Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ MH17 có thể dẫn tới những cuộc chiến pháp lý

Các chuyên gia nhận định việc bồi thường cho gia đình nạn nhân chuyến bay MH17 sẽ là cuộc chiến pháp lý giữa hãng hàng không, công ty bảo hiểm, chính phủ và gia đình nạn nhân.

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), việc bồi thường sẽ phức tạp do các gia đình có thể truy đòi bồi thường từ rất nhiều phía, và họ cần phải chứng minh hung thủ hạ máy bay của Malaysia Airlines (MAS) trong vùng xung đột.

“Quá trình đòi bồi thường của các gia đình có thể kéo dài. Số tiền có thể lên đến hàng trăm triệu USD”, ông Joseph Wheeler, luật sư về hàng không tại công ty luật Shine Lawyers (Brisbane, Australia), nói với WSJ.

Người thân nạn nhân chuyến bay MH17 có thể nhận bồi thường hàng trăm triệu USD. Ảnh: AFP
Người thân nạn nhân chuyến bay MH17 có thể nhận bồi thường hàng trăm triệu USD. Ảnh: Reuters

MAS là bên đầu tiên cấp tiền bồi thường cho các nạn nhân. Mức bồi thường tuân theo Công ước Montreal, một thỏa thuận trong ngành hàng không quốc tế, với trần thanh toán là 170.000 USD/hành khách.

“Malaysia Airlines chịu trách nhiệm trên hợp đồng, vì vé máy bay là hợp đồng bảo đảm hãng sẽ chở hành khách từ điểm A đến điểm B an toàn”, luật sư Mark Dombroff, công ty luật McKenna Long & Aldridge (Mỹ), nói.

Các chuyên gia hàng không nhận định những bên liên quan có thể phải bồi thường cho gia đình nạn nhân bao gồm hãng hàng không, các chính phủ và cơ quan quản lý hàng không của Malaysia và Hà Lan vì họ cho phép phi cơ bay qua vùng xung đột. Chính phủ Ukraina và Nga cũng sẽ gánh trách nhiệm nếu nhà điều tra tìm thấy bằng chứng về sự liên quan cấp nhà nước trong vụ tai nạn.

Lý do phi cơ chở khách vẫn bay qua Ukraina dù bất ổn

Các phi cơ chỉ ngừng bay qua không phận Ukraina sau khi Boeing 777 của Malaysia rơi, vì đây là một trong những tuyến quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới.

Robert Cohn, một luật sư về hàng không tại Mỹ, nhận định việc điều tra nguyên nhân tai nạn của chuyến bay MH17, do trúng tên lửa hoặc tự nổ, sẽ diễn ra rất nhanh chóng. “Vấn đề chính là bạn sẽ kiện bên nào? Bạn định kiện một nhóm phiến quân ư?”, Cohn nói với Reuters.

Chính phủ Ukraina cáo buộc “những phần tử khủng bố” - cách mà Kiev gọi lực lượng nổi dậy đang chiến đấu ở miền đông Ukraine - bắn Boeing 777 của MAS bằng tên lửa đất đối không SA-11 từ thời Liên Xô. Nhà lãnh đạo của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” bác bỏ cáo buộc.

Chính phủ Ukraina và lực lượng nổi dậy cáo buộc trách nhiệm lẫn nhau trong tai nạn của chuyến bay MH17. Ảnh: Reuters
Chính phủ Ukraina và lực lượng nổi dậy cáo buộc lẫn nhau trong tai nạn của chuyến bay MH17. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 4 Cơ quan Quản lý không lưu Mỹ và châu Âu từng cảnh báo các hãng hàng không tránh bay qua bán đảo Crimea và một số vùng ở Ukraina. Tuy nhiên, ông Mark Duell - phó chủ tịch trang theo dõi các chuyến bay FlightAware.com - nói rằng nhiều hãng thường bay ra không phận phía bắc Ukraine, như Lufthansa AG, Air India và Malaysia Airlines. “Dường như không ai tránh Ukraina cả. Tôi không thấy hãng nào bay qua bán đảo Crimea, nhưng họ cũng không né các vùng khác của Ukraina”.

Ukraina lập vùng cấm bay, hàng không các nước đổi lộ trình

Các hãng hàng không lớn ở châu Âu lần lượt tuyên bố thay đổi lộ trình bay để không phải di chuyển qua không phận Ukraina, sau vụ máy bay của Malaysia Airlines rơi ở đông Ukraina.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm