Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh phiên thứ 2 liên tiếp trước áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu bluechip. Đóng cửa phiên 14/5, chỉ số VN-Index giảm 0,2% xuống 832 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Trên sàn HoSE, 161 mã tăng điểm trong khi số cổ phiếu chốt phiên trong sắc đỏ lên tới 206. Trong danh mục VN30, 10 mã tăng và 20 mã giảm, đẩy chỉ số VN30-Index giảm 0,4%.
Ngược lại, chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lần lượt tăng 0,4% và 0,5% khi dòng tiền dịch chuyển từ nhóm bluechip sang midcap, smallcap để tìm kiếm cơ hội.
Top 3 cổ phiếu tạo áp lực lớn nhất lên thị trường hôm nay là VHM (Vinhomes), GAS (PV Gas), VNM (Vinamilk) cùng giảm 1%. Nhóm này đã lấn át nỗ lực tăng điểm ở các cổ phiếu lớn khác như VIC (Vingroup), VCB (Vietcombank) tăng 1%, MSN (Masan) tăng 3%.
Thanh khoản trên thị trường hôm nay tiếp tục neo ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch 7.543 tỷ đồng trên sàn HoSE. Giá trị khớp lệnh “hạ nhiệt” so với phiên liền trước, giảm còn 4.507 tỷ nhưng giá trị thỏa thuận tăng vọt lên 3.036 tỷ.
Đặc biệt, MSN trở thành tâm điểm của thị trường trong phiên 14/5 với khối lượng giao dịch 41,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại chi hơn 2.300 tỷ đồng để mua thỏa thuận 39 triệu cổ phiếu Masan, tương đương 3,3% cổ phần của doanh nghiệp.
Biến động giá cổ phiếu Masan trong năm 2020. Ảnh: VNDS. |
Nhờ giao dịch trên, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay lên tới hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo nhận định của MBS, thị trường điều chỉnh nhẹ dưới áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp và ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới khi thị trường Mỹ cũng đã điều chỉnh 2 phiên vừa qua. Điểm sáng lúc này là dòng tiền vẫn giữ ở mức cao và thấp thụ lượng hàng T+ khá tốt. Ngoài ra, chuỗi mua ròng liên tiếp của khối ngoại cũng tạo tâm lý tích cực cho giới đầu tư.
“Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang gặp cản ở ngưỡng 840 điểm trong nhịp tăng mới. Các nhịp rung lắc ở khu vực này đang bị chị phối với yếu tố bên ngoài. Xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa thay đổi. Khu vực hỗ trợ của thị trường lúc này ở vùng 820 điểm và những phiên điều chỉnh như hôm nay là cơ hội cho dòng tiền đến muộn”, chuyên gia của công ty nhận định.
Các thị trường châu Á hôm nay đồng loạt điều chỉnh giảm sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 cùng giảm mạnh trong phiên hôm qua.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 1,7%, mức giảm mạnh nhất trong khu vực. Theo sau là chỉ số Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,5%. Các chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Trung Quốc giảm 0,8%-1%.