Nagaenthran Dharmalingam, công dân Malaysia, bị treo cổ vào rạng sáng 27/4 vì đã mang khoảng 44 g heroin vào Singapore. Đây là quốc gia có có luật ma túy khắt khe nhất thế giới.
Người đàn ông 34 tuổi với chỉ số IQ 69, cho biết đã bị ép buộc vận chuyển gói heroin vào năm 2009 “để trả nợ”. Mẹ của tử tù này cho biết Dharmalingam dự định dùng số tiền này để hỗ trợ bà.
Khi di chuyển từ Malaysia đến Singapore, Dharmalingam bị bắt tại một trạm kiểm soát biên giới với bánh heroin được buộc vào đùi, theo Washington Post.
"Điều ước cuối cùng"
“Anh trai tôi rất tốt bụng và tin tưởng mọi người”, Navim Kumar, em trai của Dharmalingam, nói với Washington Post ngày 27/4. “Hôm qua anh ấy còn nói với tôi rằng ‘anh không sao. Anh vẫn là một người tốt mặc dù đã phạm sai lầm’”.
Trong đơn kháng cáo cuối cùng được đệ trình vào tháng 12/2021, mẹ của Dharmalingam cho biết con trai bà “đã tham gia vào hoạt động tội phạm và bị kết án tử hình" do những khiếm khuyết về trí tuệ đã ảnh hưởng đến suy luận và bào chữa. Người đàn ông này bị kết án tử hình lần đầu tiên vào năm 2010.
Nhiều người đã kêu gọi ngừng việc hành quyết Dharmalingam. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, các nhà chức trách đã từ chối lời cầu xin khoan hồng vào phút chót của mẹ Dharmalingam trong ngày 26/4. Sau đó, Dharmalingam đã thỉnh cầu thẩm phán để được phép trò chuyện và tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, vốn đang có mặt tại tòa án.
“Đó là điều ước cuối cùng của tôi”, Dharmalingam cho biết qua một thông dịch viên. Dharmalingam nắm tay mẹ qua một cái khe trong phòng xử án.
Trong một tuyên bố hồi tháng 11/2021 liên quan đến việc bác bỏ kháng cáo trước đó, Bộ Nội vụ Singapore cho biết Dharmalingam nhận thức được các hành vi của mình là trái pháp luật. "Đó là một quyết định có chủ ý, có mục đích và có tính toán”.
Nhiều quốc gia, tổ chức nhân quyền và người nổi tiếng đã chỉ trích bản án đối với Dharmalingam.
Ravi Madasamy, cựu luật sư của Dharmalingam, cho biết ông chưa bao giờ thấy lượng người biểu tình phản đối án tử hình đông như vậy. “Nó không giống bất kỳ vụ án khác mà tôi từng chứng kiến”, ông nói.
“Thật không thể tin được rằng ở một nơi như Singapore, nơi được cho là một đô thị hiện đại, một người thiểu năng trí tuệ lại bị treo cổ như hiện nay”, vị luật sư cho biết.
Trong một tuyên bố hôm 25/4, trước thời điểm Dharmalingam bị xử tử, Liên Hợp Quốc kêu gọi dừng việc này lại, nói rằng "việc áp dụng án tử hình cho các tội liên quan đến ma túy là không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”.
Luật ma túy khắt khe của Singapore
Về vấn đề này, Singapore cho biết việc áp dụng tử hình đối với các vụ án liên quan đến buôn bán ma túy là tuân thủ luật pháp quốc tế nếu đúng thủ tục tố tụng.
Vụ việc đã khiến luật pháp về án tử của Singapore nhận được nhiều sự chú ý. Đảo quốc này là một trong số ít quốc gia áp dụng án tử hình đối với tội phạm ma túy.
Trong 12 năm kể từ khi Dharmalingam bị tuyên án tử hình, Singapore đã xem xét lại luật tử hình bắt buộc và cho phép các thẩm phán quyết định chuyển đổi án tử hình sang tù chung thân - một hình phạt thấp hơn.
Trong gần hai năm qua, Singapore đã tạm dừng tất cả vụ hành quyết vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vào tháng 3, Singapore đã treo cổ một người đàn ông 68 tuổi vì tội buôn bán ma túy. Bên cạnh vụ của Dharmalingam, một vụ tử hình khác cũng được Singapore lên kế hoạch trong tuần này. Datchinamurthy Kataiah, một công dân Malaysia khác bị kết tội buôn bán ma túy, cũng phải đối mặt với án treo cổ.
Singapore xử tử người đàn ông Malaysia về tội ma túy bất chấp lời kêu gọi khoan hồng vì Nagaenthran thiểu năng trí tuệ. Ảnh: AFP. |
Các nhà chức trách nhận định án tử hình đã giúp ngăn hoạt động buôn bán ma túy lớn và giúp Singapore trở thành một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới. Buôn bán thuốc phiện giảm 66% chỉ 4 năm sau khi áp dụng án tử hình bắt buộc đối với các vụ án liên quan đến hơn 1,2 kg ma túy vào năm 1990.
Theo một nghiên cứu năm 2019 của Bộ Nội vụ Singapore, gần 70% cư dân nước này đồng ý rằng án tử hình là biện pháp răn đe hiệu quả hơn tù chung thân nhằm chống buôn bán ma túy. Nhưng dần dần, sự bất đồng đang nổi lên.
Tại vụ xử tử của Dharmalingam ở Singapore, hơn chục nhà hoạt động đã tập trung để bày tỏ sự tôn trọng. Họ cũng thảo luận về cách mà vụ án của anh thu hút sự chú ý chưa từng có về cuộc chiến xóa bỏ án tử hình.
“Chúng tôi sẽ chiến đấu mạnh mẽ hơn và sẽ không dừng lại cho đến khi (án tử hình) bị bãi bỏ”, Rocky How, 27 tuổi, một nhà hoạt động, cho biết.
Vào ngày 25/4, 300 người đã tập trung tại buổi cầu nguyện dưới ánh nến để phản đối việc hành quyết Dharmalingam. Một bản kiến nghị trên trang web change.org, trong đó giúp kêu gọi cho anh được tha mạng, cũng đã thu thập được 100.000 chữ ký.
Ngay cả tỷ phú người Anh Richard Branson cũng vào cuộc, lên tiếng yêu cầu tổng thống Singapore tha mạng cho Dharmalingam trên Twitter.
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Branson gọi vụ hành quyết là “một vết đen” đối với danh tiếng của Singapore.