Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triển lãm tranh danh họa tại Bảo tàng Mỹ thuật toàn đồ giả

Không chỉ bức tranh của họa sĩ Thành Chương bị biến thành tranh họa sĩ Tạ Tỵ, 17 tác phẩm trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đều là tranh không chính chủ.

Ngày 10/7, triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM khai mạc. Các tranh trưng bày thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, đều được quảng bá rằng đó là tranh của các danh họa hiện đại Việt Nam như Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái... và các họa sĩ tên tuổi của trường Mỹ thuật Đông Dương.

Triển lãm vừa khai cuộc buổi sáng, thì ngay buổi chiều giới mỹ thuật đã dấy lên những ý kiến trái chiều về độ thật – giả của các tác phẩm. Theo đó, nhiều người cho rằng 15 bức tranh được triển lãm là tranh giả, hai bức còn lại là bức sơn dầu Trừu tượng (của Tạ Tỵ) và Cô gái (Nguyễn Sáng) thì độ thật giả là 50/50.

Sở dĩ có những ý kiến như vậy, bởi các nhà phê bình dựa vào phong cách của các họa sĩ mà đánh giá, thêm nữa, một số bức trong triển lãm hiện đã thuộc sở hữu của những nhà sưu tập trong nước khác, thì làm sao có thể là tranh “trở về từ châu Âu” được.

Thanh Chuong,  tranh gia anh 1
Bức tranh đề "Trừu tượng" (Tạ Tỵ 1952), thật ra là tranh của họa sĩ Thành Chương. 

Họa sĩ Thành Chương sau khi tới Bảo tàng TP HCM khẳng định bức tranh đề Trừu tượng (Tạ Tỵ, 1952) là tranh của ông. Họa sĩ nhớ rõ tác phẩm sáng tác năm 1970 – 1971, vẽ một cô gái vốn là họa sĩ bạn của Thành Chương. Thêm nữa, về mặt nghệ thuật, tác phẩm là tranh lập thể, chứ không phải tranh trừu tượng.

Ngay sau đó, một bức ảnh chụp họa sĩ Tạ Tỵ và những người bạn được đưa ra. Trong ảnh, bức tranh Trừu tượng được treo trên cánh cửa như để minh chứng đó chính là tác phẩm của Tạ Tỵ. Bức ảnh được cho là của ông Jean – Francois Hubert – người bán bộ sưu tập tranh cho ông Vũ Xuân Chung – cung cấp. Nhiều người nghi ngờ đó là bức ảnh đã qua photoshop vụng về.

Gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã cung cấp bức ảnh gốc chụp họa sĩ Tạ Tỵ và những người bạn. Trong ảnh không hề có bức tranh Trừu tượng. Đó là minh chứng cho bức ảnh có chứa tranh Trừu tượng là ngụy tạo.

Trước nghi án tranh thật – tranh giả của triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã thực hiện cuộc họp thẩm định tranh với các nhà phê bình, nghiên cứu, giới chuyên môn mỹ thuật. Chiều tối 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM công bố kết quả thẩm định: 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện (tức tranh giả). Hai bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc).

Trả lời Zing.vn về việc trưng bày tranh giả tại bảo tàng, ông Hứa Thanh Bình, phó giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cho biết: "Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu vừa qua là sự cố đáng tiếc. Trước khi bắt đầu triển lãm, bao giờ bảo tàng cũng kiểm tra tác phẩm nhưng không hiểu sao lần này lại để xảy ra sự cố. Tôi mới đi nước ngoài về nên chưa nắm rõ tình hình".

Về việc xử lý những tác phẩm giả trong triển lãm, ông cho biết thêm: "Bảo tàng đã giữ lại tất cả để giao cho cơ quan quản lý xem xét. Chúng tôi cũng đã làm một văn bản báo cáo Sở Thể thao Văn hóa. Các biện pháp xử lý sẽ do các cơ quan có thẩm quyền quyết định".

Ông Vũ Xuân Chung – chủ nhân bộ sưu tập – cho biết ông mua 17 bức tranh trên từ ông Jean-François Hubert, người xưng là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong. Ông Jean-François Hubert cũng là người đã cấp giấy chứng thực cho 17 bức tranh này.

 



Việt Hà

Bạn có thể quan tâm