Kình địch số một của thung lũng Silicon, Margrethe Vestager, đã tiết lộ mục tiêu tiếp theo của bà - một tin tức không tốt lành đối với Apple.
Người đóng vai trò là Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu này đã trở thành mối lo ngại đối với những ông lớn trong ngành công nghệ Mỹ. Bà Vestager đã tiến hành rà soát và thi hành luật chống độc quyền và khiến Google phải chịu một khoản phạt với số tiền kỷ lục lên tới 5 tỷ USD vào tháng trước.
Hiện tại, EU đang tạm bỏ ngỏ những hành động chống lại Google nhằm vào vị trí thống trị của Android. Bà Vestager đang tiến hành dự án tiếp theo của mình. Trong tuần qua, Business Insider đã có những manh mối đầu tiên về dự án đó.
Trong văn bản trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp EU, Vestager cho biết nhóm của bà sắp tiến hành kiểm tra một số loại sạc dành cho điện thoại thông minh do lo ngại các công ty công nghệ không thực hiện cam kết tiêu chuẩn hóa các điểm sạc.
Apple, Samsung, Huawei và Nokia nằm trong số 14 công ty ký thỏa thuận tự nguyện trong năm 2009, đồng ý điều chỉnh các bộ sạc cho các mẫu điện thoại thông minh ra mắt thị trường năm 2011.
"Trên tinh thần tự nguyện, tiến trình này không đạt yêu cầu, Ủy ban chúng tôi sẽ sớm triển khai một nghiên cứu đánh giá tác động để xác định chi phí và lợi ích của từng lựa chọn khác nhau", bà Vestager nói.
Động thái này có thể sẽ gây ra vấn đề lớn cho Apple. Điện thoại Android sử dụng cổng kết nối USB-C và micro-USB trên nhiều thiết bị khác nhau. Tuy nhiên, cổng kết nối Lightning độc quyền của Apple thì không. Rõ ràng, đặc điểm này hoàn toàn có thể biến Apple thành mục tiêu mà bà Vestager nhắm tới.
Trước đây, bà này cũng từng cảnh báo đối với Apple. Cụ thể vào năm 2016, bà yêu cầu công ty của Tim Cook thanh toán 13 tỷ euro (15 tỷ USD) tiền thuế cho Ireland.
Năm 2012, Apple đã thay thế cổng kết nối 30-pin bằng cổng kết nối Lightning. Theo ước tính, có thể Apple đã kiếm được khoảng 100 triệu USD nhờ thay đổi này.
Đó là trước khi cổng kết nối Lightning được cải tiến để trang bị chức năng kép cho bộ sạc và giắc cắm tai nghe. Đồng nghĩa với việc khách hàng của Apple phải trả tiền mua tai nghe của Apple (hoặc các thương hiệu liên kết với Apple khác như Beats) hoặc mua bộ chuyển tương thích với giắc cắm tai nghe 3,5 mm nếu lỡ làm mất tai nghe đi kèm điện thoại.
Bên cạnh đó, Apple cũng kiếm tiền từ việc khách hàng cần thay thế và sửa chữa. Khi công ty này được định giá ở mức cao kỷ lục - trị giá hàng nghìn tỷ USD vào tuần trước, dòng tweet về bộ sạc của Apple dưới đây đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nhiều người cho rằng đây là lý do tại sao Apple có được giá trị 1 nghìn tỷ USD. |
Khi cần sửa chữa, người dùng thường đến cửa hàng Apple. Ở đây, họ phải trả phí để sử dụng các dịch vụ của công ty. Công ty đưa ra những tùy chọn cho khách hàng theo AppleCare. Doanh thu của bộ phận này đã tăng 31% lên 9,5 tỷ USD trong vòng ba tháng (tính đến tháng 6).
Apple hiện vẫn chưa đưa ra bình luận, nhưng ông lớn này có vẻ không hoan nghênh sự “quan tâm đặc biệt” mà EU dành cho bộ sạc điện thoại của mình, Business Insider.