Ngày Tết chợ quê như được khoác áo mới. Ảnh: N.L.Đ. |
Người lớn đi chợ Tết để bán mua, để buồn vui lo lắng về giá cả leo thang hay những món cần sắm không được ưng ý. Trẻ con đi chợ Tết chỉ thuần một niềm háo hức rất trẻ con, ấy là để cảm nhận Tết đang về rất gần với mình.
Nhà tôi cách chợ chỉ chừng nửa cây số. Tôi học chiều nên sáng nào cứ nhẩm qua quýt mấy bài thuộc lòng xong là tôi guồng chân phóng vù ra chợ. Đương nhiên chả có xu cắc nào mà ăn quà. Đi chợ chỉ là đi chơi thôi.
Hàng ngày chợ quê vắng vẻ đìu hiu, lèo tèo dăm ba hàng cá thịt rau củ, ngày Tết người bán mua ùn ùn kéo về chật hết các lối đi. Ngó chỗ này lá dong, đốt giang đã về cuồn cuộn, ngắm chỗ kia cà rốt, cà chua, bắp cải đổ đống xanh đỏ vui mắt. Đôi khi va phải anh bán hạt tiêu xay dạo cay xè cả mũi. Có lúc lại xô vào bà hàng hương trầm bị hương đang cháy dở châm vào áo đánh nhói một cái.
Tôi chả quan tâm rau thịt đắt rẻ ra sao, chỉ chăm chú nhìn vào hàng những quả táo chua chín vàng bán kèm muối ớt đỏ ké nhìn thôi đã tứa nước bọt. Hàng bánh rán cũng xèo xèo suốt cả ngày phục vụ cánh bán hàng.
Hàng kẹo chó, bi don don đắt khách bởi người đi chợ bán được chút rau quả đều muốn mua quà về cho con. Kẹo bột thì gói trong những bọc lá chuối, khoe cái màu bột phấn trắng và mật mía nâu sẫm, đầy hấp dẫn.
Những con tò he xanh đỏ hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng, Sa Tăng, hình con giống ngộ nghĩnh hút mắt cả đám trẻ lâu nhâu, ông bán hàng vừa thoăn thoắt tay nặn vừa luôn tay gạt, mồm mắng sa sả những đứa lì lợm sấn cả vào cấu véo tí bột hay bấm mất đuôi con gà, con khỉ.
Tập tản văn Tết xưa thơ bé của tác giả Hương Thị. Ảnh: K.Đ. |
Có lần được cho một con, các chị bảo chơi thôi, không ăn được đâu, bột bẩn lắm. Nhưng cái mồm háu ăn của tôi nào chịu nổi những thứ gì có thể ăn được bày ra trước mắt mà lại nhịn, thế là ngoảnh đi ngoảnh lại, cái đầu con lợn đã đi bay. Chả ngon, bột để vài ngày khô quánh cổ. Rút kinh nghiệm, nếu được mua con tò he ở chợ này, tôi sẽ chỉ chơi một lúc rồi ăn ngay chứ chả để lâu như trước nữa.
Tôi đứng chỗ nọ một tí, ghé chỗ kia một tẹo. Nhìn cho đã con mắt thế mà hôm nào cũng trưa trật ra mới sực nhớ, lại guồng chân chạy về nhà ăn vội bát cơm cho kịp giờ đi học.
Thích nhất là đi chợ vào những ngày cuối năm, khi đã bắt đầu được nghỉ Tết. Thường thì tôi lẽo đẽo bám theo bà, hớn hở khuân về khi thì quả gấc, lúc nải chuối, rồi bó lá dong, vài đốt giang, xâu mộc nhĩ… Ngày trước nghèo khó nhưng công việc chuẩn bị Tết nhất rộn rịch hơn bây giờ rất nhiều.
Có thể là do không có tiền để mua ào một lúc, mọi người đều phải sắm rải rác ra, mỗi ngày một tí tùy theo số tiền chạy vạy, bán được thứ gì hay vay mượn được ở đâu đó. Cũng có thể vì cả năm thiếu thốn, đến ngày Tết ai cũng muốn sắm sanh cho đàng hoàng một chút.
Chính vì thế việc đi chợ Tết tưng bừng, mua bán bằng cả niềm vui, nỗi lo, bằng tất cả những cung bậc cảm xúc chứ không phải chỉ mua cho xong trách nhiệm như bây giờ.
Đi với bà thì sẽ được biết nhà mình mua được thứ gì nhưng luôn luôn sẽ phải dài cổ chờ những cuộc nói thách, mặc cả, trả giá, thêm bớt, giả vờ bỏ đi, gọi lại, bán hàng như dỗi hoặc dạo khắp nơi khảo giá của bà.
Tôi thích đi với bọn cái Loan, cái Huyền hơn. Ba đứa cứ lang thang hết chỗ nọ đến chỗ kia. Bao giờ chúng tôi cũng ngồi chầu hẫu lâu nhất ở chỗ người bán bóng bay. Chỉ có bóng hình con giun, hình con thỏ và vài quả xanh đỏ tím vàng thôi mà cứ ngắm cả buổi. Đôi khi rình người bán không để ý, được sờ vào quả bóng một cái mà đã sướng tít mắt lên rồi.
Cái Loan với cái Huyền nhà giàu, hay được bố mẹ cho tiền đi mua sắm vài thứ lặt vặt như cặp tóc, bít tất, găng tay. Chúng nó được cầm tiền vì những người bán đều quen mặt bố mẹ chúng hết. Ra hàng chỉ việc đưa tiền và chọn đồ, không lo đắt rẻ. Tiền còn thừa ba đứa thể nào cũng dạt vào làm vài lạng táo, dù sâu dù chua loét vẫn ăn hết sạch, đến cái hột còn ngậm mãi trong mồm.
Cũng có khi tiền thừa đủ mua một chiếc bánh rán, vì chơi thân với nhau nên thể nào chúng nó cũng chia cho tôi một phần. Cứ vừa ăn vừa chơi, chợ Tết dường như không có thời gian, nhất là khi cuối năm trời rét căm căm, mặt trời cũng trốn lì sau làn mây dày, chỉ có gió là thổi miên man bất tận. Có khi tôi mò về, cả nhà đã ăn cơm và ngủ trưa từ lúc nào rồi.
Giống như cái Huyền, cái Loan, tôi cũng tự cho phép mình “chọn trước” những chiếc áo, chiếc quần và cả đôi giầy mà mình thấy ưng ý. Chọn để thỏa mãn niềm háo hức vậy thôi chứ tôi luôn biết chắc chẳng bao giờ mình được toại nguyện.
Được mua một chiếc áo mới đã là may. Bao giờ cũng là chiếc vừa rộng, vừa dài để năm sau còn mặc được chứ không đến vứt đi với bọn trẻ con đang tuổi lớn như thổi. Tết năm nào chả vậy, tôi cứ mặc chiếc áo xắn mấy lần ống tay, gấu áo bỏ trong quần cho đến năm sau khi mặc vừa in thì nó đã cũ, bạc màu thậm chí bợt chỉ hết cả rồi.
Vì thế, nhìn ngắm những dãy quần áo xanh đỏ sặc sỡ đủ màu cũng là để tôi tạm quên đi chiếc áo ngắn cũn cỡn, ống quần thì xoắn tít lò xo co lên đến tận nửa bắp chân hoặc rách không còn chắp vá được nữa mình đang mặc.
Trẻ con là thế, dù hay ngẫm ngợi vì sinh ra đã nghèo nàn nhưng chẳng bao giờ buồn được lâu. Ngay cả khi mải nhìn những viên kẹo socola nhiều màu thèm đến mức vấp ngã tóe máu cũng chẳng thấy đau, cứ dép lê bẩn kịt đất mà nhảy chân sáo khắp nơi.
Ngày ba mươi Tết phải ở nhà làm cỗ tôi như bị gò bó, tù túng, buồn bực ra trò. May mắn có khi nhà thiếu vài cọng hành, vài tập bánh đa nem, được mẹ sai mua là tôi ào đi liền. Mua xong chả biết mải mê ngắm nghía thế nào mà về suýt ăn mắng vì nem đang gói dở phải chờ đợi quá lâu nhưng nếu được sai tôi lại có thể đi tiếp. Một buổi sáng dăm bảy lần ra chợ vẫn chưa chán.
Chiều tối sẩm, khi mọi công việc đã xong, chỉ cần mẹ buông câu: “Chẳng biết chợ hoa tất niên giờ có rẻ hơn không” là tôi lại ba chân bốn cẳng chạy đi. Tin tức tôi mang về sẽ được hưởng ứng bằng việc chị gái đích thân ra chợ theo sự dẫn đường của tôi hay chẳng ai nói năng gì tùy theo tình hình nhà có còn tiền để mua hoa hay không. Dù chỉ mua được vài cành hoa hồng hay cúc đại đóa thôi thì tôi cũng như có con chim nhảy nhót trong lồng ngực.