Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan. Covid-19 xuất hiện khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến các doanh nghiệp càng thấy rõ sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
“Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai”, báo cáo của JLL nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp Thị trường cho các vấn đề Kinh tế – Xã hội cho rằng việc dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đến các nước khác, trong đó có Việt Nam là mong muốn của nhiều quốc gia nhưng đồng thời là đề bài không đơn giản về chi phí.
“Các doanh nghiệp không chỉ đầu tư một nhà máy ở Trung Quốc mà ‘buôn có bạn, bán có phường’. Ở Trung Quốc, họ có một loạt doanh nghiệp phụ trợ xung quanh, cung ứng sẵn linh kiện”, ông Minh phân tích.
Theo ông, các doanh nghiệp khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ gặp thử thách về nguồn nguyên vật liệu, linh kiện hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình khi tìm nguồn cung ứng khác sẽ đắt đỏ, tốn kém hơn.
Ông Minh lấy ví dụ một doanh nghiệp đa quốc gia dời Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện ở nhiều nước khác nhau. Họ sẽ cần một số doanh nghiệp phụ trợ ở Thái Lan, một số ở Indonesia, Việt Nam. Điều này sẽ khó khăn hơn so với việc xây dựng chuỗi cung ứng bên trong Trung Quốc.
Việt Nam đang được kỳ vọng có thể đón làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hậu Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Chuyên gia này đánh giá trong dài hạn 5-10 năm tới, những cụm doanh nghiệp liên kết ở khu vực Đông Nam Á, châu Á có thể hoàn thiện để thay thế Trung Quốc nhưng đây cũng là một bài toán không đơn giản.
Thêm vào đó, bản thân Trung Quốc cũng ý thức được xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các thị trường khác. Do đó, quốc gia đông dân nhất thế giới có thể đưa ra những chính sách gây khó dễ cho các doanh nghiệp muốn đưa nguồn phụ trợ dời Trung Quốc khiến việc dịch chuyển khó khăn hơn.
Đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng ông Minh cho rằng cần phải suy nghĩ thấu đáo về việc thúc đẩy những chính sách giúp các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam có thể có nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác đi kèm.
“Với việc xây dựng các doanh nghiệp phụ trợ để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tôi biết chúng ta cũng đã nhận thức được nhưng từ nhận thức đến thực hiện là câu chuyện rất dài”, vị chuyên gia chia sẻ với Zing.
Ông cho rằng những chính sách của Việt Nam cần được xây dựng một cách chắc chắn dựa trên thực tiễn chứ chưa phải những kỳ vọng xa vời. Ví dụ, cần hướng đến chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng chuẩn của những tập đoàn lớn đã hiện diện ở Việt Nam như Samsung hay các nhà máy ôtô lớn ở Đông Nam Á.
Ông Minh nêu quan điểm thận trọng khi cho rằng việc các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam sẽ không diễn ra nhanh. “Tôi không nghĩ sẽ có làn sóng lớn mà sẽ xảy ra từ từ như trong những năm vừa qua”, chuyên gia này nói.
Về đối thủ cạnh tranh, ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) nhận định, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indodesia, Malaysia và Thái Lan về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế.
Điều này không dễ dàng, bởi việc thu hút được các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn mà Việt Nam chưa xử lý được.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn thiếu đồng bộ, đặc biệt ở phía Nam – nơi nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng chậm - do nhà đầu tư bất động sản không muốn mở rộng quỹ đất quá nhanh - khiến giá bất động sản công nghiệp tăng cao.