Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2017. Trong báo cáo sau kiểm toán, 91% lợi nhuận ròng ghi nhận trên báo cáo công ty tự lập đã “bốc hơi”.
Mất hơn 91% lợi nhuận
Báo cáo kiểm toán của Gỗ Trường Thành thể hiện năm qua, lợi nhuận ròng mà “vua gỗ” thu về chỉ vỏn vẹn 2,3 tỷ, chưa tới 1/11 so với ghi nhận trên báo cáo tự lập dù doanh thu thuần thu về vẫn trên 1.363 tỷ. Lợi nhuận ròng của Gỗ Trường Thành sụt giảm mạnh do giá vốn hàng bán tăng 25 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính giảm, xuất hiện lỗ khác.
Có nhiều chênh lệch giữa báo cáo công ty tự lập và báo cáo sau kiểm toán. Cụ thể, trong khi báo cáo công ty tự lập ghi nhận khoản thu nhập khác năm 2017 lên tới 28,7 tỷ và chi phí khác là 21,1 tỷ thì trên báo cáo kiểm toán, con số này lại lần lượt là 9 tỷ và 23,6 tỷ đồng. Điều đó khiến lợi nhuận khác của công ty giảm mạnh từ dương 7,5 tỷ xuống âm hơn 14,5 tỷ đồng.
Khoản lỗ này đã trừ thẳng vào lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khiến “vua gỗ” chỉ thu về 2,3 tỷ lãi ròng năm qua, giảm hơn 91% so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, nếu so với con số âm 442 tỷ đồng (đã điều chỉnh) năm trước thì kết quả này của Gỗ Trường Thành đã có bước tiến.
Theo lãnh đạo công ty, thu nhập khác giảm mạnh 68,4% chủ yếu do phân loại lại chi phí lãi vay được miễn giảm của các ngân hàng. Trong khi, chi phí khác tăng do phân loại lại chi phí không liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Gỗ Trường Thành cũng cho biết giá vốn tăng sau kiểm toán chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và tăng giá vốn đối với hàng dở dang thi công tại các công trình tổng cộng 19,3 tỷ. Bên cạnh đó là phần ghi nhận bổ sung chi phí khấu hao; loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện và phân loại lại chi phí cũng cộng thêm 7,9 tỷ đồng vào giá vốn năm qua.
“Vua gỗ” liên tục đổi chủ
Ông Võ Trường Thành - người từng được mệnh danh là "ông trùm gỗ Việt". Ảnh: Hải An. |
Kể từ khi vướng vào các khoản nợ và khó khăn, Gỗ Trường Thành đã liên tục đổi chủ khi lượng cổ phần tại doanh nghiệp này được trao tay liên tục.
Từ việc phần lớn cổ phần nằm trong tay cha con ông Võ Trường Thành - người sáng lập, đồng thời từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành - hiện nay vốn doanh nghiệp đã được chia nhỏ với cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Xây dựng U&I của đại gia Mai Hữu Tín.
Cụ thể, tháng 5/2016, sau khi Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - công ty con của Tập đoàn Vingroup - chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành, vị trí CEO tại đây đã được giao cho bà Vũ Tuyết Hằng đảm nhiệm.
Bà Hằng chính là lãnh đạo đến từ Vingroup khi là thành viên HĐQT từ năm 2011 đến 2016 và giữ vị trí Phó tổng giám đốc tập đoàn này từ năm 2010. Vingroup thậm chí còn có kế hoạch nâng sở hữu tại Gỗ Trường Thành lên tới 69% từ việc nhận mua thêm cổ phiếu để cấn trừ nợ. Tuy nhiên, Tân Liên Phát đã tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ khi phát hiện ra một số sai lệch nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của “vua gỗ”.
Đến tháng 8/2016, sau khi ông Võ Trường Thành bị miễn nhiệm, chức danh cao nhất tại Gỗ Trường Thành đã được giao cho bà Vũ Tuyết Hằng thay thế.
Nhưng từ cuối tháng 11/2016 đến 4/2017, Tân Liên Phát đã liên tục bán ra cổ phiếu TFF để giảm lượng sở hữu tại đây xuống chỉ còn 4,83%. Cùng lúc, U&I cũng bắt đầu mua gom cổ phiếu TFF.
Sau khi Tân Liên Phát không còn là cổ đông lớn tại Gỗ Trường Thành, bà Vũ Tuyết Hằng cũng nhanh chóng thôi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại đây, vị trí Tổng giám đốc công ty được ông Mai Hữu Tín đảm nhiệm, còn vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Hồ Anh Dũng thay thế.
Một tên tuổi khác cũng tham gia vào tái cấu trúc “vua gỗ” chính là Công ty cổ phần SAM Holdings của Shark Trần Anh Vương khi doanh nghiệp này chi tới 147 tỷ đồng để mua vào 20,8 triệu cổ phiếu TFF trong năm 2017 và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây sau U&I. Tuy nhiên, mới đây SAM Holdings cho biết đã bán đi 13,3 triệu cổ phiếu TTF vào ngày 5/4 và giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống chỉ còn 3,48%.