Trước khi qua đời vào trưa 5/3, cố nghệ sĩ Vũ Linh được mệnh danh “ông hoàng cải lương”. Ông là tên tuổi lẫy lừng vào những năm của thập niên 1990 với hàng loạt vở diễn thành công như Chiêu Quân cống Hồ, Bức ngôn đồ Đại Việt, Xa phu đi sứ, Bàng Quý Phi, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ hay đặc biệt Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài…
Kính trọng người nghệ sĩ tài hoa, hết mình cống hiến cho nghệ thuật, đông đảo đồng nghiệp và hàng trăm người hâm mộ vượt đường sá xa xôi để đến tiễn đưa Vũ Linh tại tang lễ của ông ở nhà riêng vào đêm 5/3.
Đi diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả
Trong một cuộc trò chuyện với nhiều đồng nghiệp như nghệ sĩ Linh Tâm, Hồng Nhung - được ca sĩ Hồng Phượng đăng tải - Vũ Linh tâm sự vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, ông từng biểu diễn trên sân khấu có 12.000 khán giả.
Nghệ sĩ kể trong một lần diễn ở Đầm Môn (Khánh Hòa), khi tới nơi ông thấy khu vực bên ngoài treo băng rôn có hình ông cùng Thoại Mỹ, Lý Hùng. Tuy nhiên, ông không thấy khán giả nào ngoài bà bán khoai lang, đậu phộng. Khi đó, Vũ Linh định trở về vì không thấy khán giả, tâm trạng thất vọng.
“Tuy nhiên, khi vén màn lên, tôi muốn xỉu vì không thể tưởng tượng được, khán giả lên tới 12.000 người”, nghệ sĩ kể.
Khán giả vượt đường xa, ở lại qua đêm để chờ tiễn đưa nghệ sĩ Vũ Linh. Ảnh: Minh Tuyền. |
Vũ Linh chia sẻ thêm: “Nhân viên hậu đài bảo nếu tôi tới sớm, lúc 6-7h, tôi sẽ thấy cảnh khán giả không khác gì rừng đuốc. Nhiều người từ ngọn đồi bên kia qua. Trời gần tối, họ cầm theo đuốc rầm rầm đi về địa điểm tổ chức sự kiện. Họ thậm chí mang quần áo để thay vì phải đi qua một con suối, nước cao ngang ngực. Sau khi lội qua, họ lấy bộ đồ đó treo lên và thay bằng bộ đồ khô. Đến lúc về, họ mặc lại bộ đồ ướt. Đây là sân khấu tôi không bao giờ quên”.
Theo nghệ sĩ Vũ Linh, năm 1992, giá vé khoảng 10.000-12.000 đồng. Tuy nhiên, những show diễn có Vũ Linh tham gia, giá vé có thể lên 15.000 đồng. Khi đó, đơn vị tổ chức thu tới 99 triệu đồng và lương của Vũ Linh là 15 triệu đồng. Điều đó cho thấy lượng khán giả đến xem đông mức nào.
Ông kể khán giả khi đó tới đông nườm nượp. Mỗi sự kiện có 7.000-8.000, hoặc 11.000 khán giả là rất bình thường. Nghệ sĩ chỉ cách sân khấu vài m cũng khó lòng chen vào được. Nhiều lần, ông thậm chí phải leo hàng rào và thở hùng hục vì quá mệt khi vào được sân khấu.
"Tôi đi diễn liên tục một tuần. Cứ diễn một ngày rồi hôm sau đếm tiền từ trưa đến chiều tối và chuẩn bị diễn tiếp", nghệ sĩ nhớ lại.
Ở thời hoàng kim, cố nghệ sĩ có sức hút khủng khiếp với lượng fan đông đảo ở khắp độ tuổi. Mỗi lần gặp khán giả, ông được vây kín để xin chữ ký. Một lần ký tên, ông được khán giả tặng 5 USD. Ông ký từ 8h tới 16h và được hơn 1.000 USD.
"Họ cứ cầm tiền rồi đẩy vào tay tôi. Nhiều người còn mang cả đồ ăn đến mời tôi rồi bảo nhìn tôi khổ quá. Các cô, các bác cho tới 1.000-2.000 USD. Có lần, tôi được hẳn 28.000 USD. Trong khi đó, lương của tôi khi đi diễn được 42 triệu đồng là cao lắm rồi", cố nghệ sĩ kể.
Mỗi lần đi diễn, ông bán được mấy nghìn đĩa. Điều đó cho thấy tình yêu công chúng dành cho "ông hoàng cải lương".
Quay hàng trăm video, không có thời gian nghỉ ngơi
Ngoài diễn trên sân khấu, Vũ Linh còn quay hàng trăm vở tuồng cổ vào thời điểm băng đĩa được ưa chuộng.
"Tôi không kịp rửa mặt, chỉ húp tạm miếng cháo rồi thoa son và tiếp tục quay tiếp. Có khi tôi ngồi quay từ 7h tới 22h. Tôi quay liên tiếp 7 tuồng, một tuồng quay trong 3 ngày, tổng cộng là 21 ngày. Đến mức 2 thợ may mà không kịp chuẩn bị đồ cho tôi quay", Vũ Linh bày tỏ.
Ông tiếp tục: "Cậu thợ may tên Lộc, may một lúc 40 chiếc sơ mi trong 3 ngày rồi mang thẳng qua Đà Lạt để tôi kịp quay. Tôi phải tranh thủ những lúc ngắn ngủi không có cảnh quay để ngủ. Nhiều khi tôi thèm ngủ đến mức về nhà cái, chỉ kịp lột đôi tất là leo lên giường ngủ luôn".
Khán giả tới tiễn đưa cố nghệ sĩ Vũ Linh vào đêm 5/3. Ảnh: Minh Tuyền. |
Nghệ sĩ kể ông không có thời gian nghỉ ngơi vì bận quay video quá nhiều ở thời vàng son. Theo Vũ Linh, trong quá trình quay, ông ăn rất ít vì sợ bụng to khó mặc đồ. Chỉ khi trở về nhà, ông mới ăn uống đầy đủ hơn.
Nghệ sĩ Vũ Linh có tuổi thơ cơ cực. Lúc 5 tuổi, mẹ ông bán nhà cùng các con tới ở nhờ nhà người quen. Ông nhớ những ngày chỉ ăn cơm chan nước mắm hoặc nước đun sôi. Tới 6 tuổi, ông cùng anh trai đi bán bánh bao ở bệnh viện từ 4h sáng. Có ngày ngủ quên, bán không hết hàng, ông phải ăn bánh bao thay cơm. Sau đó, ông bán thêm nước ngọt, bánh cuốn... Do đó, ông trân trọng những ngày thành công và được khán giả yêu mến.
Nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời ngày 5/3 sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh. Ông mất tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, hưởng thọ 65 tuổi. Lễ nhập quan diễn ra vào 3h ngày 6/3, động quan vào 11h ngày 9/3.
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.