Ngoài vai trò là một trong 5 “cá mập” trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam, ông Trần Anh Vương - Shark Vương - được biết tới với vai trò là lãnh đạo điều hành tại hàng loạt công ty lớn nhỏ. Doanh nghiệp nổi bật nhất do Shark Vương điều hành là CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom - SAM Holding (SAM).
Sau thương vụ đầu tư vào CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), mới đây, SAM Holdings đã nộp đơn để trở thành một trong 3 nhà đầu tư muốn tham gia vào cổ phần hóa Tổng Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) với mục tiêu trở thành cổ đông chiến lược.
SAM Holdings nơi Shark Vương làm Tổng giám đốc đang muốn trở thành cổ đông chiến lược tại Xuất nhập khẩu Bình Dương. Ảnh: Sharktank. |
Tiền thân của Xuất nhập khẩu Bình Dương là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, đơn vị chính thức chuyển đổi mô hình sang công ty mẹ - con từ năm 2010 đến nay.
Đáng chú ý, Xuất nhập khẩu Bình Dương có ngành nghề chính là trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi, khai thác gỗ, nuôi trồng thủy sản... nhưng trong "hệ sinh thái" của công ty có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản gồm golf, hạ tầng khu công nghiệp... Thậm chí, một trong số những công ty liên kết tại Protrade Corp đang là Công ty FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị liên doanh sản xuất sữa Cô gái Hà Lan - Dutch Lady tại Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty Sân Golf Palm Sông Bé; Công ty May mặc Bình Dương; Nhà máy Giấy Vĩnh Phú hay Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc... cũng là một trong những doanh nghiệp thuộc liên kết của Xuất nhập khẩu Bình Dương.
Ngoài công ty Shark Vương làm lãnh đạo, 2 doanh nghiệp còn lại muốn chen chân vào cổ phần hóa Protrade Corp còn có CTCP Đầu tư U&I và Công ty TNHH Phát Triển cũng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Xuất nhập khẩu Bình Dương.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT tại U&I hiện nay chính là ông Mai Hữu Tín, người đồng thời là Phó chủ tịch tại KienLongBank (KLB) và Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Gỗ Trường Thành.
Mới đây, Xuất nhập khẩu Bình Dương đã công bố thông tin về việc tổ chức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tới đây tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo phương án cổ phần hóa, Xuất nhập khẩu Bình Dương có tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương đương với 300 triệu cổ phần. Sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ khoảng 150 triệu cổ phần, tương đương 50% vốn tại đây.
Trong phiên IPO cuối tháng 3 tới, Xuất nhập khẩu Bình Dương sẽ chào bán khoảng 30 triệu cổ phần, tương 10% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần. Nếu đấu giá thành công, số tiền tối thiểu Xuất nhập khẩu Bình Dương có thể thu về sẽ không dưới 360 tỷ đồng từ đợt IPO.
Đối với lượng vốn chào bán cho cổ đông chiến lược, Xuất nhập khẩu Bình Dương dự kiến bán khoảng 120 triệu cổ phần, tương đương 39,91% vốn cho các Nhà đầu tư chiến lược với mức giá không thấp hơn mức giá IPO.
Như vậy, nếu SAM Holdings của Shark Vương và U&I của ông Mai Hữu Tín và Công ty TNHH Phát Triển muốn trở thành cổ đông chiến lược tại đây sẽ phải chi ra số tiền không dưới 1.440 tỷ đồng.
Nếu SAM Holdings hoặc U&I trở thành cổ đông chiến lược tại Xuất nhập khẩu Bình Dương, đây là sẽ công ty thứ 2 tại tỉnh Bình Dương mà hai công ty này đầu tư vào cùng với Gỗ Trường Thành. Hiện tại, SAM Holdings đang nắm giữ hơn 20,8 triệu cổ phiếu TTF tương đương 9,7% vốn tại Gỗ Trường Thành, còn U&I nắm giữ 13,51% vốn thông qua Công ty xây dựng U&I.