Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ kiện pháp lý của Google giữa bình minh kỷ nguyên xuất bản số

Người dùng hiện rất quen thuộc với nhiều tác phẩm số hóa, đặc biệt là các đoạn trích xuất hiện khi sử dụng công cụ Google. Nhưng nhiều năm trước, đây là vấn đề gây tranh cãi lớn.

Các dự án số hóa sách của Google vấp phải nhiều phản đối. Ảnh: The Bronx.

Cho tới nay, sự ra đời của thị trường sách điện tử hiện đại giống như một chuyến tàu chạy chậm. Tầm nhìn về một thị trường sách kỹ thuật số chính thống đã bắt đầu sinh sôi nảy nở vào những năm 1980 và vào cuối những năm 1990, khi một số dự án số hóa sách đã dần xuất hiện như Palm, Everybook, SoftBook, Voyager và NetLibrary. Tới đầu những năm 2000, dự án Rocket eBook Reader đã thu hút được nhiều sự chú ý trong khi dự án Gutenberg tập trung vào việc số hóa các ấn bản in miễn phí lên mạng Internet.

Tuy nhiên, trong khi đã có nhiều người nói đến số hóa và sách điện tử thì sự quan tâm của công chúng đối với loại hình mới này vào đầu những năm 2000 là chưa thực sự nhiều. Tất cả đã thay đổi khi ba ông lớn của ngành công nghệ thế giới - Google, Amazon và Apple - chuyển hướng sang sách điện tử và thành công đưa sách vào thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, con đường này cũng dẫn đến một số cuộc chiến pháp lý gây tranh cãi nhất trong lịch sử xuất bản và góp phần vào con đường quanh co của ngành xuất bản đến với thế giới kỹ thuật số.

Kế hoạch quét và lập chỉ mục sách trực tuyến đầy tham vọng

Tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2004, một công ty công nghệ trẻ đã gây được sự chú ý. Google hiện diện tại sự kiện này để công bố Google Print, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm hợp tác với các nhà xuất bản để số hóa sách in và lập chỉ mục cho những tác phẩm này. Sau khi nhận được phản ứng lạnh lùng từ các nhà xuất bản, chỉ hai tháng sau, vào tháng 12/2004, Google công bố một kế hoạch khác: Thư viện Google, một chương trình quét và lập chỉ mục trực tuyến hàng triệu cuốn sách không còn xuất bản và giới thiệu các đoạn trích ngắn khi người dùng thực hiện các tìm kiếm liên quan. Toàn bộ quá trình này không cần xin phép chủ sở hữu bản quyền.

Về phía Google, mầm mống của kế hoạch này đã âm thầm xuất hiện vào năm 2002, từ một dự án cá nhân của nhà đồng sáng lập Larry Page. Page hiểu rằng hàng thế kỷ lịch sử nhân loại đã bị khóa chặt trong những cuốn sách in cũ kỹ trên kệ thư viện. Và ông nhận ra tầm quan trọng của thời điểm trong lịch sử văn hóa thế giới: Nếu hàng trăm triệu cuốn sách không nhanh chóng được đưa lên mạng thì chúng có nguy cơ bị lu mờ trước sự phát triển theo cấp số nhân của các nguồn tin trực tuyến mới và sau đó sẽ biến mất vĩnh viễn.

Ban lãnh đạo của Google cũng hiểu rằng ngành xuất bản không có khả năng giải quyết vấn đề. Vốn đã ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất, các nhà xuất bản không có động lực để số hóa những cuốn sách không khả thi về mặt thương mại. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các nhà xuất bản thậm chí còn không có bản sao của nhiều tác phẩm đã ngừng xuất bản từ lâu, đồng thời việc thay đổi luật bản quyền cùng nhiều thập kỷ sáp nhập và mua lại các đơn vị xuất bản có nghĩa là quyền sở hữu đối với hàng triệu cuốn sách cũng không rõ ràng và trong nhiều trường hợp là không thể truy vết được nguồn gốc.

Với công nghệ và tài nguyên của mình, Google đã nhanh chóng hành động và tìm được nhiều đối tác đồng hành, trong đó có Đại học Michigan, trường cũ của Lary Page. Tại một cuộc họp hợp tác đầu tiên, Chủ tịch Đại học Michigan Mary Sue Coleman đã nói với Page rằng các thư viện sẽ mất 1.000 năm để số hóa các bộ sưu tập của họ với tốc độ hiện tại. Và Page trả lời rằng Google có thể làm điều đó trong sáu giờ.

sach dien tu anh 1

Vụ kiện tụng liên quan đến Google Library đã kéo dài nhiều năm. Ảnh: The New Yorker.

Vòng xoáy kiện tụng đầy căng thẳng

Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản và nhóm tác giả đã lo lắng về kế hoạch này. Họ cho rằng Google không thể sao chép kho tác phẩm có bản quyền và thu lợi nhuận từ chúng mà không xin phép. Các tác giả và nhà xuất bản tin rằng họ xứng đáng nhận được một phần giá trị mà dự án này tạo ra.

Tình hình leo thang vào tháng 9/2005, Hiệp hội Tác giả Mỹ đã đệ đơn kiện Google vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Vài tuần sau, vào tháng 10 cùng năm, một nhóm các nhà xuất bản, được Hiệp hội các Nhà xuất bản Mỹ (AAP) bảo trợ, cũng nộp đơn kiện.

Pat Schroeder, Chủ tịch AAP lúc bấy giờ cho biết: “Các tác giả và nhà xuất bản biết công cụ tìm kiếm của Google rất hữu ích nhưng điểm mấu chốt là Google đang tìm cách kiếm lời hàng triệu USD bằng cách ăn bám tài năng và tài sản của các tác giả và nhà xuất bản”. Cố vấn của Google David Drummond đã phản hồi bằng cách khẳng định chương trình này là hợp pháp và có lợi.

Trong 3 năm tiếp theo, khi bánh xe công lý quay chậm lại, Google đã hành động nhanh chóng, mở rộng mạng lưới đối tác và số hóa hàng triệu cuốn sách từ các thư viện. Sau đó, vào tháng 10/2008, đại diện của ngành xuất bản Mỹ, Hiệp hội tác giả Authors Guild và Google đã công bố một thỏa thuận bất ngờ.

Các bên đã đưa ra một thỏa thuận trị giá 125 triệu USD bồi thường cho một số chủ sở hữu bản quyền, thành lập Cơ quan đăng ký bản quyền sách để theo dõi quyền bản quyền trên môi trường số và đưa thư viện số toàn cầu của Google trở thành một nền tảng cơ sở dữ liệu cần đăng ký để truy cập và thậm chí là một hiệu sách điện tử.

Tuy nhiên, thỏa thuận đầy tham vọng này đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ một loạt bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan quản lý của Mỹ. Tại phiên điều trần cuối cùng vào tháng 2/2010, Công tố viên William Cavanaugh đã thúc giục Thẩm phán Denny Chin bác bỏ thỏa thuận này. Khoảng 13 tháng sau, vào ngày 22/3/2011, Thẩm phán Chin bác bỏ thỏa thuận này.

Sáu tháng sau, Authors Guild lại có động thái mới, đệ đơn kiện vi phạm bản quyền thứ hai của riêng mình vào tháng 9 năm 2011 nhằm vào HathiTrust - liên minh các thư viện học thuật - đối tác của Google. Tuy nhiên, trong một phán quyết vắn tắt và rõ ràng, thẩm phán liên bang Harold Baer cho rằng chương trình hợp tác của HathiTrust với Google là hợp pháp, thậm chí còn ca ngợi chương trình này là “đóng góp vô giá cho sự tiến bộ của khoa học và phát triển nghệ thuật”.

Trước tình hình này, các nhà xuất bản đã tìm cách đạt được thỏa thuận với Google từ bỏ vụ kiện của họ chỉ vài ngày sau đó. Mặc dù các chi tiết của thỏa thuận đó chưa bao giờ được tiết lộ công khai đầy đủ, nhưng Tom Allen, Giám đốc điều hành AAP khi đó đã thừa nhận một thực tế mới. Ông nói với Publishers Weekly (PW) trong một cuộc phỏng vấn: “Về cơ bản, vụ việc đã được đệ trình từ cách đây 7 năm và thế giới đã thay đổi rất nhiều”.

Tuy nhiên, Authors Guild tuyên bố sẽ tiếp tục vụ kiện của mình. Khoảng 13 tháng sau, vào ngày 13 tháng 11 năm 2013, thẩm phán Chin cũng nhận thấy tính năng quét của Google là hợp lý và ủng hộ chương trình của Google. Và phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ vào ngày 18 tháng 4 năm 2016 là từ chối kháng cáo của Authors Guild đã chính thức kết thúc vụ kiện tụng sau khoảng 11 năm.

James Grimmelmann, luật sư và phóng viên đặc biệt của Publishers Weekly, đã kết luận trong một bài báo Publishers Weekly tháng 5 năm 2016 về hành trình pháp lý kéo dài này: “Cuộc tranh cãi từng làm rung chuyển thế giới xuất bản, cuối cùng lại trở thành yếu tố gây xao lãng quá trình kiến tạo thực sự của ngành xuất bản kỹ thuật số”.

Số hóa tác phẩm đoạt giải 'Sách phi hư cấu Đức' thành NFT

NFT còn tương đối mới với các nhà xuất bản. Tạo NFT cho tác phẩm đoạt giải là bước đi thử nghiệm, sử dụng công nghệ blockchain trong ngành sách và văn học.

Cuộc cách mạng xuất bản của 10 cuốn sách giá rẻ, sặc sỡ

Những cuốn sách bìa mềm đầu tiên của Penguin đã thay đổi văn hóa đọc thế kỷ 20. Việc in số lượng lớn giúp sách trở nên dễ mua, đem văn học đến với nhiều độc giả hơn.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm