Kwai Ping-hung, được mệnh danh là “vua trộm”, có thể nhìn thấy ánh nắng mặt trời sau 16 năm bị giam ở một trong những nhà tù an ninh nhất Hong Kong - Stanley.
Trùm xã hội đen từng bị truy nã gắt gao nhất đặc khu Trung Quốc được thả sáng 18/1 và được lực lượng an ninh áp giải tới sân bay Hong Kong để lên chuyến bay về New York.
Áp giải nghiêm ngặt về Mỹ
Vào 5h45, khoảng 30 cảnh sát tiến đến Stanley trên những chiếc xe thùng và xe máy phân khối lớn để áp giải Kwai tới sân bay quốc tế Hong Kong. Vua trộm bị trục xuất về Mỹ vì ông ta mang hộ chiếu Mỹ.
Lực lượng thực thi pháp luật đã chuẩn bị tinh thần cảnh giác cao độ vì Kwai được coi là “tội phạm cực kỳ nguy hiểm”. Đơn vị đặc nhiệm (SDU), biệt danh là “Phi hổ”, cũng sẵn sàng túc trực chờ lệnh, theo South China Morning Post.
Hai giờ sau, Kwai ngồi lên chiếc ôtô trắng 28 chỗ, đeo kính, mang khẩu trang và đội mũ lưỡi trai Adidas. Hắn ngồi yên vị ở hàng ghế gần cuối, xung quanh là 8 cảnh sát mặc thường phục. Khuôn mặt họ đều rất nghiêm nghị.
Vua trộm Kwai Ping-hung ngồi trên chiếc xe áp giải ra sân bay quốc tế Hong Kong sáng 18/1. Ảnh: South China Morning Post. |
Chiếc xe áp giải Kwai là của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh. Phía trước đoàn xe, cảnh sát giao thông đã dẹp sẵn đường.
Hơn 8h30, Kwai đi thẳng đến cửa ra máy bay số 1, khu vực riêng biệt với phòng chờ của hành khách thông thường. Các cảnh sát đứng canh gác phía ngoài sân bay.
Kwai lên chuyến bay của United Airlines, rời Hong Kong lúc 11h21 và dự kiến hạ cánh ở New York vào 13h25 chiều 18/1 theo giờ địa phương. Các cảnh sát vẫn hộ tống Kwai trên suốt chuyến bay.
Không rõ liệu Kwai có được đi lại tự do trên đất Mỹ hay không.
Cuộc sống khác biệt ở trong tù
Kwai đã dành ngày cuối cùng sau song sắt để trò chuyện với bạn tù, bắt tay và nói lời tạm biệt với họ vào ngày được tự do. Một nguồn tin cấp cao nói với Post rằng Kwai hòa hợp với bạn tù. “Ông ta thậm chí còn kết bạn với nhiều người ở đó”, nguồn tin nói.
Lần cuối mặc bộ trang phục màu nâu của tù nhân với thẻ tên trên ngực, Kwai vẫn yêu cầu được làm việc. Chỉ khác là vào bữa trưa, ông ta đi lại chào hỏi các bạn tù của mình.
Đến khoảng 17h, vua trộm một thời được phục vụ cơm với cá như bữa cơm tù cuối cùng. Ông ta lặng lẽ ngồi ăn một mình trong căn phòng biệt giam. Kwai dự định dành 2 giờ đồng đồ cho bản thân, sau đó tắt đèn đi ngủ vào 22h.
Cả thế giới của vua trộm trong những năm tháng bị giam là căn phòng rộng 7,4m2. Ảnh: South China Morning Post. |
Kể từ khi bị kết án vào năm 2005, cuộc sống của Kwai chỉ gói gọn trong căn phòng đơn với chiếc giường nhựa, bàn nhựa, ghế nhựa, bồn vệ sinh và bồn cầu bằng thép không gỉ. Thời gian biểu của ông lặp lại hàng ngày: thức dậy lúc 6h30, ăn sáng lúc 8h, làm việc 3 tiếng rưỡi vào buổi sáng và buổi chiều, giải lao vào 17h và ăn tối vào 20h. Đèn nhất định phải được tắt vào 22h.
Nguồn tin cho biết Kwai chủ yếu làm nhiệm vụ đóng sách khi còn ở trong tù. Ông ta sống hòa hợp với bạn tù những năm gần đây.
Trong các phiên xét xử ở Hong Kong, Kwai nói rằng ông ta đã kết hôn ở Mỹ năm 1995 và đến Hong Kong 1 năm sau đó. Ông ta ly dị vợ năm 2000 và có hai con.
Quá khứ “huy hoàng”
Kwai, còn gọi là Guan Derong, sinh ra ở Tam Thủy, tỉnh Quảng Đông, năm 1960. Ông ta từng bị bẻ răng vì tội móc túi hồi còn là thiếu niên.
Kwai đến Hong Kong bất hợp pháp từ Trung Quốc đại lục vào năm 1980 khi mới tốt nghiệp cấp 2. Trong suốt thập kỷ tiếp theo, ông ta bị kết án 9 lần vì trộm cắp và các tội khác. Từ 1980 - 1983, Kwai bị bỏ tù tới 8 lần.
Khi ngồi tù năm 1984, Kwai đã xây dựng mối quan hệ với các băng nhóm tội phạm, trong đó có băng đảng Vòng Tròn Lớn (Big Circle Gang) ở đại lục, qua một vài bạn tù. Khi được thả vào năm sau đó, Kwai gia nhập băng đảng tội phạm và tham gia vào một trong những vụ cướp vũ trang đẫm máu nhất lịch sử Hong Kong.
Kwai là 1 trong số 7 đàn ông được trang bị súng, mặc áo chống đạn trong vụ cướp đồng hồ trị giá 1,8 triệu HKD (hơn 230.000 USD). Đám này bắn qua lại hơn 100 phát súng với cảnh sát trong khi bắt một con tin. 7 cảnh sát bị thương, bọn tội phạm trốn thoát.
Trong thập niên 1980 - 1990, Hong Kong bị trộm cắp hoành hành. Cảnh sát phải chiến đấu với bọn cướp có vũ trang hết sức táo tợn trên đường phố, trong các của hàng trang sức. Kwai đã “góp công” trong số đó.
Kwai Ping-hung bị cảnh sát Hong Kong và quốc tế truy lùng năm 2001 vì liên quan đến vụ bắn 2 cảnh sát trong vụ cướp cửa hàng đồng hồ. Ảnh: South China Morning Post. |
Từ năm 1980, Kwai bị nghi thực hiện 20 vụ cướp có vũ trang, bao gồm bắn và làm bị thương hai cảnh sát ở Mong Kok năm 2001 trong vụ cướp cửa hàng đồng hồ.
Cảnh sát Hong Kong Tăng Vĩ Hùng (hiện là cảnh sát ma túy Trung Quốc) khi đó phải treo thưởng 2 triệu HKD (khoảng hơn 250.000 USD) cho việc bắt giữ Kwai và nhờ Interpol ra thông báo đỏ, truy nã toàn cầu.
Kwai bị bắt tại căn hộ vào đêm Giáng sinh năm 2003 trong một chiến dịch lớn với sự tham gia của 120 cảnh sát, gồm cả “Phi hổ”. Các cảnh sát được trang bị súng máy và áo chống đạn tiến vào căn hộ trong tòa nhà Man King ở Du Ma Địa. Tuy nhiên, họ không tốn một viên đạn nào vì Kwai và một đồng phạm nữa đang ngủ say.
Cảnh sát đã thu giữ lượng vũ khí lớn nhất trong gần 30 năm tại thời điểm đó, bao gồm súng ngắn, súng ngắn tự động, gần 900 viên đạn và 7 quả lựu đạn.
Vụ bắt giữ được coi là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất đối với người Hong Kong, chấm dứt kỷ nguyên tội phạm xã hội đen cầm súng AK47 đi lại trên đường phố.
Kwai bị kết án 24 năm tù vào năm 2005 cho mọi bản án, gồm tội sở hữu vũ khí, đạn dược, chất nổ không giấy phép và chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, do cải tạo tốt, Kwai đã được giảm 1/3 bản án.