Bố già. Vua cờ bạc. Cha đẻ của Macau hiện đại. Hà Hồng Sân, tức Stanley Ho, được biết đến với rất nhiều biệt danh.
Ông trùm casino, người mà tên tuổi từng được xem là đồng nghĩa sự trỗi dậy của Macau, vượt qua Las Vegas để trở thành kinh đô cờ bạc hàng đầu thế giới, đã qua đời hôm 26/5 ở tuổi 98.
Ông Stanley Ho qua đời tại Hong Kong hôm 26/5 ở tuổi 98. Ảnh: Inside Asian Gaming. |
Ông để lại một đế chế cờ bạc đóng góp tới một nửa số tiền thuế mà chính quyền Macau thu được, sự trọng vọng khiến ông trở thành người Macau còn sống đầu tiên được đặt tên cho một con đường tại đặc khu hành chính này.
Một trong những người giàu nhất châu Á suốt nhiều thập kỷ, tài sản cá nhân của ông được ước tính khoảng 50 tỷ HKD (6,4 tỷ USD) khi ông nghỉ hưu vào năm 2018, chỉ vài tháng trước sinh nhật 97 tuổi.
Bên cạnh đế chế kinh doanh và lối sống, Stanley Ho còn được biết đến với hàng tỷ đô la mà ông đã cho đi trong hoạt động từ thiện. Tên ông xuất hiện ở 12 bảo tàng, bệnh viện và trung tâm thể thao ở Hong Kong và Macau.
Ông cũng nổi tiếng vì đã mua cái nấm cục trắng lớn nhất trong một cuộc đấu giá từ thiện với giá 2,57 triệu HKD, cũng như đem về 2 đầu động vật bằng đồng - bị đánh cắp từ Di Hòa Viên ở Bắc Kinh - cho Trung Quốc đại lục.
Từ quyền thế đến bần cùng
"Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên", Allan Zeman, Chủ tịch không điều hành của Wynn Macau, một trong 6 đơn vị được cấp phép kinh doanh sòng bài tại Macau, và là đối thủ của gia tộc Stanley Ho, nói với South China Morning Post.
Ông Zeman mô tả Hà Hồng Sân là "người rất tốt bụng, sôi nổi và có duyên". "Điều tôi vẫn nhớ là anh ấy rất thích khiêu vũ. Trong nhiều vũ hội, vợ chồng anh luôn ở trên sàn nhảy, bất kể anh ở độ tuổi nào".
Sinh ra trong một gia đình quyền thế ở Hong Kong vào ngày 25/11/1921, Stanley Ho là người thừa kế của một trong bốn gia đình kiểm soát phần lớn của cải và công việc kinh doanh ở Hong Kong thời thuộc địa Anh.
Stanley Ho vào năm 1979. Ảnh: SCMP. |
Gia đình họ Hà có gốc gác châu Âu (ông cố ông là người Hà Lan). Stanley Ho là người Trung Quốc trong mắt người nước ngoài, và một "gweilo" (quỷ lão) trong xã hội Trung Quốc, theo lời ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1972 với South China Morning Post, sử dụng tiếng lóng Quảng Đông để chỉ người phương Tây.
Gia đình ông ban đầu làm ăn với một công ty xuất khẩu Anh, nhưng đến khi ông nội của ông, Hà Phúc, qua đời năm 1926, việc kinh doanh của cha ông, Hà Thế Quang, sụp đổ và gia đình rơi vào cảnh nghèo túng.
Cậu bé Stanley Ho thường xuyên bị đói đến nỗi mắc bệnh tê phù ở tuổi thiếu niên do suy dinh dưỡng, cũng như không có tiền để đến nha sĩ nhổ răng sâu. Sau này, ông kể lại ông đã bỏ chạy khi các cô gái, bị hấp dẫn với vẻ ngoài lai Tây của ông, nói ông mua cà phê cho họ, vì ông quá nghèo.
Khi Nhật Bản chiếm đóng Hong Kong vào năm 1942, Stanley Ho bỏ chạy đến Macau, nơi khi đó là thuộc địa Bồ Đào Nha và do đó ở thế trung lập trong Thế chiến II, với chỉ với 10 HKD trong túi.
Stanley bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh bằng cách làm việc cho Công ty Hợp tác xã Macau, khi đó là công ty lớn nhất tại lãnh thổ này.
Công ty này nhập lậu hàng hóa xa xỉ, máy móc, gạo và các mặt hàng thiết yếu khác về Macau trong thời chiến. Ông đã kiếm được một triệu đầu tiên khi mới 24 tuổi.
Stanley Ho vào năm 1971. Ảnh: SCMP. |
Xây dựng đế chế
Stanley Ho kết hôn với người vợ đầu tiên, Clementina Angela Leitao, vào năm 1942 tại Macau. Còn được biết đến với cái tên Tininha, bà Leitao xuất thân từ gia đình kinh doanh giàu có người Bồ Đào Nha, và điều này đã giúp chồng bà gia nhập giới thượng lưu chính trị Macau.
Stanley có lợi ích kinh doanh và nắm giữ tài sản trải dài từ Bồ Đào Nha đến Vancouver từ đại bản doanh Macau. Trong nhiều năm, ông nỗ lực mở rộng đế chế sòng bạc của mình ở Bắc Mỹ và Australia, nhưng luôn bị mắc kẹt bởi cáo buộc về quan hệ giữa ông với các băng nhóm xã hội đen, điều mà ông luôn phủ nhận.
Stanley Ho khởi hành đi Bồ Đào Nha ngày 8/1/1962. Ảnh: SCMP. |
Năm 1961, với sự hậu thuẫn tài chính của Henry Fok Ying-tung, Stanley Ho giành được giấy phép kinh doanh độc quyền về cờ bạc ở Macau, về cho công ty của ông, Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM).
Một số ý kiến cho rằng STDM sẽ không giành chiến thắng trong cuộc đấu giá năm đó nếu không có sự giúp đỡ của gia đình bà Leitao, thậm chí họ đã giúp ông nắm được thông tin nội bộ để đưa ra mức giá chưa từng thấy - 410.00 USD, cao hơn 10.000 USD so với đối thủ, theo chuyên trang Inside Asian Gaming.
Đến đầu những năm 1990, tiền thuế từ các sòng bài của Stanley Ho, tập trung ở hai khách sạn Lisboa và Grand Lisboa, chiếm một nửa tổng thu ngân sách của chính quyền Macau.
Công việc kinh doanh của ông phát triển ngay cả sau khi Macau trở về dưới sự điều hành của Trung Quốc vào năm 1999, và thành phố này trở thành địa điểm duy nhất trên đất Trung Quốc có thể mở casino hợp pháp.
Dòng người đến từ Trung Quốc đại lục đã thúc đẩy sự phát triển của Macau, giúp đặc khu hành chính này vượt qua Las Vegas trở thành kinh đô cờ bạc thế giới. Đế chế Stanley Ho vẫn không ngừng lớn mạnh, chiếm khoảng một nửa trong số hơn 40 sòng bạc ở Macau, cũng như các khu ở Bồ Đào Nha.
Gia tộc Stanley Ho và gia tộc Fok vẫn đi lại với nhau. Quỹ Henry Fok đạt được thỏa thuận vào tháng 1/2019 giúp những đứa con của người vợ thứ hai của ông Stanley Ho, Lucina Laam King-ying, là cổ đông lớn của SJM Holdings, một trong 6 công ty được cấp phép kinh doanh sòng bạc ở Macau.
Daisy Ho, con gái thứ hai của bà Laam, là chủ tịch của công ty, trong khi người vợ thứ tư của Stanley Ho, Angela Leong, là đồng chủ tịch với một hậu duệ nhà Fok, Timothy Fok Tsun-ting. SJM vận hành 20 sòng bạc ở Macau, với tổng cộng 1.700 bàn đánh bạc và 2.400 máy đánh bạc.
Stanley Ho trên phà cao tốc kết nối Hong Kong và Macau năm 1995. Ảnh: SCMP. |
Sóng gió gia tộc
Gia tộc Hà theo chế độ đa thê và ông Stanley Ho có tổng cộng 17 người con với 4 người phụ nữ mà ông gọi là vợ, dù không rõ 3 người sau này có kết hôn với ông hay không. Hong Kong chính thức ban hành luật cấm đa thê từ năm 1971.
Cả ba người vợ sống (bà Laitao qua đời năm 2004) sở hữu những ngôi nhà hoành tráng ở Hong Kong và trở thành chủ doanh nghiệp theo cách riêng của họ.
Người vợ thứ tư của ông, Angela Leong On-kei, có giá trị tài sản ròng ước tính 3,7 tỷ USD và sở hữu chuỗi bất động sản thương mại và bán lẻ cao cấp ở Hong Kong, Macau và Trung Quốc đại lục.
Stanley Ho và người vợ thứ tư Angela Leong năm 2002. Ảnh: SCMP. |
Người vợ thứ ba của ông, Ina Chan, có tài sản ước tính khoảng 1 tỷ USD vào năm 2014. Trong khi Lucina Laam, người vợ thứ hai của ông, là mẹ của ba tỷ phú - hai con gái Pansy Ho Chiu-king và Daisy Ho Chiu-Mush, cùng con trai Lawrence Ho Yau-lung.
Năm 2011, người vợ thứ hai và thứ ba của ông, cùng với các con của người vợ thứ hai, bị cáo buộc tìm cách tiếp quản phi pháp các sòng bạc của ông trùm. Vụ việc kết thúc bằng một thỏa thuận hòa giải, nhưng chỉ sau cuộc chiến công khai phơi bày những rạn nứt trong đại gia đình.
Đó không phải lần duy nhất mà những tranh chấp trong gia tộc giàu có diễn ra trước mắt công chúng. Năm 2005, giữa cuộc chiến gay gắt với em gái của mình, Winnie, về cổ tức và tiền thanh toán từ các khoản đầu tư, Stanley Ho tuyên bố: "Tôi không còn coi cô ta là em gái nữa".
Stanley Ho và em gái Winnie năm 1992. Ảnh: SCMP. |
Giống như nhiều ông chủ sòng bạc, bản thân Stanley Ho không đam mê cờ bạc. Song không giống như nhiều người trong ngành, ông lại thích khiêu vũ.
Ông dường như rất tận hưởng mọi thứ hấp dẫn và khác thường trong cuộc đời.
Những năm cuối đời, ông hợp tác với Albert Yeung Shau Shing của tập đoàn Emperor trong một thương vụ ở Triều Tiên. Khi Mỹ đưa quân đến Iraq năm 2003, chính phủ Triều Tiên đã đồng ý cho Saddam Hussein tị nạn, với lời đề nghị từ văn phòng Stanley Ho ở Macau.
Trong số 17 người con, có 3 người - Pansy, Daisy và Lawrence - trở thành lãnh đạo doanh nghiệp. Những người còn lại sống nhờ vào cổ phần trong đế chế sòng bạc.
Stanley Ho cũng không phải chưa từng trải qua bi kịch. Con trai cả của ông, Robert, qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1981 cùng với vợ Suki Potier, một người mẫu nổi tiếng người Anh, để lại hai đứa con nhỏ. Cái chết của Robert được cho là đã khiến cả Stanley Ho và bà Laitao suy sụp.
Ông trùm được cho là đã chuẩn bị để Robert trở thành người thừa kế sự nghiệp. Một ngôi nhà vườn đồ sộ trên đường Shek O Headland, được mua bởi Stanley Ho và sau đó Robert dọn đến ở, đã bị bỏ hoang, mục nát, trước khi được người vợ thứ ba của Stanley Ho mua lại, phát triển thành dãy nhà phố sang trọng.
Stanley Ho cũng không thiếu người chỉ trích và sẽ là sai lầm khi thần thánh hóa ông sau khi ông qua đời. Song không có gì phải bàn cãi nếu nói ảnh hưởng của ông đối với Macau - và được cho là bằng cách mở rộng ngành công nghiệp sòng bạc trên khắp hành tinh - nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào trong lịch sử.
Như một người kỳ cựu trong ngành từng nói "bạn không thể chỉ so sánh Stanley Ho với người bình thường", vũ đạo của Macau chưa bao giờ đơn giản, và ít ai từng nhanh nhẹn như ông, người hiếm khi bước đi sai trong hơn nửa thế kỷ ở Macau.