Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua thép' Trần Đình Long tự tin vượt Formosa, kỳ vọng lãi 10.000 tỷ

Năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát dự kiến đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, trở thành doanh nghiệp sản xuất thép số một Việt Nam.

Tại cuộc họp với nhà đầu tư ngày 15/5, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ nhiều mục tiêu tham vọng. Hòa Phát dự kiến đặt mục tiêu doanh thu năm nay 85.000-95.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000-10.000 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành kế hoạch trên, “vua thép” sẽ gia nhập câu lạc bộ lãi ròng 10.000 tỷ. Năm 2019, chỉ có 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỷ gồm Vinhomes, Vietcombank, PV Gas, Vinamilk, Techcombank.

Khi phần lớn doanh nghiệp đối mặt tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ông Trần Đình Long nhận định ngành thép ít bị ảnh hưởng vì hiệu ứng đầu tư công để kích thích kinh tế.

Sẽ vượt qua Formosa

Ông Long đánh giá gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng của Chính phủ nếu chủ yếu giải ngân cho hoạt động xây dựng hạ tầng, sản lượng tiêu thụ của thị trường thép sẽ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thực tế còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.

"Tăng trưởng tiêu thụ thép năm 2020 sẽ là số dương", chủ tịch Hòa Phát tự tin. Về hoạt động xuất khẩu phôi sang Trung Quốc, ông Long cho rằng đây là phép thử cạnh tranh rất lớn vì Trung Quốc là cường quốc thép. Việc Trung Quốc nhập phôi thép của Hòa Phát một phần cũng từ chính sách kích thích tăng trưởng, tiêu dùng của quốc gia này sau dịch.

Ông cho biết công ty sẽ không "bỏ trứng vào một giỏ" và cũng đang xuất khẩu phôi sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, vị chủ tịch nhấn mạnh thị trường chính của Hòa Phát vẫn là trong nước chứ không phải xuất khẩu.

Lãnh đạo Hòa Phát cũng chia sẻ đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, vượt qua Formosa. Để phục vụ mục tiêu này, Hòa Phát cần nhập 12-13 triệu tấn quặng.

vua thep anh 1

Khu liên hợp sản xuất thép của Hòa Phát tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

Hiện cảng Hòa Phát Dung Quất đã đạt tiến độ xây dựng 95%, có thể đón được tàu 200.000 tấn đầu tiên vào tháng 6 tới. Với lợi thế sở hữu cảng biển nước sâu có thể đón tàu lớn, Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi, Australia mà không cần qua các cảng biển trung chuyển.

Nhờ đó, "vua thép" có thể tiết kiệm chi phí đáng kể, gia tăng lợi thế cạnh tranh. “Việc xây dựng cảng biển nước sâu là điều hoàn toàn mới với Hòa Phát. Làm quá khó nhưng kết quả nhận được rất xứng đáng”, ông Long nói.

Thịt bò, trứng gà đem về 10.000 tỷ

Với lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Hòa Phát cho biết doanh thu từ lĩnh vực này dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng trong năm nay. Lợi nhuận sau thuế từ kinh doanh nông nghiệp có thể đạt 1.200, đóng góp quan trọng thứ hai sau mảng thép.

Trong quý I, lợi nhuận từ mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt gần 500 tỷ. Tuy nhiên, ông Long nói không thể lấy con số này nhân 4 lên để dự phóng lợi nhuận cả năm vì thị trường có thể còn nhiều biến động. Chính phủ cũng đang điều hành giá thịt heo theo hướng điều tiết giảm.

Hiện tại, Hòa Phát đang chiếm vị trí số một về thị phần thịt bò Úc sau gần 5 năm đầu tư với việc nắm giữ một nửa sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Về trứng gia cầm, công ty cũng nằm trong nhóm đầu thị trường với lượng tiêu thụ 400.000 quả/ngày.

Năm 2020, Hòa Phát dự kiến cung cấp ra thị trường 150.000 con bò Úc, 200.000 con heo thương phẩm chưa tính heo giống, heo cai sữa, đạt sản lượng 700.000 trứng gia cầm/ngày vào cuối năm.

vua thep anh 2

Ban lãnh đạo Hòa Phát trong cuộc họp với nhà đầu tư chiều 15/5. Ảnh: HPG.

Cũng tại buổi họp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát dự kiến chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. “5% là con số rất lớn ở thời điểm hiện tại nếu so với hàng trăm công ty trên sàn. Từ năm 2020, Hòa Phát bắt đầu giảm đầu tư nên sẽ quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm", ông Long nói với nhà đầu tư.

Về tình hình nợ vay, Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh thông tin đến cuối năm, dự kiến dư nợ của Hòa Phát tăng lên khoảng 46.000 tỷ đồng. Trong đó nợ dài hạn tăng xoay quanh 22.000 tỷ còn nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ nhưng lượng tiền mặt cũng tăng lên tương ứng.

Do đó, nợ ròng của Hòa Phát đến cuối 2020 sẽ duy trì quanh mức 35.000 tỷ như hiện tại, đảm bảo sức khỏe tài chính an toàn.

'Vua thép' Trần Đình Long lãi hơn 5 tỷ/ngày từ thịt bò Úc, trứng gà

Ngoài lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép, nông nghiệp trở thành mũi nhọn của Tập đoàn Hòa Phát trong quý I với mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 400%.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm