Trụ sở cơ quan tình báo Canada với kiến trúc tam giác. Ảnh: CSIS Canada. |
Không mang nhiều tiếng tăm như Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hay cơ quan tình báo Anh (MI5 và MI6), Cơ quan tình báo Canada (CSIS) có trụ sở thiết kế đặc biệt theo cấu trúc tam giác và nằm ở ngoại ô thủ đô Ottawa.
Tuy nhiên, như phóng viên Leyland Cecco của Guardian nhận định, hầu hết người dân nước này không biết trụ sở của CSIS, không phải vì đây là cơ quan hoạt động rất bí mật, mà do người dân hầu như không quan tâm.
“Tôi không có gì giống với Daniel Craig (diễn viên thủ vai James Bond trong các bộ phim điệp viên 007 - PV), và tôi cũng không đến đây trên con Aston Martin. Về hai phương diện trên, tôi cũng thất vọng như các bạn vậy”, Giám đốc CSIS David Vigneault nói vào năm 2018.
Tuy nhiên, những tháng qua, CSIS đã nổi lên trên khắp các mặt báo, sau khi rò rỉ tài liệu tình báo từ cơ quan này nói rằng Trung Quốc có một mạng lưới can thiệp bầu cử ở Canada.
Vụ rò rỉ gây rúng động đất nước
Được biết đến như một cơ quan hiếm khi tiết lộ tin tình báo, vụ rò rỉ lần này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Canada với đồng minh, mà còn dấy lên những tranh luận trong chính trường nước này về những cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào kết quả hai cuộc bầu cử liên bang.
“Một chuyện đùa về tình báo Mỹ là nếu bạn muốn biết họ đang nghĩ gì, hãy chờ 3 ngày và bạn sẽ thấy nó trên New York Times. Tình báo Anh từ lâu đã có chiến lược rò rỉ thông tin. Nhưng ở Canada, việc rò rỉ như vậy rất hạn chế. Chúng tôi chưa từng đối mặt với vấn đề nào như lần này”, Stephanie Carvin, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Carleton, nói.
Canada được cho là đã bị động trước vụ rò rỉ mới nhất. Thủ tướng Justin Trudeau hồi đầu tháng cho biết sẽ bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt để điều tra về cáo buộc này.
Dự phiên điều trần ở quốc hội vào đầu tháng 3, Giám đốc CSIS Vigneault cảnh báo rằng vụ rò rỉ này “rất nghiêm trọng”, khi nó có thể làm lộ các phương pháp điều tra, thậm chí là lộ những nguồn tin.
Giám đốc CSIS David Vigneault ngày 2/3 dự phiên điều trần tại quốc hội về vụ rò rỉ tình báo. Ảnh: Globe and Mail. |
Ông Vigneault từ chối trả lời câu hỏi liệu chính phủ có phớt lờ cảnh báo Trung Quốc can thiệp bầu cử năm 2019 và 2021 hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Trudeau dẫn báo cáo năm 2021 nói rằng không có quốc gia nào can thiệp thành công vào cuộc bầu cử ở Canada, theo Globe and Mail.
Hãng tin Canada cho biết tài liệu rò rỉ tiết lộ Trung Quốc đã dùng thông tin sai lệch nhắm vào đảng Bảo thủ, và chi tiền cho những ứng viên mà nước này ủng hộ.
Giám đốc CSIS cũng từ chối bình luận về các tài liệu cáo buộc Trung Quốc ủng hộ 11 ứng viên trong cuộc bầu cử năm 2019.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã bác bỏ những cáo buộc đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada cố gắng can thiệp bầu cử nước này, nói rằng những cáo buộc là "hoàn toàn sai trái và vô nghĩa".
Nội bộ CSIS rối ren
Hiện vẫn chưa rõ các vụ rò rỉ đến từ những người trong CSIS, hay những quan chức liên bang vốn bất mãn với chính phủ và có quyền truy cập vào những tài liệu của cơ quan này.
“CSIS có lẽ đang hy vọng những rắc rối này biến mất càng sớm càng tốt. Điều này rất tệ với họ”, Jessica Davis, cựu phân tích tình báo tại CSIS, cho biết.
Được thành lập vào năm 1984, CSIS theo dõi các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Canada cả trong và ngoài nước. Cơ quan này không có quyền bắt giam, cũng như thông tin tình báo không thể được dùng làm cơ sở truy tố. Việc xử lý thông tin nhạy cảm của CSIS cũng bị hạn chế hơn nếu so với những cơ quan tình báo của đồng minh.
Vào năm 2017, CSIS đối diện vụ kiện 25 triệu USD, với cáo buộc phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính và phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo. Vụ kiện đã được dàn xếp sau đó.
Biển hiệu bên ngoài trụ sở cơ quan tình báo Canada ở Ottawa. Ảnh: Canadian Press. |
Trong một trường hợp khác, một nhân viên cơ quan này bị cáo buộc bắt nạt, phân biệt đối xử, lạm dụng và đàn áp tôn giáo, và luật sư của anh ta lập luận rằng CSIS đã “hỏng”.
Ngoài ra, cơ quan tình báo Canada gặp khó khi thay đổi phương châm hoạt động. Vào năm 2018, ông Vigneault nói rằng CSIS cần thay đổi ưu tiên từ chống khủng bố sang ngăn chặn can thiệp từ nước ngoài, cho rằng đây mới đang là mối đe dọa lớn nhất đến thịnh vượng và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình thay đổi ưu tiên hoạt động của CSIS bị trì trệ, với việc thiếu những công cụ để đối phó với can thiệp nước ngoài.
Những nhân viên phụ trách nghiên cứu về can thiệp nước ngoài cũng thất vọng khi giới lãnh đạo của cơ quan và các quan chức chính trị không xem đây là vấn đề khẩn cấp.
Người ẩn danh đã rò rỉ tài liệu của CSIS, được mô tả là “quan chức an ninh quốc gia”, nói với tờ Globe and Mail rằng dù sau nhiều năm phân tích và đưa ra mối đe dọa cấp bách về nguy cơ can thiệp nước ngoài, CSIS vẫn chưa có hành động nghiêm túc.
“Tôi cùng những người khác đã nỗ lực nêu lên những lo ngại về mối đe dọa này đến những quan chức hàng đầu chịu trách nhiệm. Đáng tiếc, những người đó đã không làm gì”, người này nói.
Tại cuộc họp quốc hội tháng 3, các nghị sĩ cũng đã chất vấn giám đốc CSIS liệu có những mâu thuẫn giữa cơ quan này và chính phủ đảng Tự do hay không.
“CSIS và các đối tác đang điều tra về nguồn gốc của thông tin rò rỉ. Chúng tôi có những quy trình cho những người không hài lòng về cách xử lý thông tin tình báo”, ông Vigneault nói.
Mọi người đang đưa ra những giả thuyết, nhưng còn nhiều điều công chúng không biết, Dennis Molinaro, giáo sư nghiên cứu pháp lý tại Đại học Công nghệ Ontario, nhận định. "Đáng tiếc phải nói rằng câu trả lời sẽ nằm phía sau những cánh cửa đóng kín. Thế giới tình báo cô lập với bên ngoài là có lý do của nó".
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.