Sáng 23/5, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đã có báo cáo về việc quy hoạch tổng thể khu du dịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng).
Theo ông Tuấn, phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà được đề ra từ năm 2003 trong nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng.
Quy hoạch Sơn Trà chính thức được Chính phủ phê duyệt ngày 9/11/2016 và mới được công bố vào tháng 2 năm nay. Sau khi công bố, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có ý kiến điều chỉnh quy hoạch.
Khi đó, Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Đà Nẵng xem xét, xử lý kiến nghị này.
Trong chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Phạm vi ranh giới được quy hoạch cho phát triển du lịch tại bán đảo này là 1.056 ha căn cứ vào Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 2357 ngày 4/12/2013.
Xem xét toàn diện
Ông Tuấn cho biết với tính chất của một đồ án quy hoạch tổng thể, quan điểm phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đây là điểm du lịch văn hóa, tâm linh, gắn với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Toàn cảnh bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Viện sinh thái học môi trường. |
Theo đó, việc tổ chức không gian phát triển Sơn Trà gồm 3 khu trung tâm dịch vụ, 5 cụm nghỉ dưỡng cao cấp, khu biệt thự Tây Nam Suối Đá, khu nhà nghỉ sinh thái. Tổng diện tích các khu chức năng này là hơn 550 ha. Trong đó diện tích xây dựng khu lưu trú rất nhỏ, chỉ khoảng 2% tổng diện tích.
Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng thời gian qua có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, quan điểm trên có thể dẫn đến một số hệ quả như đối với các dự án đang xây dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ. Đối với các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải hủy bỏ.
Theo ông Tuấn, đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được cấp phép trước thời điểm quy hoạch. UBND Đà Nẵng đang rà soát là có đề xuất cụ thể.
Không trái luật Đầu tư
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng điều 19, luật Du lịch quy định quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia chỉ xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất, các định hướng về quy mô phát triển cho khu vực quy hoạch. Đây là cơ sở để lập quy hoạch cụ thể đối với các phân khu chức năng.
Quy hoạch cụ thể các phân khu chức năng trong khu du lịch quốc gia khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới là căn cứ pháp lý để lập các dự án đầu tư cụ thể.
Trong khi đó, điều 30, luật Đầu tư quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như nhà máy điện hạt nhân; Chuyển đổi sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; Rừng phòng hộ đầu nguồn 50 ha trở lên...
Như vậy, quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà không phải dự án đầu tư, do đó không thuộc vi phạm điều chỉnh của điều 30, luật Đầu tư và không trái với luật Đầu tư.
Bán đảo Sơn Trà (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |
Ông Tuấn khẳng định trong toàn bộ quá trình lập quy hoạch, đề xuất các khu vực và quy mô phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một cách cẩn trọng, khách quan.
UBND Đà Nẵng có trách nhiệm tổ chức lập và ra soát quy hoạch chung khu du lịch, dự án trong phạm vi ranh giới khu du lịch quốc gia và công khai thông tin về các dự án tại bán đảo Sơn Trà.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Đà Nẵng lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học một cách nghiêm túc. Từ các ý kiến đó, các bước tiếp theo sẽ được triển khai theo đúng trình tự và quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.