Đến cuối ngày 3/9, tài xế Nguyễn Văn Hưng (SN 1980, ngụ huyện Tây Yên, tỉnh Bắc Giang) vẫn bặt vô âm tín sau khi chiếc xe “khủng” biển số 51C-42545 kéo rơ-moóc biển số 51R-00184 bị bắt giữ tại Bình Thuận vào đêm 2/9. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của 2 tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa rất lúng túng khi thực hiện việc xử phạt xe này.
Xe mua trả góp rồi cho thuê lại
Thượng tá Dương Văn Thành, Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường thủy Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngày 1/9, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông TP Cam Ranh khi bắt giữ xe chỉ lập biên bản vi phạm hành chính vì chở vượt chiều cao so với giấy phép, sử dụng lốp xe lớn hơn quy định, chở quá số người trong cabin.
Cơ quan chức năng yêu cầu tài xế Hưng khắc phục các vi phạm, đồng thời yêu cầu chủ phương tiện đến Phòng CSGT Công an tỉnh làm việc vào ngày 8/9.
Trong biên bản xử phạt của Công an tỉnh Khánh Hòa, chủ xe là Công ty TNHH một thành viên Cho thuê tài chính - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM.
Theo thượng tá Thành, Công ty TNHH Vận tải Nguyên Lợi (trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) là đơn vị mua xe này theo hình thức trả góp và được Cục Quản lý đường bộ IV cấp phép lưu hành đặc biệt theo tuyến Cần Thơ - TP.HCM - Đồng Nai - Đà Nẵng - Hà Nội từ ngày 15/8 đến 5/9 với trọng tải tối đa gần 44 tấn.
Công ty Nguyên Lợi cho tài xế Hưng thuê lại xe, trả tiền hằng tháng. Tài xế Hưng khai nhận với cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận là chở máy biến áp từ Hà Tĩnh vào TP.HCM.
Theo các thông số được in trên xe đầu kéo và rơ-moóc thì tổng khối lượng của 2 phần này là 42 tấn. Riêng máy biến áp không thể xác định nặng bao nhiêu vì không có hiệu máy, chủng loại, model…
Chiếc xe “khủng” đang bị giữ tại Bình Thuận. |
Một cán bộ của trạm cân lưu động tỉnh Bình Thuận cho biết bộ cân lưu động chỉ thiết kế để cân xe có 2 trục bánh, còn chiếc xe khủng bị bắt giữ là rơ-moóc chuyên dụng có 4 trục bánh nên không thể cân.
Không phát hiện được vì… mưa
Điều khó hiểu là suốt chặng đường dài cả ngàn km trên Quốc lộ 1A, từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, chiếc xe khủng này đã “lọt lưới” nhiều trạm cân và chỉ bị CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện, lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe của tài xế song lại không yêu cầu khắc phục vi phạm mà tiếp tục cho xe lưu hành.
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Xuân, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Yên, cho biết thời gian chiếc xe này vượt qua trạm cân Phú Yên là đêm 31/8, đúng vào thời điểm khu vực này có mưa rất lớn nên lực lượng ở trạm cân không phát hiện.
Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, cho rằng việc xây dựng trang thiết bị cho trạm cân không đồng bộ nên việc kiểm soát tải trọng xe rất khó khăn. Lẽ ra, khi xây dựng trạm cân phải lắp đặt 2 trụ đèn pha ngoài 2 đầu trạm cân để chiếu sáng, phát hiện xe quá tải vào ban đêm nhưng ở đây không có nên anh em chủ yếu chỉ phát hiện bằng… tai!
Lý giải vì sao để xe trốn thoát dễ dàng, đại tá Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, giải thích: Do lỗi của xe không bắt buộc phải tạm giữ nên Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Cam Ranh chỉ giữ các loại giấy tờ xe; trạm không có bãi đổ xe nên phải để tạm trước Chi nhánh Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Cam Ranh cho tài xế thực hiện việc khắc phục vi phạm. Do không quản lý được nên tài xế đã điều khiển xe chạy trốn.
Ông Huỳnh Ninh Thạch, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi bắt giữ xe, sở đã thông báo cho Tổng cục Đường bộ và cơ quan chức năng đang nghi vấn chiếc xe này có thể sử dụng giấy phép giả.
Theo ông Thạch, sau khi bị bắt giữ xe, sáng 3/9, tài xế Hưng xin phép được quay trở lại Cam Ranh để làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết lịch làm việc với ông Hưng là vào ngày 8-9.
Xem xét khả năng làm giả giấy phép
Chiều 3/9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT, cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý đường bộ IV làm rõ việc liệu có phải chiếc xe đầu kéo biển số 51C-42545 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-00184 chở máy biến áp “khủng” đã làm giả giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe siêu trường, siêu trọng hay không.
Ngoài ra, việc chiếc xe này đã bị bắt, thu giữ giấy tờ để xử lý tại tỉnh Khánh Hòa nhưng tài xế vẫn có thể tiếp tục điều khiển xe chạy qua tỉnh Ninh Thuận và đến tỉnh Bình Thuận mới bị giữ lại cũng cần được làm rõ, xem có tiêu cực không.
Theo ông Huyện, muốn chở những loại hàng hóa đặc biệt, có trọng tải lớn không thể tháo rời như máy biến áp thì doanh nghiệp vận tải phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt do ngành giao thông cấp.
Trong đơn xin phép, doanh nghiệp phải thống kê đầy đủ thông tin về loại xe, nhãn hiệu, biển số xe, biển số sơmi rơ-moóc (hoặc rơ-moóc) cùng với trọng tải thiết kế cụ thể, số trục của xe; đơn xin phép phải ghi rõ loại hàng hóa vận chuyển, trọng lượng xin chở, hàng vượt phía trước và sau thùng xe, chiều rộng và cao khi xếp hàng, địa điểm xuất phát và địa điểm đến cũng như thời gian chuyên chở.
Đối với những mặt hàng có trọng tải lớn, doanh nghiệp muốn được cấp phép thì phải tính toán bổ sung các tổ hợp modul nối thêm vào xe để tăng chiều dài, bảo đảm an toàn cho cầu, đường khi xe lưu thông.