Sau khi ông Joe Biden được các hãng thông tấn tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump tiến hành loạt vụ kiện để đòi bác bỏ kết quả. Thời gian từ nay đến ngày nhậm chức (20/1/2021) có thể là giai đoạn chuyển tiếp kịch tính nhất lịch sử Mỹ kể từ giai đoạn Hoover - Roosevelt.
Màn so găng Herbert Hoover và Franklin D. Roosevelt
Năm 1932, cử tri Mỹ được chứng kiến màn so găng giữa Tổng thống Herbert Hoover và đối thủ tranh cử Franklin D. Roosevelt. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, làm suy giảm uy tín của ông Hoover.
Trong suốt quá trình tranh cử, hai ứng viên tổng thống đều không ngần ngại công kích đối thủ. Nếu ông Hoover gọi ông Roosevelt là “tắc kè hoa” thì ông Roosevelt cũng chỉ trích người tiền nhiệm là “gà trống béo nhút nhát”.
Tổng thổng Mỹ Herbert Hoover. Ảnh: AP. |
Theo nhiều chuyên gia sử học chính trị, ông Hoover và ông Roosevelt không tin tưởng nhau. Sau khi đắc cử, ông Roosevelt nhiều lần từ chối lời đề nghị hợp tác của ông Hoover vì muốn xây dựng một chính quyền mới hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm.
Do ảnh hưởng của thời kỳ Đại suy thoái, lễ nhậm chức của ông Franklin D. Roosevelt được tổ chức vào ngày 4/3/1933, tức 4 tháng sau ngày bầu cử.
Ông Eric Rauchway, tác giả cuốn Cuộc chiến mùa đông: Hoover, Roosevelt và những cuộc đụng độ về Thỏa thuận Mới, từng cho biết Tổng thống Hoover “cố thuyết phục ông Roosevelt từ bỏ Thoả thuận Mới, đồng thời chỉ trích ý tưởng này có thể dẫn đến thảm họa”.
Ông Roosevelt, người hứa hẹn với cử tri rằng Thoả thuận Mới sẽ đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại, thẳng thừng bác bỏ chương trình nghị sự của Tổng thống Herbert Hoover. “Đây không phải là ý của tôi”, ông Roosevelt chia sẻ với báo giới.
Giống như phản ứng của Tổng thống Trump hiện nay, Tổng thống Hoover lúc này cũng khẳng định ông đã phục hồi kinh tế. Song tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ đã tăng trên mức 20% trong khi nhiều ngân hàng nằm trên bờ vực phá sản.
Cuộc chuyển giao quyền lực gây tranh cãi
Ngày 22/11/1932 đánh dấu cuộc gặp đầu tiên của ông Hoover và ông Roosevelt sau ngày bầu cử. Tại Nhà Trắng, Tổng thống đương nhiệm Hoover bất ngờ khi nhận ra đối thủ tranh cử bị bại liệt nặng ở phần thân dưới.
Ông Hoover, 58 tuổi, bắt đầu cuộc họp bằng một tiếng đồng hồ “lên lớp” người kế nhiệm về các vấn đề kinh tế quốc tế. Tổng thống đắc cử Roosevelt, 50 tuổi, gật đầu thân thiện và đồng tình với kế hoạch thành lập một ủy ban nợ nước ngoài. Sau buổi gặp mặt, ông Hoover nói với một cố vấn thân cận rằng ông vừa “giáo dục một thanh niên ít kinh nghiệm nhưng có thiện chí”.
Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Ảnh: AP. |
Chỉ sau một ngày, ông Hoover phải thất vọng khi ông Roosevelt bác bỏ kế hoạch đã được nêu ra. Ông Roosevelt tuyên bố ông Hoover nên tự tiến hành công việc nếu ông ấy muốn. Danh hài nổi tiếng Will Rogers bình luận: “Đấy là vấn đề của ông và ông được phép xử lý nó cho đến ngày 4/3 (ngày nhậm chức)”.
Trong những ngày cuối năm 1932, ông Hoover thử sức thêm một lần nữa thông qua các bức điện thư. Trong đó, ông thúc giục tổng thống đắc cử nên gửi một phái đoàn đến tham dự Hội nghị Kinh tế Thế giới ở London, Anh. Khi ông Roosevelt tiếp tục từ chối hợp tác, ông Hoover từ bỏ ý định và công khai các bức điện tín cho giới truyền thông.
Lúc này, Nhà Trắng tuyên bố "ông Roosevelt không muốn tham gia những nỗ lực chung về kinh tế" trong khi ông Roosevelt nói rằng "thật đáng tiếc" khi ông Hoover hiểu lầm sự việc. Nhà báo Arthur Krock của tờ New York Times bình luận hai ông “sinh ra để không hiểu ý nhau và không thể đi chung đường”.
Để tỏ thái độ hợp tác, ông Roosevelt đã gọi điện cho ông Hoover vào tháng 1/1933 để sắp xếp một cuộc gặp khác. Tổng thống đương nhiệm khá cảnh giác và nói với các phụ tá: “Tôi cho rằng ông ấy (Roosevelt) sẽ nói với báo giới rằng chính tôi mời ông ấy đến đây”.
Sau cuộc gặp đó, cả hai đạt được thỏa thuận hiếm hoi với Anh về các khoản nợ thời chiến.
Giai đoạn chuyển giao quyền lực trở nên kịch tính hơn vào ngày 15/2/1933, khi ông Franklin Roosevelt bị ám sát hụt tại thành phố Miami. Trong sự kiện này, người ngồi cạnh ông Roosevelt trên chiếc xe mui trần là Thị trưởng Chicago Anton Cermak. Ông Cermark trúng đạn và tử vong vài tuần sau đó.
Trong khoảng thời gian còn lại cho đến ngày nhậm chức, mối quan hệ giữa ông Hoover và ông Roosevelt cũng không cải thiện, nhất là khi cả hai bên đều ngầm công kích lẫn nhau.
Trong một buổi tiệc tối giữa hai gia đình, căng thẳng giữa hai vị tổng thống lên đến đỉnh điểm, xoay quanh việc đóng cửa các ngân hàng công để rút tiền giữa thời kỳ Đại suy thoái.
Ông Hoover và ông Roosevelt trong ngày 4/3/1933. Ảnh: AP. |
Trong ngày nhậm chức 4/3, ông Hoover và ông Roosevelt cùng ngồi trên băng ghế sau của một chiếc mui trần để di chuyển đến Điện Capitol. Suốt chuyến đi, ông Roosevelt cố bắt chuyện nhưng ông Hoover không hồi đáp. Cuối cùng, cả hai không nói với nhau câu nào mà chỉ tập trung vẫy chào đám đông trên Đại lộ Pennsylvania.