Theo cơ quan quản lý an toàn bay châu Âu (Eurocontrol), chính quyền Ukraina đã thông báo lập vùng cấm bay ở miền đông đất nước. "Eurocontrol sẽ từ chối mọi kế hoạch bay qua không phận này. Lộ trình này tạm thời không thể sử dụng cho đến khi có thông báo mới", Eurocontrol cho biết.
Tại thời điểm tín hiệu cuối cùng của MH17 còn hiển thị trên màn hình radar, độ cao của máy bay lúc này là 10.000 mét.
Hiện trường hoang tàn nơi chuyến bay MH17 rơi ở đông Ukrane. Ảnh: AFP |
Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) vào tháng 4/2014 ban hành lệnh cấm các hãng hàng không nước này bay qua Crimea (nay thuộc Nga) và một số vùng lân cận Biển Đen. Người phát ngôn FAA cho biết lệnh cấm vẫn còn hiệu lực áp dụng.
Ông Frederic Cuvillier, Bộ trưởng Giao thông Pháp, đã chỉ đạo "các hãng hàng không Pháp không bay qua không phận châu Âu khi nguyên nhân tai nạn chưa xác định rõ".
Các hãng hàng không lớn ở châu Âu cũng tuyên bố "né" không phận của Ukraina, bao gồm hãng Air France (Pháp), Transearo và Aeroflot (Nga).
Hãng Lufthansa (Đức) thông báo sẽ không cho phép các máy bay bay qua miền đông Ukraina. Hãng Emrirates Airlines (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE) nói sẽ đình chỉ mọi chuyến bay đến Kiev.
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trước đại sứ quán Hà Lan ở Kiev, Ukraina. Ảnh: AFP |
"Ngay sau sự cố, chúng tôi quyết định sẽ không bay qua không phận Ukraina", người phát ngôn hãng Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Thông báo của hãng British Airways cho biết: "Sự an toàn và an ninh của hành khách là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Kể từ thời điểm này, các chuyến bay của hãng sẽ không sử dụng không phận Ukraina, ngoại trừ chuyến bay từ Heathrow đến Kiev hoạt động một chuyến mỗi ngày. Hiện trường vụ tai nạn cách xa Kiev hàng trăm cây số".