Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vụ phóng tên lửa bất thường của Triều Tiên

Vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên diễn ra hôm 27/3, sau khi Bình Nhưỡng phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận đổ bộ chung Ssangyong giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Trieu Tien phong ten lua anh 1

Triều Tiên ngày 27/3 đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông nước này, tiếp tục phô diễn vũ khí khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sắp đến vùng biển lân cận để tập trận quân sự với Hàn Quốc.

Các tên lửa được bắn từ khu vực nội địa phía tây phía nam thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 7h47 đến 8h sáng 27/3, và bay khoảng 370 km trước khi đáp xuống biển, theo Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS).

“Quân đội của chúng tôi đã phát hiện hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn xung quanh khu vực Junghwa ở tỉnh Bắc Hwanghae”, Guardian dẫn tuyên bố của JCS.

​​"Chúng tôi sẽ theo dõi sát các hoạt động của Triều Tiên và duy trì trạng thái sẵn sàng dựa trên năng lực để đáp trả áp đảo mọi hành động khiêu khích", JCS cho hay, đồng thời nói thêm họ sẽ tiếp tục cuộc tập trận quân sự với Mỹ theo kế hoạch.

Vụ phóng diễn ra khi Hàn Quốc tập trận đổ bộ chung với Mỹ, và vài ngày sau khi hai nước kết thúc cuộc diễn tập phối hợp lớn nhất trong 5 năm.

Cuộc tập trận đổ bộ chung Ssangyong diễn ra từ ngày 23/3 đến 3/4. Đây là cuộc tập trận đổ bộ chung Hàn Quốc - Mỹ có quy mô lớn nhất trong nhiều năm, theo Reuters.

Một ngày trước vụ phóng, tàu sân bay USS Nimitz và nhóm tàu hộ tống đã cập cảng Busan của Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nhóm tàu sân bay Nimitz sẽ tham gia cuộc tập trận với các tàu chiến Hàn Quốc vào ngày 27/3 tại vùng biển quốc tế gần đảo Jeju của Hàn Quốc trước khi đến Busan.

Triều Tiên lâu nay lên án các cuộc tập trận của hai nước này và cho rằng đó là hành động diễn tập chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Trieu Tien phong ten lua anh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái Kim Ju Ae theo dõi cuộc tập trận tên lửa tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA.

Quỹ đạo "bất thường"

Quân đội Nhật Bản cho biết các tên lửa bay theo quỹ đạo "bất thường" và đạt độ cao tối đa 50 km trước khi rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, theo AP.

Nhật Bản trước đây từng sử dụng thuật ngữ này để mô tả một tên lửa nhiên liệu rắn của Triều Tiên - tương tự hệ thống Iskander của Nga - được thiết kế để có thể cơ động ở tầm thấp nhằm tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc tốt hơn. Triều Tiên cũng có một hệ thống tên lửa tầm ngắn khác có đặc điểm tương tự Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 của Mỹ.

Theo Diplomat, nhiên liệu rắn được xem là nhiên liệu khó sản xuất hơn loại nhiên liệu lỏng nhưng có thể mang đến mục tiêu chiến lược quan trọng đối với chương trình tên lửa của Triều Tiên. Tên lửa nhiên liệu rắn có thể đặt trong bệ phóng di động trên đường và linh hoạt sử dụng, phóng với tần suất chính xác cao.

Trong khi các loại nhiên liệu lỏng thường dễ bay hơi và bị ăn mòn, tên lửa sử dụng loại nhiên liệu rắn có thể sử dụng trong thời gian dài.

Trieu Tien phong ten lua anh 3

Cấu trúc cơ bản bên trong tên lửa lỏng và tên lửa rắn. Đồ họa: CFD Flow Engineering.

Theo giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên Kim Dong Yub, tên lửa nhiên liệu rắn ổn định hơn và có thể được phóng mà hầu như không có cảnh báo hay thời gian chuẩn bị.

"So với vũ khí nhiên liệu lỏng, động cơ nhiên liệu rắn không cần bơm thêm nhiên liệu, không cần một địa điểm cụ thể để nạp nhiên liệu sau khi nó được chế tạo", ông cho biết.

"Nó được tối ưu hóa cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vì dễ che giấu và cất giữ hơn. Nó cho phép khởi động nhanh hơn", ông nói.

Vụ phóng mới là vụ thử tên lửa thứ 7 của Triều Tiên trong tháng này. Nó cho thấy căng thẳng gia tăng trong khu vực khi tốc độ các vụ thử vũ khí của Triều Tiên, cùng những cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn Quốc, gia tăng trong chu kỳ “ăn miếng trả miếng”.

Trieu Tien phong ten lua anh 4

Bản tin Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo được chiếu tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 16/3. Ảnh: Reuters.

Chu kỳ "ăn miếng trả miếng"

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Triều Tiên có thể tăng cường hoạt động thử nghiệm với nhiều vụ phóng tên lửa hơn hoặc thậm chí tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ tháng 9/2017.

Quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc các vụ phóng mới nhất là hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa hòa bình khu vực và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời cho biết họ đang hợp tác với Mỹ để phân tích thêm về tên lửa.

Mỹ và Hàn Quốc đã hoàn thành cuộc tập trận mùa xuân lớn nhất trong nhiều năm vào tuần trước, bao gồm mô phỏng máy tính và bắn đạn thật. Tuy nhiên, các đồng minh vẫn tiếp tục huấn luyện thực địa nhằm phô diễn lực lượng chống lại kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng của Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo mới đây, Jang Do Young, phát ngôn viên của hải quân Hàn Quốc, cho biết các cuộc tập trận chung liên quan đến nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz nhằm mục đích tăng cường khả năng hoạt động chung.

Ông cho biết nó cũng tái khẳng định độ tin cậy cam kết Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh của mình trước “mối đe dọa hạt nhân và tên lửa leo thang” của Triều Tiên.

Trong khi đó, hôm 24/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington là diễn tập để “chiếm đóng” Triều Tiên và kêu gọi “biện pháp răn đe chiến tranh mạnh mẽ hơn” bao gồm “năng lực tấn công hạt nhân đa diện, phát triển và có tính công kích hơn”.

Trieu Tien phong ten lua anh 5

Một tên lửa đạn đạo được phóng về vùng biển phía đông Triều Tiên từ khu vực Jangyon ở tỉnh Nam Hwanghae vào ngày 14/3. Ảnh: KCNA.

Uriminjokkiri, trang web tuyên truyền của Triều Tiên, đã bác bỏ lập luận của Mỹ và Hàn Quốc rằng các cuộc tập trận chung về bản chất là phòng thủ.

"Việc đổ bộ có bản chất tấn công hơn là phòng thủ và đó là sự thật mà bất cứ ai cũng biết", theo bài viết trên trang web.

Trong khi đó, một cơ quan tuyên truyền khác của Triều Tiên, Meari, cáo buộc lực lượng "thù địch", bao gồm Mỹ, đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến "ngưỡng nguy hiểm", có thể dẫn đến chiến tranh.

Triều Tiên đã phóng hơn 20 tên lửa đạn đạo và hành trình trong 11 lần phóng vào năm nay.

Tuần trước, Bình Nhưỡng diễn tập kéo dài 3 ngày mô phỏng cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các mục tiêu của Hàn Quốc.

Các cuộc thử nghiệm gần đây của Triều Tiên cũng bao gồm một máy bay không người lái dưới nước, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà Bình Nhưỡng tuyên bố có thể gây ra “cơn sóng thần phóng xạ” phá hủy tàu và cảng hải quân.

Dù vậy, một số nhà phân tích hoài nghi trước những tuyên bố của Triều Tiên về máy bay không người lái, hay liệu thiết bị này có gây ra mối đe dọa lớn mới hay không.

Sau thông báo của Triều Tiên về việc thử vũ khí tấn công hạt nhân dưới nước hôm 24/3, lực lượng không quân của Hàn Quốc đã công bố chi tiết về cuộc tập trận trên không kéo dài 5 ngày với Mỹ.

Lực lượng không quân cho biết cuộc tập trận nhằm xác minh khả năng tấn công chính xác và tái khẳng định độ tin cậy trong chiến lược “ba trục” của Seoul chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên - tấn công phủ đầu nguồn tấn công, đánh chặn tên lửa đang bay tới và vô hiệu hóa lãnh đạo cùng cơ sở quân sự quan trọng của Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.

Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo

Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông nước này ngày 27/3, giữa lúc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ tới vùng biển lân cận để tập trận quân sự.

Mỹ, Trung Quốc, Nga tranh cãi về Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc

Mỹ, Trung Quốc và Nga hôm 20/3 đã tranh cãi trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Minh An

Bạn có thể quan tâm