Hội đồng nghệ thuật do Bảo tàng TP HCM thành lập cùng kết luận 17 bức tranh trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu đều là tranh giả, mạo danh. Nhưng tới ngày 22/7, tất cả tranh đều được trả về cho ông Vũ Xuân Chung – chủ nhân bộ sưu tập.
Phòng triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu. Ảnh: Lucy Nguyễn |
Mới đây, họa sĩ Thành Chương – người liên quan tới một trong 17 tác phẩm tại triển lãm – gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Theo đó, họa sĩ Thành Chương tố cáo tác phẩm Chân dung cô Kim Anh do ông sáng tác đã bị gán tên mới là Trừu tượng và "ký tên" danh họa Tạ Tỵ. Trong đơn, họa sĩ viện dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành "để tố cáo hành vi thể hiện dấu hiệu làm tranh giả và xâm phạm quyền tác giả đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10 - 21/7/2016".
Thành Chương cho rằng, trong vụ lùm xùm tranh giả - tranh thật này, sự việc cụ thể của ông chỉ là một tai nạn, một việc không may mắn. Tất nhiên tranh họa sĩ Tạ Tỵ đắt giá hơn tranh của Thành Chương, nhưng ông chẳng vui vẻ gì khi “con” của mình mang tên người khác. Và sự việc đặt ra vấn đề lớn hơn, đó là nạn tranh giả hoành hành ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Họa sĩ Thành Chương nói: “Với tôi nếu lấy lại tên trên bức tranh, thì việc đó tôi không phải thanh minh thanh nga, với cá nhân tôi thì việc đó đã xong. Nhưng quả thực, liên quan tới việc lớn hơn, tôi thấy mình có trọng trách, tôi sẵn sàng đứng ra để cùng các cơ quan chức năng tìm ra, để những người làm giả không được phép “chuồn” mất”.
Họa sĩ Thành Chương bày tỏ nguyện vọng cần làm sáng tỏ sự việc để giải quyết hiện trạng tranh giả tồn tại nhiều năm qua: “Tôi mong các cơ quan chính quyền, chức năng vào cuộc nghiêm túc, sát sao đúng bài bản. Nếu để vuột mất, chúng ta có tội với lịch sử, với nền mỹ thuật nước nhà”.
Họa sĩ Thành Chương. Ảnh: Việt Hà. |
Họa sĩ Đào Anh Khánh cho rằng, quá trình điều tra sự việc có thể có nhiều yếu tố để từng bước khẳng định trước khi đem ra tòa xử trước pháp luật. Việc Hội đồng Nghệ thuật khẳng định 17 bức trong Những bức tranh trở về từ châu Âu là rởm, đó có thể là một căn cứ để an ninh vào cuộc. Theo Đào Anh Khánh, “việc này nếu không làm ngay, rồi thì một chứng cứ lịch sử sẽ bị xóa”. Bởi vậy ông mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh, mạnh mẽ.
Ông Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cho biết Hội đã nhận được đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương. Đơn đã được đưa sang Ban kiểm tra của Hội đã xử lý. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Chương cũng chia sẻ Hội Mỹ thuật không phải là đơn vị nắm các thông tin triển lãm, không được “mục sở thị” các bức tranh, cũng như không nắm bất cứ bằng chứng nào. Hội Mỹ thuật không có thẩm quyền giải quyết sự việc, Hội chỉ hoan nghênh anh em nghệ sĩ lên tiếng mạnh mẽ, báo chí vào cuộc.
Đại diện Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Cục đã làm công văn chuyển đơn tố cáo của họa sĩ Thành Chương tới các cơ quan chức năng để giải quyết.
- Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan quy định: Điều 18: Với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm của thể phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp khắc phục: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này. Điều 19: Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. - Điều 171a Bộ Luật Hình sự quy định hình phạt đối với hành vi sao chép, phân phối với quy mô thương mại với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 400 triệu đồng tới một tỷ đồng, hoặc phạt tù từ sáu tháng tới ba năm. |