Ngày 9/6, con tàu FB Gimber1 đang neo đậu thì bị đâm chìm gần Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. 22 thuyền viên bị bỏ lại trên biển sau đó được một tàu từ Việt Nam đi ngang qua giải cứu. Philippines cho biết tàu FB Gimber1 đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm.
Bộ Quốc phòng Philippines đã lên án "hành động hèn nhát" của tàu Trung Quốc vào ngày 12/6, đúng dịp quốc khánh của Philippines.
"Đây không phải là hành động được mong đợi từ người có trách nhiệm và thân thiện", Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói.
Ngư dân ở Vịnh Subic, Philippines, năm 2016. Ảnh: New York Times. |
Ngoại trưởng Teddy Locsin tuyên bố trong một "tweet" vào ngày 13/6 rằng ông đã gửi công hàm phản đối. Trung tá Stephen Penetrante, phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines theo dõi khu vực, cho biết quân đội có lý do để tin rằng vụ việc không phải là một tai nạn.
Thế nhưng, chính Tổng thống Rodrigo Duterte lại nói rằng sự việc "nên được điều tra" và "lời giải thích của phía Trung Quốc cần được nghe". Đến ngày 17/6, ông Duterte tiếp tục tuyên bố sự việc trên, khiến 22 ngư dân Philippines lênh đênh giữa biển trong nhiều giờ, chỉ là một "tai nạn hàng hải".
Tuyên bố của ông Duterte, trái ngược nhiều quan chức cấp dưới, lại trùng khớp với tuyên bố chính thức từ Trung Quốc. Hôm 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi vụ việc là "tai nạn giao thông hàng hải thông thường". Ông nói rằng Philippines đã vô trách nhiệm khi "chính trị hóa vụ việc mà không cần xác minh".
Nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros nói tổng thống “yếu ớt và hèn hạ trước Trung Quốc”. Phản ứng trái ngược bên trong Philippines trong những ngày qua cho thấy sự phức tạp của mối quan hệ Bắc Kinh - Manila bị phô bày trước sự kiện này.
Tình bạn bị thử thách
Theo Washington Post, vụ va chạm thử thách quan hệ của ông Duterte với Bắc Kinh, đối tác lớn trong chính sách kinh tế và chương trình hạ tầng của ông.
Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2012, chính quyền của ông đã giảm bớt sự phản đối trước việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Ông Duterte nổi tiếng với cuộc chiến ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ông thúc giục Mỹ trả lại chuông bị cướp trong chiến tranh và yêu cầu Canada chấp nhận hàng tấn rác được chuyển đến Philippines vào năm 2013.
Tổng thống Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Pool. |
Tuy nhiên, tổng thống có vẻ ít kiên quyết hơn với Trung Quốc, nhiều lần nhấn mạnh rằng Philippines không đủ khả năng cho một cuộc chiến vì tranh chấp trên biển. Các nhà phê bình tin rằng cách tiếp cận của ông Duterte đang dần "đưa chủ quyền lãnh thổ vào tay Bắc Kinh".
Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines nói rằng vụ việc cho thấy ông Duterte không thể dựa vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Nó chứng tỏ rằng bất chấp tình bạn này, hành vi của Trung Quốc không thực sự thay đổi. Có thể nói rằng Trung Quốc đang lạm dụng việc chính phủ không hành động. Đó là lý do việc này có thể xảy ra, rất gần với bờ biển của chúng tôi, chống lại công dân của chúng tôi", ông nói.
Hôm 14/6, phát ngôn viên của tổng thống, ông Salvador Panelo kêu gọi chính quyền Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan nhưng không nhận xét về việc liệu vụ va chạm có phải là cố ý hay không. Ông gọi vụ va chạm là "vi phạm rõ ràng về giao thức hàng hải".
"Bất kể bản chất của vụ va chạm là gì, dù là vô tình hay cố ý, hành động hợp lý và thuận theo lẽ thường là cứu vớt ngay lập tức thủy thủ đoàn tàu Philippines bị rơi xuống", ông Panelo nói trong một tuyên bố.
Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là chuyên gia về địa chính trị của Biển Đông, nói rằng nếu tàu Trung Quốc cố tình đâm vào một chiếc thuyền Philippines cố định thì đó sẽ là sự vi phạm rõ ràng các quy tắc quốc tế.
"Đó không chỉ là một hành động xâm lược mà còn vi phạm nghĩa vụ lâu đời để hỗ trợ các thủy thủ gặp nạn, bất kể tàu có hoạt động trong vùng biển tranh chấp hay không", ông Storey nói.
Nhận định của ông Storey trùng khớp của với cáo buộc của Ngoại trưởng Locsin vào ngày 17/6, khi ông đứng trước Liên Hợp Quốc và nói rằng
Hồi chuông cảnh tỉnh
Theo New York Times, tuyến đường thủy giàu tài nguyên ở Biển Đông là điểm nóng tiềm năng cho xung đột quân sự khu vực.
Lo lắng tăng cao vài năm trước khi Trung Quốc bắt đầu biến các bãi cạn ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo phi pháp. Trên vùng đất mới khai phá trái phép, quân đội Trung Quốc hiện có kho chứa các tên lửa đất đối không và bãi đáp máy bay chiến đấu, bất chấp tòa án quốc tế ra phán quyết vào năm 2016 rằng Bắc Kinh không có quyền tuyên bố bất kỳ vùng đất nào là của riêng mình.
Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường theo kèm ngư dân Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp và duy trì khoảng cách kín đáo. Ảnh: New York Times. |
Philippines là nước đã đưa Trung Quốc ra tòa. Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague phán quyết rằng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông được bảo vệ bởi các quyền chủ quyền của Philippines. Trung Quốc đã từ chối công nhận quyết định này.
Chỉ vài ngày sau phán quyết, Tổng thống Duterte, người vừa nhậm chức khi đó, đã quay sang đề cao Trung Quốc như một đối tác chiến lược và xa lánh Mỹ, đồng minh truyền thống của Philippines.
Ông Duterte đề xuất rằng một quốc gia nhỏ hơn như Philippines không thể đánh bật một cường quốc địa chính trị như Trung Quốc và phải chấp nhận thực tế của bối cảnh an ninh mới.
Vụ chìm tàu Philippines FB Gimber1 xảy ra sau khi hàng trăm tàu Trung Quốc chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống của họ hồi đầu năm nay.
Các cựu quan chức chính phủ Phiippines cáo buộc Trung Quốc phá hủy các khu vực biển trong vùng biển tranh chấp, hành động ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân ở đó.
Chuyên gia Batongbacal nói rằng vụ va chạm sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những thay đổi trong chính sách của ông Duterte.
"Nếu hành động của Trung Quốc đối với sự cố này không thỏa đáng, nếu họ phớt lờ hoặc xem nhẹ nó, chúng ta có thể dự đoán nó lặp lại trong tương lai. Hoặc Trung Quốc sẽ lạm dụng tình hữu nghị mà Philippines đã thể hiện", ông nói.