Toà phúc thẩm liên bang khu vực 9 (ở San Francisco, Mỹ) chiều 7/2 đã nghe phiên tranh luận đầu tiên để quyết định có khôi phục lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump hay không.
Ba thẩm phán liên bang nghe tranh luận gồm Michelle Friedland, chủ trì, William Canby và Richard Clifton. Họ lần lượt do các cựu tổng thống Barack Obama, Jimmy Carter và George W. Bush bổ nhiệm.
Các bang có cơ sở pháp lý để kiện
Câu hỏi trung tâm trong buổi điều trần là thẩm phán liên bang James Robart, ở Seattle, bang Washington, có lạm quyền hạn hay không khi ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh di trú mới.
Theo Washington Post, các thẩm phán dường như đang nghiêng về phía bên nguyên, tức các bang kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump. Họ cho rằng các bang có cơ sở pháp lý để thách thức mệnh lệnh này.
Ba thẩm phán liên bang nghe tranh luận gồm: (từ trái sang): Richard Clifton., William Canby và Michelle Friedland, chủ trì. Ảnh: AP. |
Luật sư của Bộ Tư pháp August Flentje, người đại diện cho chính quyền Tổng thống Trump, tranh luận đầu tiên. Ông mô tả lệnh cấm chỉ là "tạm thời dừng" nhập cảnh đối với người đến từ những nước "tạo ra mối đe dọa đặc biệt". Tổng thống có quyền tạm đình chỉ nhập cảnh vì lợi ích an ninh quốc gia. "Điều tổng thống đã làm rõ ràng hợp hiến".
Các thẩm phán tỏ ra nghi ngờ lập luận của Flentje. "Chính phủ đã chỉ ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các nước này kết nối với khủng bố chưa?", nữ thẩm phán Friedland, người do Tổng thống Obama chỉ định, đặt câu hỏi.
Flentje nói chính phủ lẽ ra đã trình bằng chứng ra trước tòa nếu không do thời gian quá gấp gáp. Thẩm phán Friedland đáp lại rằng chính phủ có thể đã nộp đơn kháng cáo một cách hấp tấp.
Trong khi đó, thẩm phán Clifton mô tả lập luận từ phía chính quyền là "trừu tượng", lưu ý rằng đã có quy trình sàng lọc cá nhân để cấp thị thực.
Lệnh cấm có thể bị tòa chặn nếu vi hiến
Đại diện chính quyền Trump nhấn mạnh phán quyết của thẩm phán liên bang Robart ở Washington là "quá rộng", cấp quyền cho cả những người "chưa từng đến Mỹ". Ông đề nghị tòa "lập tức dừng thi hành" phần phán quyết liên quan đến người ở ngoài Mỹ và kết thúc phần tranh luận.
Về phía bên nguyên, Noah Purcell, đại diện cho hai bang Washington và Minnesota, đề nghị tòa bác kiến nghị từ Bộ Tư pháp. Ông nêu ra những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm như "gia đình bị ly tán, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế".
Homa Homaei, một công dân Mỹ gốc Iran, trong vòng tay luật sư của bà tại sân bay quốc tế Los Angeles ở bang California. Gia đình người Iran của Homaei bị ảnh hưởng bởi luật cấm của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
"Nó (sắc lệnh mới về di trú) ảnh hưởng đến tất cả mọi người", Purcell nói. Ông ước tính có hàng nghìn người tại Washington bị sắc lệnh ảnh hưởng.
Purcell cho rằng phán quyết hoãn cấm nhập cảnh không "quá rộng", còn lệnh cấm nhập cảnh là "phân biệt đối xử".
Thẩm phán Clifton muốn bên nguyên nói rõ hơn về "phân biệt đối xử" bởi 7 nước bị hạn chế chỉ là một phần nhỏ trong thế giới người Hồi giáo. Purcell lập luận rằng các bang không cần phải chứng minh lệnh cấm tác động đến tất cả người Hồi giáo. Thay vào đó, tòa nên xem xét động cơ đằng sau sắc lệnh chính là phân biệt đối xử nhằm vào cộng đồng này.
Thẩm phán Friedland nói nếu sắc lệnh của ông Trump vi phạm quy định của Hiến pháp về cấm phân biệt tôn giáo, tòa hoàn toàn có thể ngăn chặn lệnh này.
Sau khi phiên tranh luận kết thúc, bà Friedland thông báo tòa sẽ có phán quyết sớm nhất có thể nhưng không nêu rõ thời điểm. Trước đó, phát ngôn viên Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 cho biết 3 thẩm phán sẽ không ra phán quyết trong ngày. Phán quyết có thể được đưa ra trong tuần này.
Cuối ngày 7/2 (sáng 8/2 theo giờ Hà Nội), phiên điều trần đầu tiên về sắc lệnh di trú bắt đầu diễn ra tại tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ ở San Francisco.
Cuộc tranh luận diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ, được tiến hành qua điện thoại và phát trực tiếp trên trang web của tòa. Đây có thể coi là phiên tòa quan trọng quyết định liệu sắc lệnh sẽ được khôi phục, bị đóng băng hay tiếp tục phải cần đến sự can thiệp của Tòa án tối cao.