Theo thông tin trong tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2018 tới đây, Công ty Cổ phần SAM Holdings (mã cổ phiếu./ SAM) đang có kế hoạch phát hành hơn 108 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 2.418 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Trong đó, công ty dự kiến phát hành hơn 7,25 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 3%, và phát hành gần 101 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 41,75% với giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tăng vốn để đầu tư chứng khoán
Theo kế hoạch, nguồn vốn tăng thêm sẽ được HĐQT quyết định các khoản đầu tư mua cổ phần Nhà nước thoái vốn, tăng danh mục đầu tư tài chính ngắn, dài hạn.
Trong năm 2017 vừa qua, doanh thu SAM Holdings chỉ đạt 88% kế hoạch nhưng lãi trước thuế mang về lại vượt 35%, đạt 143 tỷ đồng. Trong đó, mảng đầu tư tài chính đóng góp nhiều lợi nhuận nhất.
Cụ thể, mảng kinh doanh chính là dây và cáp mang về cho công ty tới 1.877 tỷ doanh thu, tăng 30% và chiếm 76% tổng doanh thu nhưng chỉ mang về cho SAM Holdings hơn 68 tỷ lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, mảng đầu tư tài chính lại mang về tới 77 tỷ đồng lãi trước thuế trên doanh thu mang về gần 238 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng kinh doanh bất động sản khiến công ty của Shark Vương chịu khoản lỗ trước thuế 2,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của doanh nghiệp, hoạt động tài chính đạt kết quả ấn tượng năm 2017 nhờ chốt lời khoản đầu tư 14,5 triệu cổ phiếu VGC tại Tổng công ty Cổ phần Viglacera đem về khoản lợi nhuận trên 115 tỷ đồng; thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phú lãi gần 91 tỷ đồng; bán 2,5 triệu cổ phiếu DXG tại Công ty Địa ốc Đất Xanh thu về 45 tỷ đồng… Bên cạnh đó, công ty cũng thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư như SHI (Sơn Hà), BHS (Đường Biên Hòa), ACB (Ngân hàng Á Châu)...
Trong năm 2017, đơn vị này cũng đầu tư mua vào 11,8 triệu cổ phiếu DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam trị giá gốc 284 tỷ đồng và hơn 20,8 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF) giá trị gốc 147 tỷ đồng. Nếu tính theo giá thị trường hiện tại (ngày 6/4) thì giá trị 2 khoản đầu tư này đang thấp hơn giá trị gốc SAM Holdings chi ra ban đầu. Trong đó, lượng cổ phiếu DVN có giá trị là 217 tỷ đồng và TTF là 128 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản đầu hiệu quả nhất vào chứng khoán của SAM Holdings năm qua là việc mua vào 9,9 triệu cổ phiếu DXG với giá trị gốc 187 tỷ đồng. Dù đã bán 2,5 triệu cổ phiếu và thu về 45 tỷ đồng, nhưng hơn 7,4 triệu cổ phiếu còn lại hiện có giá trị thị trường lên tới 291 tỷ đồng. Tính ra khoản đầu tư chứng khoán này đang giúp SAM Holdings lãi gần 150 tỷ đồng.
Shark Vương được trả thù lao bao nhiêu?
Cũng trong tờ trình ĐHĐCĐ thường niên tới đây, SAM Holdings cho biết trong năm 2017 công ty đã tiến hành chia trả thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát công ty hơn 3 tỷ đồng. Còn tiền lương của Ban tổng giám đốc và Kế toán trưởng mức tiền chi ra lên tới 3,77 tỷ đồng.
Được biết, Ban tổng giám đốc và Kế toán trưởng tại doanh nghiệp này hiện chỉ bao gồm 3 thành viên là ông Trần Anh Vương, tức Shark Vương - là Tổng giám đốc, ông Phương Thành Long - Phó tổng giám đốc, và ông Nguyễn Thanh Xuân - Kế toán trưởng.
Bên cạnh đó, nhờ kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu trong năm 2017, doanh nghiệp cũng đã chi thêm 2,9% lợi nhuận sau thuế vượt chỉ tiêu, tương đương 860 triệu đồng để thưởng cho Ban giám đốc công ty.
Như vậy, 3 thành viên trong Ban giám đốc và Kế toán trưởng năm vừa qua nhận về tổng cộng 4,63 tỷ đồng tiền lương, thưởng và thu lao. Tương đương, mỗi cá nhân nhận về hơn 1,54 tỷ đồng năm qua.
Bên cạnh là Tổng giám đốc tại SAM Holdings, Shark Vương cũng chính là cổ đông lớn nhất tại đây với việc sở hữu hơn 15,27 triệu cổ phiếu, tương đương 6,32% vốn công ty.
Trong năm 2018, SAM Holdings đặt kế hoạch thu về 2.950 tỷ doanh thu, tăng 20% so với năm 2017, trong đó bao gồm 2.709 tỷ doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và 242 tỷ đồng doanh thu tài chính. Khoản lợi nhuận trước thuế dự kiến thu về 180 tỷ đồng, tăng 26%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho biết sẽ tiếp tục tham gia đồng hành cùng chương trình Shark Tank Việt Nam trong năm 2018.
Nguồn: VNdirect. |