũng Tàu) xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài.
Một góc Bãi Sau. |
Cụ thể, năm 1996, Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc đó là doanh nghiệp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao 3.000 m2 bờ biển để đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng bãi tắm Thùy Vân hơn 122 tỷ đồng.
Tiền đầu tư do ngân sách Nhà nước bỏ ra. Sau khi đầu tư xong, công ty này đã cho 8 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thuê hạ tầng, thuê đất kinh doanh. Thế nhưng, hơn 20 năm qua, cả chủ đầu tư và các doanh nghiệp chưa nộp đầy đủ tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp được thuê đất kinh doanh du lịch ở bãi tắm Thùy Vân có các công trình xây dựng trái phép, không phép nhưng chưa bị xử lý hành chính.
Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở Xây dựng, UBND TP Vũng Tàu, xử lý, phá dỡ những công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không phép, trái phép của các doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Đến tháng 8/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho UBND TP Vũng Tàu phải thu hồi hạ tầng bãi tắm Thùy Vân để cải tạo, làm sạch bãi tắm. Thời hạn thu hồi là cuối năm 2021. Lý do, trong quá trình sử dụng hạ tầng bãi tắm, các doanh nghiệp trên đã xây dựng công trình không phép, trái phép ở phía biển che khuất tầm nhìn.
Tại cuộc đối thoại mới đây với chính quyền TP Vũng Tàu, một số doanh nghiệp đồng ý trả mặt bằng. Số khác đề nghị được thuê đất tiếp tục kinh doanh nhưng không được TP Vũng Tàu đồng ý.
Đến đầu năm 2022, UBND TP Vũng Tàu đã giao các ngành chức năng làm việc với các doanh nghiệp để cam kết bàn giao mặt bằng. UBND TP Vũng Tàu cũng sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở, ngành chức năng tạm ngừng kinh doanh của các doanh nghiệp đang sử dụng hạ tầng nói trên từ sau ngày 28/2.
Theo đó, các doanh nghiệp phải bàn giao mặt bằng cho TP Vũng Tàu trước ngày 15/3.
Tuy nhiên, nguồn tin của Tiền Phong cho biết khả năng thu hồi khoản nợ tiền sử dụng hạ tầng do Nhà nước đầu tư của 9 doanh nghiệp gần như là không thể, vì số dư tài khoản của họ là 0 đồng.