Ivica Todoric sẽ không còn sống trong lâu đài nguy nga từ thế kỷ 16 nhìn ra thủ đô Croatia, bay trực thăng riêng tới biệt thự sang trọng ven biển hay lướt du thuyền tới biển Adriatic nghỉ dưỡng.
Kẻ trốn nã hàng đầu của Croatia, người được biết đến với tên gọi “Ông Trùm”, đã đầu hàng cảnh sát London trong tháng này. Ông bị cáo buộc quản lý yếu kém chuỗi bán lẻ thực phẩm đa quốc gia và biển thủ hàng triệu USD. Vụ phá sản lớn đến nỗi nó trở thành vấn đề quốc gia của một số nước Đông - Nam Âu.
Khởi nghiệp từ bán hoa
Agrokor, công ty của Todoric, sụp đổ dưới khoản nợ 7 tỷ USD, khoản tiền lớn đến mức nếu bảo lãnh thì chính Croatia sẽ phá sản. Mặt khác, nếu để công ty phá sản thì 60.000 người lao động và hàng nghìn công việc khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông dân khắp khu vực sẽ bị đe dọa. Trong khi đó, chủ nợ chính là các ngân hàng Nga sẵn sàng xâu xé doanh nghiệp này để thu hồi vốn.
Lâu đài thế kỷ 16 nhìn ra thủ đô Zagreb của Croatia, nơi ở của gia đình Ivica Todoric, ngày 16/10. Ảnh: AP. |
“Croatia đang đối mặt cơn sóng thần kinh tế và tài chính vượt xa mức tưởng tượng”, Thủ tướng Andrej Plenkovic tuyên bố trong phiên thảo luận tại nghị viện để giải quyết khủng hoảng của chính phủ.
Câu chuyện của Todoric, doanh nhân 66 tuổi, và Agrokor, doanh nghiệp chiếm 15% GDP của Croatia, đã phơi bày chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự bất minh trong tư hữu hóa ở đất nước Croatia. Cùng với đó là mối liên hệ mật thiết giữa giới chính trị và doanh nhân tại Balkan, khu vực vẫn xoay xở để phục hồi sau sự tan rã của Liên bang Nam Tư cũ vào những năm 1990.
Năm 1976, Todoric cùng cha đã xây dựng một nhà kính để bán hoa khắp Nam Tư cũ khi chính phủ cộng sản bắt đầu cải cách thị trường. Sau thời gian ăn nên làm ra, gia đình họ đã thành lập công ty cổ phần Agrokor vào năm 1989.
Giống như nhiều doanh nhân Croatia có quan hệ tốt với chính giới, Todoric đã tận dụng những năm chiến tranh của thập kỷ 1990 để tham gia quá trình cổ phần hoá quy mô lớn các công ty nhà nước. Họ mua được cổ phần giá rẻ nhờ những giao dịch bất minh và không tuân theo luật lệ.
Croatia thuộc bán đảo Balkan, nằm giáp biển Adriatic. Đồ họa: World Travels. |
Năm 1993, Todoric mua được một số công ty, bao gồm các siêu thị bán lẻ lớn nhất thủ đô, nhờ quan hệ tốt với giới cầm quyền.
“Việc tư hữu hóa vào những năm 90 đã gây ra rất nhiều vấn đề ở Croatia. Rất nhiều nhà máy tốt đã biến mất. Rất nhiều người từ tay trắng giờ lại trở nên giàu có”, Orsat Miljenic, người đứng đầu ủy ban nghị viện, khẳng định.
Agrokor "đã trở thành thế lực lớn hơn chính quốc gia này", Miljenic nói.
Điều hành công ty cùng 2 con trai và con gái, Todoric tiếp tục mở rộng không ngừng, thu mua mọi thứ từ đất nông nghiệp, công ty nước đóng chai, trang trại chế biến thịt cho đến công ty sản xuất kem và các quầy báo.
Agrokor cũng mở rộng ra bên ngoài Croatia với tài sản ở Serbia, Bosnia và các nước khác thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ.
Đòn trí mạng
Theo các nhà phân tích, việc Todoric sốt sắng mở rộng doanh nghiệp đã kích hoạt sự sụp đổ tài chính của Agrokor.
Năm 2014, Todoric mua 53% cổ phần của nhà bán lẻ Slovenia Mercator với giá 550 triệu euro bằng khoản vay lãi suất cao từ ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank.
Các nhà phân tích nói việc mua Mercator là đòn trí mạng đối với tài chính của Agrokor vì tạo ra khoản nợ không bền vững.
Việc Croatia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013 cũng gây tổn hại đến công ty vì các siêu thị của hãng đột ngột phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi bán lẻ lớn của Đức và các nước khác.
Trụ sở công ty sản xuất thực phẩm Agrokor tại Zagreb, Croatia, ngày 22/3. Ảnh: Reuters. |
Chuyên gia tư vấn tài chính Andrej Grubisic nói sự sụp đổ tài chính của Agrokor là “kết hợp của việc mở rộng nhanh, đầu tư quá mức, khả năng sinh lợi thấp và chi phí vay cao, dẫn đến không đủ dòng tiền để trả nợ tín dụng”.
Ngoài ra, nhiều người Croatia lo ngại Điện Kremlin tìm cách tăng cường ảnh hưởng chính trị lên thành viên mới nhất của EU thông qua việc cấp vốn cho Agrokor.
Sberbank là chủ nợ lớn nhất của Agrokor với 1,1 tỷ euro. Một ngân hàng Nga khác là VTB cũng góp phần với khoản vay đáo hạn trị giá khoảng 300 triệu euro. Các chủ nợ lớn khác bao gồm Erste Group và Raiffeisenbank của Áo, UniCredit và Intesa Sanpaolo của Italy.
“Nơi nào có nguồn tiền lớn, nơi đó có chính trị đứng sau”, Miljenic, cựu bộ trưởng tư pháp Croatia, thành viên phe đối lập, nói với AP. “Nếu các ngân hàng do nhà nước sở hữu thì lẽ dĩ nhiên các thế lực chính trị càng có chỗ ở đó”, ông nhận định.
Chính phủ lâm thời Croatia ước tính yêu cầu từ các chủ nợ của Agrokor trị giá khoảng 6,3 tỷ USD nhưng khoản vay của Sberbank đã bị loại trừ do ngân hàng này đã đưa ra yêu cầu bồi thường chống lại các công ty Agrokor tại các nước khác, bao gồm Anh.
Điều này đã gây ra phản ứng tức giận từ Sberbank. Ngân hàng này tuyên bố họ thấy “bất ngờ” trước lập trường của chính phủ Croatia.
"Tất cả các bên, kể cả Sberbank, đều có quyền sử dụng bất kỳ biện pháp pháp lý nào được phép ở Croatia hoặc các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình và không bị phân biệt đối xử vì lý do đó", tuyên bố cho biết. Sberbank cũng nói thêm rằng họ sẽ kháng cáo quyết định trên.
‘Ông Trùm’ vẫn bất khuất
Về mặt pháp lý, Todoric vẫn sở hữu Agrokor nhưng chính phủ sẽ tiếp quản công ty đến mùa hè năm sau để cứu vãn những gì còn sót lại.
Todoric đã chạy sang London sau các cáo buộc biển thủ. Chính quyền Croatia sử dụng các cáo buộc này để tịch thu tài sản riêng của ông nhằm trả nợ cho Agrokor.
Nhà tài phiệt Croatia Ivica Todoric trả lời báo chí bên ngoài Tòa án Westminster ở trung tâm London, ngày 7/11. Ông Ivica Todoric bị bắt tại London vào ngày 7/11 với lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu. Ảnh: AFP/Getty. |
Sau khi có tên trong danh sách truy nã của cảnh sát châu Âu, Todoric viết trên blog rằng lương tâm của ông trong sạch. “Khi các quyền cá nhân bị xâm phạm thô bạo, tôi có quyền phản đối cuộc bức hại chính trị này”, Todoric viết.
Todoric tuyên bố rằng chính phủ đã tiếp quản công ty của ông một cách bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh sẽ chống lại việc dẫn độ từ Anh với lý do ông là nạn nhân của một vụ truy bắt chính trị.
Todoric nói sẽ trình đơn kiện chống lại cái gọi là "Lex-Agrokor" - đạo luật được quốc hội thông qua nhằm cho phép tiếp quản doanh nghiệp của “Ông Trùm”.