Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ giải thoát đại tướng bằng cách lập kế 'tìm hạt châu chìm'

Trong chiến tranh thời phong kiến, nhiều đại tướng bị đối phương bắt giữ, nhưng bị bắt mà được lên kế hoạch giải cứu như vị Tấn quận công là trường hợp hiếm có.

Tấn quận công tên thật là Nguyễn Cảnh Hoan, là con thứ hai của Bình Dương hầu Nguyễn Huy. Hai cha con ông đều theo tướng Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông lên ngôi (1533), dấy cuộc trung hưng của nhà Lê tại vùng miền núi Thanh Hóa để đối địch với nhà Mạc ở phía bắc.

Tướng thắng 50 trận bị bắt

Theo cuốn tiểu thuyết chương hồi Hoan Châu ký - Thiên nam liệt truyện của Nguyễn Cảnh Thị (NXB Thế giới, 2018), thì sau khi Thái sư Trịnh Kiểm thay cha vợ là Nguyễn Kim phò vua Lê, thấy Tấn quận công lập nhiều chiến công, mưu trí dũng lược, đánh đâu được đấy, nên đã cho đổi sang họ Trịnh, đặt tên là Trịnh Mô, làm thần tử thân thuộc.

Năm 1555, có tướng Mạc là Thọ quốc công tiến quân vào huyện Vĩnh Phúc (thuộc phủ Thiệu Thiên, Thanh Hóa), Thái sư Trịnh Kiểm tự mình đôn đốc tướng lĩnh mang quân đi đánh, Tấn quận công Trịnh Mô bắt sống được tướng Mạc đem nộp trước cửa quân.

Năm 1570, Trịnh Kiểm qua đời, nhà Mạc nghe tin sai Khiêm vương Mạc Kính Điển đem hết binh mã ở kinh thành vào đánh Thanh Hóa. Thế trận diễn ra quyết liệt suốt mấy năm khắp ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, đến tháng 8 năm 1576, thì đại tướng nhà Mạc là Thạch quận công Nguyễn Quyện dùng kế nội gián phá được quân của Tấn quận công ở xứ Bông Đồn, Độc Hiệu, huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa), khiến voi của ông bị sa lầy.

Trịnh Mô mới than thở rằng: “Mô này từ hồi mười sáu tuổi theo vua Lê chúa Trịnh, trong vòng hòn đạn mũi tên, cùng giặc đọ thấp cao cả thảy hơn năm mươi trận, chưa từng bị thua bao giờ. Không dè hôm nay trúng kế tên phản bội ngấm ngầm thông đồng cùng giặc, làm cho ta khốn quẫn như thế này. Thôi thì cũng là tại ta chuốc lấy, dám đổ lỗi cho trời hay sao”.

Nói rồi ông xuống voi, con trai của Lâm quận công bèn đưa ông đến chỗ quân Mạc. Sau trận này, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi rằng: “Từ đấy, oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, trở thành viên danh tướng của họ Mạc. Các tướng hùng, tôi giỏi cả miền Giang Đông (tức vùng đất nhà Mạc cai trị) đều cho là không bằng Nguyễn Quyện”.

Dù bị giam giữ, nhưng quân Mạc vẫn cho các gia nô của Tấn quận công vào thăm. Ông bèn cầm bút viết hai bài thơ tuyệt mệnh và giao quyển Dược tính cho họ đem về quê quán, lại dặn dò các con hết lòng phò giúp vua Lê, chúa Trịnh.

Các con Tấn quận công cùng các tướng sĩ nghe tin, hết sức kinh ngạc, tụ tập nhau lại định đuổi theo quân Mạc để cướp Tấn quận công về. Tuy nhiên khi đuổi đến vùng biển Ngọc Sơn, thì nhân dân đều bảo rằng thuyền quân Mạc đã rút về Thăng Long rồi.

Lập kế “tìm hạt châu chìm”

Các con Tấn quận công đến kêu với chúa Trịnh Tùng, chúa than rằng: “Ta thật mất đi một danh tướng. Đây không chỉ là bất hạnh của Tấn lão, mà còn là một bất hạnh của Tùng này”, nói xong, nước mắt đầm đìa, trong lòng buồn bực, suốt hai ngày liền không thiết gì đến cơm nước.

Chúa Trịnh thương tiếc Trịnh Mô, muốn dùng kế “tìm hạt châu chìm”, bèn gọi một số lái buôn người Nghệ An tới hành dinh, bảo: “Ta nhớ Tấn quận công ngày đêm không lúc nào nguôi. Muốn nhờ các ngươi đem vài trăm lạng vàng cùng vài chục chiếc thuyền vượt biển, theo đường thủy tới thành Thăng Long, giả làm người buôn bán, tìm tới chỗ Thạch quận công bí mật đưa số vàng đó để chuộc tính mạng của ông. Nếu may mà đưa ông về được, thì công lao của các ngươi thật không nhỏ”.

Nhà Mạc bắt được Tấn quận công, muốn tìm cách lôi kéo, hậu đãi kiểu Tào Tháo đãi Quan Vân Trường, nhưng bị ông khước từ, liền giam lại một chỗ, không cho đi lại và canh gác cẩn mật.

Các lái buôn Nghệ An ra đến Thăng Long, tìm cách đút lót cho vợ Nguyễn Quyện là Quận chúa họ Mạc. Quận chúa ham vàng, có nói với chồng, nhưng Nguyễn Quyện cười mà rằng: “Cho rồng xuống biển, thả hổ về rừng, đó là điềm nước nhà nghiêng đổ. Nàng là người sinh trưởng trong tông thất, lá ngọc cành vàng mà còn đi nghe những lời như thế. Từ xưa những người nghe lời đàn bà ít khi không hỏng việc!”.

Bọn lái buôn nghe tin, bèn trở về. Sử sách xưa còn ghi lại cuộc đối đáp giữa Nguyễn Quyện và Trịnh Mô, với đôi câu đối hai người chiết tự tên nhau rất độc đáo, trong đó Nguyễn Quyện nói "Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt sẽ thành tro dưới mồ thôi", thì Trịnh Mô đáp "Quyện là người của sách, vì quay lưng lại với sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù". Sau đó, biết không mua chuộc được Trịnh Mô, nên nhà Mạc đem giết. Lúc đó Trịnh Mô 57 tuổi.

Sách Thiên nam liệt truyện viết rằng Thạch quận công Nguyễn Quyện thương tiếc một bậc anh hùng, khen tặng rằng: “Trung nghĩa, cương liệt, đời hiếm hoi, sau ắt sẽ thành thần lớn”, rồi sai sắm quan tài khâm liệm, xin vua Mạc cho đưa thi hài về táng ở Hoan Châu. Vua Mạc đồng ý, Thạch quận công liền gọi đám lái buôn Hoan Châu dùng thuyền đưa quan tài Tấn quận công về quê ở huyện Thanh Chương chôn cất.

Nguyen Canh Hoan,  Trinh Mo,  Nguyen Quyen,  Tan quoc cong,  vua Le chua Trinh anh 1
Rược kiệu tại Lễ hội đền thờ Tấn quốc công. Ảnh: Unescovietnam.

Tiết chế Trịnh Tùng nghe tin, gia phong ông làm Hiệp mưu Dương võ uy dũng Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Binh bộ thượng thư, tước Tấn quốc công, ban tên thụy là Hùng Nghị, sai quân mang sắc phong đến làm lễ phong tặng.

Lúc đó, vua Lê Thế Tông tuy còn ít tuổi, nhưng nghe lời bề tôi, cũng nghỉ chầu ba ngày để bày tỏ thương xót, sai quan đem vàng, bạc và đồ lễ đến tận nhà ông phúng viếng. Đến năm 1602, sau khi đã đánh thắng nhà Mạc, Triết vương Trịnh Tùng lại xin vua phong thêm cho Tấn quốc công là Hùng nghị Khuông tế trạch dân đại vương, và cho lập đền ở thôn Châu Ngọc, xã Đồng Luân (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương).

Về sau, đền thờ ông lại được xây dựng ở xã Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm