Sang đến đời vua Lý Anh Tông, thì xảy ra vụ lộn xộn trong hậu cung nổi tiếng của Đỗ Anh Vũ. Do nhà vua lên ngôi khi mới 3 tuổi, mẹ họ Lê được tôn làm Cảm Thánh hoàng thái hậu, được giúp vua nghe chính sự.
Đỗ Anh Vũ (là em của Đỗ thái hậu, một người vợ khác của vua Lý Thần Tông) được Lê thái hậu tin dùng, cho làm Cung điện lệnh tri nội ngoại sự, rồi thăng đến Thái úy. Khi có loạn Thân Lợi từ Thái Nguyên vây kinh thành, Đỗ Anh Vũ cầm quân đánh giặc thắng lợi nên Anh Vũ ngày càng có thế lực.
Lúc vua mới lên ngôi còn trẻ thơ, chính sự việc lớn, việc nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ. Biết rõ việc tư thông với mẹ vua là chuyện tày đình, Đỗ Anh Vũ đã khôn ngoan sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do cung tiện Đỗ thái hậu ở sát cung tiện Lê thái hậu, nên nhiều lần theo vợ vào thăm chị, ông có cơ hội tư thông với Lê Thái hậu.
Cảnh ân ái trên diềm một ngôi đình ở Bắc Giang. Ảnh: Đào Đức Minh/Đình làng việt |
Có được sự sủng ái của thái hậu, Đỗ Anh Vũ lại càng kiêu ngạo, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói.
Thấy vậy, tướng như Điện tiền đô Chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ Lương Thượng Cá, Hỏa đầu đô Ngọc Giai Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ vào ngục, nhưng nhờ có sự bao che của Lê Thái hậu, Anh Vũ vẫn thoát được.
Bởi vì Thái hậu sai người mang cơm rượu vào ngục cho Anh Vũ, nhưng lại giấu vàng vào trong đồ đựng món ăn để Anh Vũ đút lót cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu ở đô Tả HưngThánh là Nguyễn Dương muốn giết Anh Vũ, nhưng Đàm Dĩ Mông ngăn lại nên Nguyễn Dương phải tự tử.
Đến khi vua xét án của Anh Vũ cũng chỉ đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tội nhân cày ruộng công ở Cảo Xá, có lẽ ở khu vực Nhật Tảo bên Hồ Tây, Hà Nội ngày nay). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách làm thế nào để phục hồi chức cho Anh Vũ, nhiều lần mở hội lớn để xá tội cho tội nhân, mong Anh Vũ được tham dự vào danh sách xá tội.
Anh Vũ được mấy lần xá tội, Lê Thái hậu lại khuyên vua Anh Tông phục chức cho ông, vua bằng lòng, phục chức Thái úy phụ chính như cũ cho Đỗ Anh Vũ, càng được trọng dụng hơn, do đó, tha hồ báo thù, bắt Vũ Đái giam vào ngục tể trị tội, xin vua giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, những người cùng dự mưu đều bị đem chém hoặc đày đi nơi xa.
Phải đến năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lê thái hậu mới trao lại quyền hành và về ở cung riêng, từ đó, vua Lý Anh Tông chính thức nắm lại mọi quyền vị, dựa vào Tô Hiến Thành và những hiền thần khác để tiến hành thân chính. Nhờ đó, nước Đại Việt mới duy trì được sự hùng mạnh và thịnh vượng kế thừa được từ các thời trước.
Khi chép vào Đại Việt sử ký, Đỗ Anh Vũ bị sử thần Lê Văn Hưu phê phán rất gay gắt: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi là phải. Nay lại đem quân đột nhập cửa Việt Thành, hiếp vua nhỏ tuổi, ép lấy chiếu chỉ. Đến khi bắt được Anh Vũ rồi, lại nhận vàng của thái hậu mà không nghe lời nói của Nguyễn Dương, đến sau rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để họa về sau vậy.
Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng cho rằng “Anh Vũ là kẻ đại ác”, nhưng xét đến những hành vi xáo động cả triều đình của Lê thái hậu, ông bình luận: Thế thì thái hậu không có tội ư? Trả lời rằng: Tội nặng lắm.
Bình luận