“Chúng tôi sẽ theo dõi điều này lâu dài”, ông Maas nói hôm 26/10. “Những hành vi được đánh giá là phạm pháp sẽ có hậu quả tức thì”.
Đây là lần thứ hai chính phủ Đức bày tỏ quan điểm về việc này, chỉ trong vòng một tháng. Trong phiên họp hôm 7/10, Nghị sĩ đảng Xanh Frithjof Schmidt đã chất vấn tại sao chính phủ Đức lại chấp nhận hành vi lãnh đạo quốc gia từ trên đất Đức của nguyên thủ nước ngoài, hành động mà ông gọi là "cực kỳ bất thường - và theo tôi là bất hợp pháp".
"Chúng tôi đã nói rõ rằng các hoạt động chính trị liên quan đến Thái Lan không nên được tiến hành trên đất Đức”, Ngoại trưởng Maas trả lời khi đó. "Nếu có người điều hành nhà nước của họ từ trên đất Đức, chúng ta sẽ luôn hành động để chống lại".
Tại Bangkok, những người biểu tình đã lên kế hoạch tuần hành đến đại sứ quán Đức hôm 26/10 để trình đơn yêu cầu Berlin điều tra việc nhà vua sử dụng quyền lực của mình khi đang ở một quốc gia châu Âu.
Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida. Ảnh: Reuters. |
Vua Maha Vajiralongkorn, 68 tuổi, lên ngôi ở Thái Lan từ năm 2016. Tuy nhiên, ông dành nhiều thời gian ở bang Bavaria của Đức, nơi con trai 15 tuổi của ông đang theo học. Theo Telegraph, nhà vua đã thuê nguyên một khách sạn cho đoàn tùy tùng tại đây.
Người biểu tình Thái Lan chỉ trích chi phí nhà vua dùng để lưu trú ở châu Âu cũng như việc ông vắng mặt tại vương quốc này.
Theo hiến pháp Thái Lan, nhà vua có thể trực tiếp lãnh đạo từ nước ngoài mà không cần chỉ định người nhiếp chính. Đây cũng là điều khoản người biểu tình muốn hủy bỏ.
Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ở Bangkok trong những tháng gần đây. Họ kêu gọi cải cách để giảm bớt quyền lực của nhà vua và phế truất Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, một cựu lãnh đạo quân đội. Người biểu tình cũng đòi cải cách hiến pháp và mở một cuộc bầu cử mới.
Nhà vua Thái Lan vốn được bảo vệ bằng đạo luật chống xúc phạm hoàng gia vô cùng nghiêm ngặt nhưng ngày càng nhiều người biểu tình ủng hộ bất chấp luật này để lên tiếng đòi cải cách hoàng gia.