Thành phố Vũ Hán ở trung tâm Trung Quốc cũng như các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang ở phía đông hôm 17/7 đã ban hành cảnh báo đỏ - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 màu, khi mưa lớn tiếp tục làm nước dâng tại các sông, hồ, theo Reuters.
Vũ Hán, đô thị 11 triệu dân nằm bên bờ sông Trường Giang, nơi virus corona mới xuất hiện vào cuối năm ngoái, cảnh báo người dân nên đề phòng trong lúc mực nước nhanh chóng đạt đến mức an toàn tối đa được đảm bảo.
Lũ lụt ở Vũ Hán hôm 13/7. Ảnh: AFP. |
Mực nước tại đập Tam Hiệp khổng lồ, nơi đang giữ nhiều nước hơn để giảm thiểu rủi ro lũ lụt ở hạ lưu, đang cao hơn 10 mét so với mức cảnh báo, với lưu lượng đổ vào hiện tại là hơn 50.000 m3/giây.
Mực nước tại hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Trung Quốc, đang cao hơn 2,5 mét so với mức cảnh báo. Hồ đã mở rộng thêm hơn 2.000 km2 trong mùa lũ và nhiều khu vực phần xung quanh đã bị ngập lụt.
Xa hơn về phía đông, Thái Hồ gần Thượng Hải cũng đã ban bố cảnh báo đỏ sau khi mực nước dâng lên cao hơn gần một mét so với mức an toàn.
Mùa mưa hè mang đến lũ lụt cho Trung Quốc hầu như hàng năm, nhưng tác động của sự gián đoạn mà nó gây ra đang được cảm nhận rõ hơn khi hàng hóa Trung Quốc trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng các mặt hàng như thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE).
Lũ lụt tiếp tục nghiêm trọng ở Vũ Hán. Ảnh: Xinhua. |
"Nói về việc đưa PPE vào Mỹ thì chuyện này (lũ lụt) đang tạo thêm rào cản lớn nữa - đây là thời điểm tồi tệ nhất để mọi chuyện xảy ra nhưng đó là những gì chúng tôi đang giải quyết ngay lúc này", Michael Einhorn, Chủ tịch của Dealmed, nhà phân phối thiết bị y tế của Mỹ, cho biết.
Công ty của ông nhập áo khoác phòng thí nghiệm loại dùng một lần và các sản phẩm khác từ Vũ Hán và các khu vực lân cận.
"Chúng tôi không thể lấy được sản phẩm trong hơn một tuần này, một khoảng thời gian rất dài trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi", ông nói, cho biết sự chậm trễ có thể kéo dài thêm hai hoặc ba tuần nữa.
Các nhà phân tích cho rằng hoạt động kinh tế tại các khu vực của Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng và nhu cầu đối với thép và xi măng, tiếp tục chịu tổn thương do lũ lụt. Nền kinh tế có thể mất đà sau khi tăng trưởng trở lại mạnh hơn dự kiến trong quý 2 từ cuộc khủng hoảng virus corona.
"Chúng tôi ước tính lũ lụt ở khu vực sông Trường Giang có thể khiến tăng trưởng GDP trong quý 3 giảm 0,4 đến 0,8 điểm phần trăm", các nhà phân tích của Morgan Stanley cho hay.