Hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành đến trước cổng Đại sứ quán Đức ở Bangkok vào cuối ngày 26/10 để yêu cầu chính phủ Thủ tướng Angela Merkel điều tra nhà vua Thái Lan, người đã dành nhiều thời gian ở bang Bavaria, phía nam nước Đức.
Yêu cầu của họ, được trình bày trong thỉnh nguyện thư gửi cho các nhà chức trách Đức, bao gồm: Berlin tiết lộ hồ sơ đi lại và thuế của Vua Maha Vajiralongkorn tại Đức, điều tra các hoạt động của ông ảnh hưởng đến diễn biến chính trị ở quê nhà và xác minh thông tin rằng ông sống xa hoa ở nước ngoài trong khi người Thái phải đối mặt khủng hoảng kinh tế vì đại dịch virus corona.
Người biểu tình tập trung trước Đại sứ quán Đức tại Bangkok hôm 26/10. Ảnh: Shutterstock. |
Đặt quốc vương dưới hiến pháp
Nhiều nhà hoạt động trẻ trong phong trào biểu tình mới ở Thái Lan coi ngai vàng là trở ngại để đất nước đạt được mức độ dân chủ cao hơn. Những người biểu tình, chủ yếu nhắm vào chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, cũng hướng sự chú ý đến Vua Vajiralongkorn.
Trong những tháng vừa qua, họ đã phá bỏ cấm kỵ lâu đời khi chất vấn về lối sống của hoàng gia, kêu gọi minh bạch tài chính trong hoàng cung và tìm cách hạn chế vai trò của nhà vua đối với chính trị.
Đây là những bước đi táo bạo ở đất nước có luật "lese majeste" (phạm thượng) nghiêm khắc, theo đó các hành vi xúc phạm nhà vua có thể bị phạt tới 15 năm tù. Vua Vajiralongkorn đang ở Thái Lan, đã về nước vài tuần trước để thực hiện một loạt nghi lễ chính thức.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong cuộc họp báo hôm 26/10 rằng Đức đang theo dõi chặt chẽ cả các cuộc biểu tình ở Thái Lan lẫn các hoạt động của nhà vua trong thời gian ông ở Đức. "Nếu có những việc mà chúng tôi coi là bất hợp pháp, chúng sẽ dẫn đến hệ lụy ngay lập tức", ông nói.
"Chúng tôi đã nói rõ rằng hoạt động chính trị liên quan đến đất nước Thái Lan không thể được tiến hành từ đất Đức", ông từng nói hồi đầu tháng khi trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp thuộc phe đối lập trong quốc hội.
Hôm 26/10, tại Đại sứ quán Đức ở Bangkok, nơi được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt, một số người biểu tình đã giăng biểu ngữ nền màu đen có nội dung "cải cách nền quân chủ".
Vua Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida trong một sự kiện hôm 23/10. Ảnh: Reuters. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, với tư cách nguyên thủ quốc gia, nhà vua "trị vì nhưng không cai trị" và chỉ thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất nghi lễ.
Ông "không tham gia chính trị và quản lý nhà nước, đó là trách nhiệm của thủ tướng và chính phủ", bà nói.
Song những người phản đối, cũng như nhiều nhà phân tích chính trị và sử gia, nói rằng nền quân chủ là một phần của giới tinh hoa quân sự - bảo hoàng đang kiểm soát đòn bẩy quyền lực.
Quân đội đã tiến hành các cuộc đảo chính nhân danh bảo vệ hoàng gia, nơi cũng ủng hộ hành động như vậy.
Bất bình đẳng gia tăng
Hoàng gia Thái Lan có thể đã tàn lụi sau cuộc cách mạng năm 1932 chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế. Song cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người qua đời năm 2016, đã khôi phục uy tín và quyền lực của ngai vàng trong suốt 7 thập kỷ trị vì của mình, định hình nền chính trị Thái Lan hiện đại.
Con trai của ông, Vua Vajiralongkorn, đã tăng cường ảnh hưởng của mình kể từ khi kế vị. Các sửa đổi về luật pháp được ban hành vào năm 2018 đã đặt khối tài sản khổng lồ của cung điện dưới quyền quyết định của chính ông.
Năm 2019, ông đưa hai đơn vị quân đội về dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình theo một sắc lệnh hoàng gia. Các nhà lập pháp đối lập ủng hộ phong trào dân chủ nói rằng việc thảo luận về hoàng gia bị cấm tại quốc hội và tài chính của cung điện, thuộc ngân sách quốc gia, là không rõ ràng.
Thái Lan đang đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, phần lớn là do các biện pháp kiểm soát đại dịch tàn phá nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của nước này.
Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng khiến một số người Thái đặt câu hỏi liệu tiền thuế của họ có đang được dùng cho những chuyến nghỉ dưỡng của hoàng gia ở châu Âu hay không, mở đường cho nhiều câu hỏi khác về tính hợp pháp của việc nhà vua vắng mặt. Cung điện chưa bình luận về các cuộc biểu tình.
Người biểu tình Thái Lan quay sang gây sức ép với Đức. Ảnh: Reuters. |
Vào ngày 14/10, một ngày được coi là bước ngoặt của phong trào biểu tình, chính phủ Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok sau khi một nhóm người biểu tình la ó, cản trở chiếc xe limousine chở Hoàng hậu Suthida.
Ba nhà hoạt động sau đó đã bị buộc tội có ý định làm hại hoàng hậu, theo một điều luật xa xưa có thể khiến họ phải chịu hình phạt lên tới tù chung thân. Chính phủ đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hôm 22/10 trong nỗ lực xoa dịu các cuộc biểu tình.
Cuộc sống của Vua Vajiralongkorn đầy rẫy bí ẩn. Trong những năm trước khi kế vị, các nhà ngoại giao đã bày tỏ lo ngại về vị thái tử. Các bức điện tín của Đại sứ quán Mỹ được đăng trên WikiLeaks dẫn lời các chính trị gia nổi tiếng của Thái Lan đưa ra nhận xét tiêu cực về ông.
Theo một bức điện bị rò rỉ, ông đã thăng cấp cho con chó cưng đã chết của mình lên thành nguyên soái không quân. Một bức điện khác đề cập đến việc ông thích sống tại Đức.
Truyền thông Đức thỉnh thoảng đăng tải hình ảnh về các chuyến du ngoạn của ông, chẳng hạn như bức ảnh được tờ Bild đăng hồi tháng 4 cho thấy nhà vua đang đợi một chiếc thuyền gondola để thăm núi Zugspitze, mặc áo hở bụng.
Họ cũng đã đưa tin về những kỳ nghỉ ở Bavaria, nơi ông sở hữu một biệt thự ở thị trấn nhỏ Tutzing, trên hồ Starnberg phía tây nam Munich.
Hồi tháng 3, đại diện của The Grand Hotel Sonnenbichl đã liên hệ với chính quyền hạt Garmisch-Partenkirchen để hỏi liệu họ có thể đăng ký cho nhà vua cư trú lâu dài hay không, vi phạm lệnh cấm ở Bavaria về việc lưu trú tại các khách sạn trong thời kỳ đại dịch xảy ra.
"Chúng tôi đã nhận về rất nhiều lời khinh miệt vì chuyện đó", Wolfgang Rotzsche, người phát ngôn chính quyền hạt, nói.
Ông đã nhận được 50 đến 60 email, thư và cuộc gọi từ những người chỉ trích việc nhà vua ở lại. Hầu hết phàn nàn đến từ những người không sống ở Bavaria.