Cheo cheo lưng bạc được cho là đã biến mất khỏi thế giới hoang dã trong gần một thế hệ. Nhiều người sợ rằng loài động vật thấp bé với hình dạng giống như nai đã tuyệt chủng. Gần 30 năm sau lần cuối cùng loài này được nhìn thấy nơi hoang dã, một nhóm nghiên cứu bất ngờ ghi lại được hình ảnh của chúng trong một vùng rừng ở Nha Trang.
"Đây là một loài động vật vô cùng thú vị. Chúng tôi bấy lâu luôn hy vọng tìm thấy bằng chứng loài này còn tồn tại", Andrew Tilker, nhà sinh vật học chuyên về đời sống hoang dã ở Đông Nam Á, làm việc cho tổ chức Bảo tồn Hoang dã Toàn cầu, cho biết.
Hình ảnh các cá thể cheo cheo lưng bạc được các nhà khoa học ghi lại trong 9 tháng đặt bẫy ảnh. Ảnh: Global Wildlife Conservation. |
Ghi nhận đầu tiên sau 30 năm
Andrew Tilker cùng một nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Lebniz (Đức) và các thành viên Viện Sinh thái học miền Nam (Việt Nam) lần đầu tiên thu thập được hình ảnh một bầy cheo cheo sinh sống trong môi trường hoang dã.
Loài này lần đầu tiên được khoa học biết đến vào năm 1910, với 4 mẫu vật được tìm thấy ở Khánh Hòa. Ghi nhận khoa học gần nhất của loài là vào năm 1990, nghĩa là gần 80 năm sau, khi một người thợ săn bắn chết một con rồi tặng lại mẫu vật cho các nhà khoa học.
Cheo cheo lưng bạc còn được gọi là cheo cheo Việt Nam, tên khoa học là Tragulus versicolor. Chúng có hình dáng cơ thể giống như nai nhưng chiều dài chỉ đạt 50 cm và cân nặng 2,6 kg. Kích thước trưởng thành của chúng bằng một con thỏ lớn, theo National Geography.
Loài này có phần lông lấm chấm bạc trên lưng. Răng cửa của chúng mọc dài ra như ngà. Do không có sừng hay gạc, cheo cheo đực sử dụng răng nanh dài để tranh giành lãnh thổ hoặc thu hút bạn tình.
Theo Viện Sinh thái học miền Nam, cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu duy nhất của Việt Nam và là một trong 25 loài động vật mà tổ chức Global Wildlife Conservation xem là đã biến mất và cần được tìm lại cho thế giới.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Ecology & Evolution (Sinh thái học và Tiến hóa Tự nhiên) ngày 11/11.
Nhóm kỳ vọng phát hiện mới nhất này sẽ giúp loài được bảo vệ tốt hơn, giảm mối đe dọa từ nạn đặt bẫy dây thép. Các nhà nghiên cứu cũng tự tin phương pháp họ sử dụng để ghi hình cheo cheo hoang dã sẽ giúp tìm thêm nhiều loài động vật khác đã "mất tích".
Đi tìm manh mối
Andrew Tilker cùng những nhà nghiên cứu Việt Nam lên kế hoạch tìm kiếm cheo cheo ở vùng rừng gần thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Những mẫu vật khoa học đầu tiên về cheo cheo hoang dã Việt Nam được thu thập tại khu vực vào năm 1910.
Bẫy ảnh ở những vùng rừng mưa nhiệt đới suốt nhiều thập kỷ không ghi lại được bất kỳ hình ảnh nào của cheo cheo. Các nhà khoa học cho rằng có thể loài này thích sinh sống ở vùng rừng khô và nhiều cây gai.
Những lần cheo cheo được phát hiện vào năm 1910 không có tư liệu ghi nhận địa điểm cụ thể. Nhóm nghiên cứu phải phỏng vấn tại nhiều cộng đồng trong vùng, liên hệ với thợ săn và chuyên gia về rừng địa phương tìm hiểu có ai nhìn thấy cheo cheo lông bạc trong thời gian qua.
Nỗ lực phỏng vấn gặp khá nhiều khó khăn vì săn bắt thú rừng là hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam. Sở thích ăn thịt rừng tại các nước Đông Á khiến nạn săn bắt trái phép tồn tại dai dẳng. Nạn đặt bẫy dây thép cũng được xem là tác nhân dẫn đến sự biến mất của nhiều loài động vật khác như sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và mang lớn (Muntiacus vuquangensi).
Động vật quý hiếm bị giết hại dù sinh sống trong các khu rừng nguyên sơ. Hiện tượng này được gọi là "triệu chứng rừng trống" vì bẫy sát hại động vật bừa bãi, bắt giết mọi loài vật di chuyển trên mặt đất. Các nhà khoa học phải dành nhiều thời gian để vận động thợ săn địa phương.
Các nhà khoa học đặt bẫy ảnh tại Khánh Hòa. Ảnh: Global Wildlife Conservation. |
"Mọi người đã lo lắng hơn về mức độ động vật hoang dã biến mất so với 5-10 năm trước. Họ hiểu hoạt động săn bắt quá mức và sử dụng bẫy là nguyên nhân chính", An Nguyen, thành viên tổ chức Bảo tồn Hoang dã Toàn cầu, trưởng đoàn khảo sát, cho biết.
Người dân địa phương cuối cùng đã đưa An cùng cộng sự đến những khu vực họ từng nhìn thấy cheo cheo. Bẫy ảnh được lắp đặt từ tháng 11/2017 - 7/2018. Nhóm nghiên cứu ghi nhận được 280 lần cheo cheo xuất hiện. Báo cáo chưa thể xác định chính xác số lượng cá thể sinh sống trong vùng vì khả năng trùng lặp cá thể giữa mỗi lần chụp ảnh.
"Tôi vô cùng vui sướng khi kiểm tra bẫy ảnh và nhìn thấy những tấm hình cheo cheo lưng bạc", Tilker cho biết.
Bài toán bảo tồn
Loài cheo leo lưng bạc vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học. Nghiên cứu mới cũng chưa thể xây dựng được bức tranh rõ hơn về loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới.
Dựa vào các hình ảnh và video mà nhóm thu thập được, cheo cheo lưng bạc dường như sống khá đơn độc, ăn thực vật và kiếm ăn vào ban ngày. Có 9 loài cheo cheo từng được phát hiện ở Nam Á và Đông Nam Á, cùng một họ hàng khác được tìm thấy ở Trung Phi.
"Chúng đi bằng mũi của móng guốc, di chuyển rất cẩn thận, có chân gầy guộc", Tilker cho biết.
Các nhà khoa học dự tính đặt thêm bẫy ảnh ở một khu rừng khô khác tại Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của nhóm là thực hiện cuộc khảo sát toàn diện đầu tiên về loài, đánh giá quy mô và phân bố quần thể cheo cheo.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận có bao nhiêu cá thể cheo cheo lưng bạc hay vị trí chính xác của quần thể. Cheo cheo lưng bạc vẫn thiếu dữ liệu để xếp hạng, và do đó chưa được quan tâm trong các văn bản pháp luật về các loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ.
Theo National Geographic, trong trường hợp xác định được một hoặc hai quần thể với số lượng cá thể đáng kể và ổn định, địa phương có thể áp dụng những biện pháp bảo tồn như tuyên truyền cho người dân và tuần tra chống săn bắt trộm. Về dài hạn, việc cheo cheo lưng bạc có đối diện nguy cơ tuyệt chủng hay không sẽ phụ thuộc vào nỗ lực chống săn trộm và nạn đặt bẫy dây thép bừa bãi.