Không chỉ biết đến là “ông trùm gỗ Việt” mà đại gia Võ Trường Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) cũng được nhắc đến nhiều với biệt danh “người vượt bão”.
Doanh nghiệp (DN) của ông như một con tàu lớn nhưng ra khơi lần nào cũng rơi vào tâm bão. Mới đây, sau khi TTF phát tín hiệu trợ giúp và có nơi giải cứu thì cũng là lúc ông Thành phải chia tay DN do mình dựng nên.
Đường đến "ngai vàng" ngành gỗ
Doanh nhân quê Bình Định này xuất thân là một giáo viên dạy toán và khởi nghiệp với ngành gỗ. Bước ngoặt lớn nhất là khi ông mua lại một công ty Nhà nước đang thua lỗ với số vốn ít ỏi tích lũy trong quá trình mưu sinh ở TP.HCM.
Từ đó, ông xoay chuyển linh hoạt để đưa DN mình tăng trưởng đều đặn hàng năm. Đây cũng được xem như là “chuyến vượt bão” đầu tiên của ông với chiếc thuyền con này.
Với những lần đưa DN thoát hiểm ngoạn mục, ông Thành được nhắc đến như "người vượt bão". Ảnh: Hải An. |
Cơn bão tiếp theo xuất hiện và đặt DN của ông đứng trước bờ vực phá sản vì chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 và ảnh hưởng của chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, ông một lần nữa ông “vững tay chèo” đưa DN qua được sóng gió nhờ kịp thời quay về thị trường trong nước.
Ông cũng trở nên nổi tiếng sau những chuyến hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu khi lệnh cấm được tháo bỏ vào năm 1999.
Năm 2000, ông thực hiện thương vụ lịch sử, khi là người đầu tiên thâu tóm một doanh nghiệp nước ngoài. Những năm sau đó tốc độ tăng trưởng của DN luôn cao, doanh thu tăng mạnh từ khoảng 168 tỷ đồng lên hơn 600 tỷ đồng năm 2007, lợi nhuận ròng cũng tăng mạnh gấp 10 lần chỉ sau 2 năm.
Mọi sự hanh thông cho đến khi ông đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2008, mở ra một chu kỳ thăng hoa và cũng u tối của ông và DN. Chỉ 3 năm sau niêm yết, mức tăng trưởng Gỗ Trường Thành đã ở doanh số kỷ lục, với 30.000 tỷ đồng trong năm 2011.
Quy mô DN ngành gỗ lớn nhất thị trường cùng dự án hợp tác trồng 17.000 ha rừng với tập đoàn OJI Paper đã đưa ông Võ Trường Thành lên ngôi “vua gỗ Việt Nam”.
Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, khi chuyến ra khơi tiếp theo của ông lại phải lao vào một cơn sóng dữ hơn. Mặc dù được coi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ, nhưng TTF của ông Thành thường xuyên ở trong tình trạng vay nợ lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
“Đất và rừng là 2 tài sản quý nhưng có trong thời điểm đó tôi không thể vui. Có cho tiền tôi cũng không làm BĐS nữa!”.
Doanh nhân Võ Trường Thành
Thời kỳ này, Gỗ Trường Thành không nằm ngoài danh sách những DN gặp hạn. Với những quyết định đầu tư lớn, TTF nợ rất nhiều, lãi suất tăng vọt, có thời điểm lên tới 20%. Và một lần nữa, nhiều người lại trông chờ vào bản lĩnh của “vua gỗ” có thể đưa DN đi qua cơn bão này.
Hơn nửa thập kỷ nằm sát bờ vực
Từng gầy dựng đế chế hùng mạnh, nhưng những khoản nợ gần đây khiến ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch tập đoàn Gỗ Trường Thành luôn đặt DN của mình trước những lựa chọn sinh tử. Hơn nửa thập kỷ rơi vào khủng hoảng, đối diện với các khoản nợ khổng lồ, ông chủ cũ của TTF hầu như chỉ tính tới các phương án sinh tồn hơn là tìm kiếm lợi nhuận.
Hai năm qua, nhiều người dành lời khen cho cuộc thoát hiểm ngoạn mục của ông Thành và TTF trong vòng xoáy nợ nần. Nhưng ngay cả bản thân ông thời điểm đó cũng không tin vào khả năng chọn đúng “cửa sinh”.
Ông thành từng chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng 2008 cũng là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà tôi phải vượt qua. Lúc bấy giờ, ngay cả những người trong hội đồng quản trị cũng không còn niềm tin là TTF sẽ vượt qua được thời kỳ đó”.
Từng là "vua" ngành gỗ Việt, ông Thành đã mất DN nghiệp do mình gây dựng suốt một đời kinh doanh. Ảnh: Q.Hải. |
Việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu đã khiến TTF chịu mất mát, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. Khủng hoảng kinh tế khiến khách hàng không đặt những loại gỗ đắt đỏ, mà chỉ xài đồ rẻ tiền. Thị trường quay ngoắt 180 độ, TTF bị chôn vốn trong khi thiếu tiền để làm những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường.
Việc trồng rừng với mục đích chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển bền vững hóa ra lại góp phần đẩy DN này đến với bờ vực sụp đổ, khi nguồn vốn tài trợ cho dự án lại là vốn vay. Lạm phát phi mã đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến TTF rơi vào tình cảnh khốn đốn.
TTF cùng lúc phải đối mặt với doanh số sụt giảm mạnh, trong khi chi phí lãi vay lớn khiến DN vào tình thế nguy kịch, mất khả năng thanh toán.
“Cuộc khủng hoảng 2008 cũng là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà tôi phải vượt qua. Chúng tôi được học nhiều về kinh doanh, nhưng về quản trị rủi ro còn quá mơ hồ".
Doanh nhân Võ Trường Thành
“Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng việc trồng rừng ngoài ý nghĩa về mặt chủ động nguồn nguyên liệu thì nó còn giúp đảm bảo không ảnh hưởng đến việc khai phá rừng. Tuy nhiên, tới ngày gần thu được rừng thì đó là những ngày bi đát nhất, vì không biết làm cách nào để bán hàng”, ông Thành chia sẻ.
Không chỉ đầu tư vào tài sản cố định mà những khoản đầu tư ngoài ngành trước đó đã khiến cho TTF mất kiểm soát dòng vốn. TTF rót 250 tỷ đầu tư vào bất động sản, y tế, thủy sản... và liên tiếp trong các năm sau đó, từ 2008 - 2010 cứ đều đặn đầu tư vào kênh này.
Tính đến ngày 31/12/2012, tổng giá trị đầu tư dài hạn của TTF ở mức 519 tỷ đồng (sau khi trích lập dự phòng 32,2 tỷ đồng; khoản này còn 487 tỷ đồng).
Vào thời điểm đó, tổng nợ của TTF là 1.900 tỷ đồng, chỉ cần ngân hàng thu lại khoảng 200 tỷ thôi thì dòng tiền của TTF sẽ bị hụt mất. Đó là nỗi ám ảnh lớn mà đến sau này ông Thành còn thừa nhận: “Đất và rừng là 2 tài sản quý nhưng có trong thời điểm đó tôi không thể vui. Có cho tiền tôi cũng không làm BĐS nữa!”.
Trong tình thế sinh tử buộc ông Thành “phát tín hiệu cầu cứu” để có thể trục vớt con tàu TTF đang chìm dần trong nợ nần. Theo ông, cơ chế giải quyết lúc này thì vẫn chỉ là thuyết phục và thuyết phục.
Với một loạt những giải pháp được thực thi cùng với “chiếc phao” đến từ Tập đoàn Vingroup, cổ phiếu TTF đã được nhà đầu tư săn đón trên thị trường với kỳ vọng nhờ nguồn lực của VIC.
Ông Võ Trường Thành cũng từng chia sẽ với cổ đông rằng việc trở thành công ty con của VIC sẽ giúp công ty phát triển mạnh hơn. Phần vốn của gia đình ông tại TTF giảm xuống, nhưng giá trị thì lại tăng lên. Giá cổ phiếu TTF thời điểm đó bật tăng từ dưới mệnh giá lên 30.000 đồng.
Tuy nhiên không lâu sau đó, cú sốc lớn nhất có lẽ chính là khoản lỗ bất ngờ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016, sau khi đối tác đầu tư ra thông báo: “Phát hiện sai lệch nghiêm trọng, Tân Liên Phát (công ty con của Vingroup) tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.202 tỷ của Gỗ Trường Thành”.
Sai phạm sau đó được công bố liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Giới đầu tư thực sự choáng váng bởi mọi kỳ vọng về TTF bỗng chốc tan thành mây khói. Hàng loạt nỗ lực đàm phán với các ngân hàng, đối tác cùng với sự góp mặt của cổ đông chiến lược và những đột phá trong năm 2015 với doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận tăng gấp 3, giá cổ phiếu tăng vọt có lúc lên tới gần 44.000 đồng/cổ phiếu bỗng chốc tan biến.
Cổ phiếu TTF rớt về gần 4.000 đồng/cổ phiếu.
Sự thật và bi kịch một nửa sự thật
Trong bối cảnh nợ 15 ngân hàng, cổ phiếu suýt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhưng ông "trùm" gỗ Việt đã đưa DN thoát phá sản. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Zing.vn cách đây 2 năm, ông chủ TTF cho rằng ông chính vì khai thật số nợ đã giúp cho DN được cứu và vượt qua khủng hoảng. Nhưng mới đây, thời điểm ông buộc phải ra đi cũng bởi sự thật về khoản hàng tồn kho không được ông công bố.
Lỡ vươn tay vào thị trường bất động sản thời điểm sốt đất 10 năm trước, ông Thành thừa nhận đó vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với mình. Ảnh: Hải An. |
Cách đây gần một năm, HĐQT công ty này đã ra quyết định bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi chiếc ghế chủ tịch, mà nguyên nhân được đưa ra là do ông Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp cuả công ty.
Như vậy là sau 23 năm làm chủ một “đế chế” chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam, ông Võ Trường Thành đành ngậm ngùi đi khỏi công ty do chính ông gầy dựng. Nhiều ý kiến nhìn nhận rằng ông Thành ra đi vì đã hoàn thành sứ mệnh giải cứu TTF. Dù thế nào thì đây cũng là sự thoái vị để lại nhiều tiếc nuối. Một cuộc giải cứu DN bằng sự thật và cuộc ra đi bằng bi kịch của một nửa sự thật.
Sự thật là ông tìm đến Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC), thuyết phục họ mua nợ để không rơi vào tình trạng nợ xấu, đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh. Điều kiện được đưa ra là có thể phát hành tăng vốn chủ sở hữu để có thể mua lại phần nợ từ DATC. Đây là DN tư nhân đầu tiên nhận được đặc ân này.
Và sự thật là ông ra sức thuyết phục các cơ quan quản lý phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, TTF cũng là DN đầu tiên được gật đầu đặc ân này. Ông Thành từng chia sẻ: “Lúc đó chẳng ai muốn làm sai luật, nhưng những gì họ làm cuối cùng cho thấy được họ giúp cho DN rất nhiều, nếu mà không cho TTF phát hành lúc đó, thì bây giờ có cái xác TTF rồi”.
Nhưng một sự thật khác, là trong quá trình tái cơ cấu DN thì mâu thuẫn lợi ích trong nội bộ trở nên gay gắt. Việc chào bán cổ phiếu cho đối tác để trả nợ cũng chậm trễ, vì sự giằng co lợi ích trong HĐQT.
Ông Thành ngậm ngùi: “Lúc tình hình công ty đang bắt đầu đuối, Công ty Sun Chang của Hàn Quốc muốn mua với giá 13.000, đồng/cổ phiếu, công ty OJI mua giá 15.000 đồng/cổ phiếu mà các thành viên HĐQT cứ bàn hoài. Thậm chí có vị còn nói: “Với giá đó thì để tụi tui chào bán cho”. Từ đó dẫn đến quyết định là ai cũng có quyền chào bán, nhưng 3 tháng sau không ai có được cái chào giá nào”.
Đáng nói, bên cạnh sự thật giúp DN thoát hiểm ngoạn mục thì việc không minh bạch trong một số tình huống đã gián tiếp và trực tiếp khiến ông Thành phải từ bỏ công ty mà mình mất cả đời gầy dựng.
Nhiều nhà đầu tư cũng mong muốn tìm kiếm một nửa sự thật khi TTF phân phối cổ phần riêng lẻ có điều gì đó không rõ ràng. Sau đó chính ông Thành thừa nhận có chút gì đó hơi thiếu minh bạch.
“Với tình hình cấp bách, để thực hiện đúng kế hoạch tái cấu trúc và uy tín với các chủ nợ, chúng tôi buộc phải âm thầm tìm người đại diện đứng tên để mua số cổ phần đó trước khi chuyển nhượng lại cho VIC”, ông phân trần.
Và bi kịch cuối cùng chính là vụ bê bối về khoản lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6/2016 tăng thêm 130 tỷ đồng so với số liệu do công ty tự lập đã công bố trước đây, tức tăng từ gần 1.100 tỷ lên hơn 1.200 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định chủ yếu do chênh lệch kiểm kê thiếu hàng tồn kho tăng thêm 127 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn 520 tỷ đồng, tương đương 60% doanh thu không thể xác định được có thật. Đây cũng là lý do khiến ông Thành và gia đình của mình phải từ nhiệm theo đúng điều lệ công ty.
Mới đây, ông Võ Trường Thành và vợ con phải chuyển giao khối tài sản gần 200 tỷ đồng để khắc phục các thiệt hại do quản lý yếu kém tại chính cơ ngơi mà ông tgây dựng 20 năm trước. Có thể đây là một cái kết buồn nhưng rõ ràng vẫn là bài học lớn cho việc quản trị dòng tiền và rủi ro.
Với khoản tiền khắc phục hậu quả, có lẽ cả gia đình này cũng mong muốn TTF thời “hậu Võ Trường Thành” có thể tìm lại được thời hoàng kim.
Nói về khủng hoảng, ông Thành từng chia sẻ: “Thực tế là chúng tôi được học nhiều về kinh doanh, về quản trị tài chính, nhưng về quản trị rủi ro lúc đó còn quá mơ hồ đã dẫn đến công ty rơi vào tình trạng suy sụp”.