Hình ảnh ban công trở thành sân khấu ở Mỹ, Italy hay những buổi trình diễn bên cửa sổ ở Tây Ban Nha, Pháp.. đã thực sự khiến nhiều người xúc động. Ở Việt Nam, các nghệ sĩ cũng chung tay làm nên những ca khúc phi lợi nhuận, không cát-xê như chứng minh sự đồng hành của âm nhạc với cuộc chiến dịch bệnh.
Trong sự đồng hành ấy, Vũ Cát Tường cũng tham gia với ca khúc Tomorrow (Ngày mai), gửi gắm những trăn trở và cả những hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn. Zing có cuộc trò chuyện để biết về cuộc sống của một singer/songwriter trong thời gian vừa qua và cách âm nhạc vực dậy sau dịch bệnh.
Vũ Cát Tường cho biết bản thân đọc sách và học kỹ năng mới trong thời dịch. |
"2 giá trị lớn tôi đã rút ra là: Sức khỏe và gia đình"
- Trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, cuộc sống của Tường có chịu nhiều thay đổi?
- Thật ra là có, nhưng thay đổi nhiều thì không vì bản thân tôi cũng không phải kiểu người thích đi ra đường. Việc cách ly xã hội ít nhiều có ảnh hưởng đến công việc của tôi nhưng về cuộc sống riêng thì không.
- Nhiều nghệ sĩ chọn về nhà với gia đình, có người lại chăm chỉ trong bếp nấu ăn, tập thể thao tại nhà. Tường thì sao?
- Tôi học những kỹ năng mới, đọc những cuốn sách mới mình thích nhưng đó gọi là sở thích riêng nên tôi xin phép được giữ riêng. Vài ngày trước khi có lệnh cách ly xã hội, mẹ lên thăm nên tôi cũng được mẹ nấu ăn cho, quây quần với anh em, rất vui.
- Vũ Cát Tường có thấy mình sống chậm hơn trong khoảng thời gian này?
- Có chứ, đúng là tôi thấy mình sống chậm hơn rất nhiều. Từ trước đến nay năm nào cũng vậy, 6 tháng đầu năm luôn là khoảng thời gian tôi dành cho việc sáng tạo, không xuất hiện trước đám đông. Quỹ thời gian của tôi luôn chia làm 2, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.
Cuộc sống cũng không thay đổi mấy, chỉ là khi thời gian đi diễn ít đi, mình lại có thêm thời gian để đào sâu vào suy nghĩ bản thân, trả lời những câu hỏi lớn, học thêm những gì mình thích học. Khi không có dịch bệnh, mình phải đi phỏng vấn rồi họp hành, rất nhiều thứ nên không có thời gian dành cho những kỹ năng cá nhân còn bây giờ có nhiều hơn.
- Bài học nào đã được chiêm nghiệm, rút ra từ một người làm nhạc trong thời gian qua?
- Nói chung bài học cá nhân thì nhiều, có những suy ngẫm rất hay mà tôi đã rút ra. Trong đó, sức khỏe là giá trị đầu tiên.
Giá trị thứ 2 mà tôi nhận ra là thời gian dành cho gia đình. Từ Tết đến giờ, có nhiều giá trị về mặt gia đình mà tôi đã nhận ra. Đó là thứ mà những năm trước, vì mải quay cuồng với công việc và con đường sự nghiệp, bản thân dù có lo nhưng không đặt nặng hay dành quá nhiều thời gian.
Bạn cũng biết đấy, khi mình mới khoảng hai mươi mấy tuổi lao ra ngoài xã hội, mình chỉ muốn khẳng định bản thân, ghi dấu ấn của mình chẳng hạn. Nhưng khoảng thời gian này đã cho tôi biết lo, biết yêu hơn gia đình mình và chăm sóc hơn đến cộng đồng của mình - những người ở gần mình, đặc biệt là FM (fandom của Vũ Cát Tường) - những người mà tôi xem như gia đình thứ 2. Tôi có nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về những người thân của mình hơn.
Tôi nghĩ đây không phải là một năm để lao ra gặt hái điều gì cho sự nghiệp của bản thân, khẳng định cái tôi hay gì cả mà là một năm cần nhìn đến cộng đồng, cần sự chăm sóc và quan tâm nhiều hơn đến họ.
Vũ Cát Tường cho rằng nghệ sĩ nên góp sức vào việc vực dậy tinh thần người dân. |
"Đây không phải lúc nghệ sĩ đứng ngoài cuộc"
- "Tomorrow" ra mắt trong mùa dịch của Tường nhận được những khen ngợi. Dù không đề cập trực diện đến dịch nhưng ca khúc cũng nói đến nỗi đau con người đang phải trải qua. Cơ duyên nào để Tường sáng tác bài này?
- Tôi nghĩ rằng dịch bệnh này là "giọt nước tràn ly" với mình. Tôi bao giờ cũng quan tâm những thông tin về môi trường, cháy rừng hay chiến tranh ở Trung Đông, nói không với plastic. Tôi rất quan tâm nhưng chưa thể chấp bút viết được điều gì đó đánh động đến tâm can của những người nghe nhạc.
Cho đến khi dịch bệnh này xảy ra - bạn nhìn những gia đình khác mất đi người thân; ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, thậm chí là bước đến cái chết quá nhanh, đó như giọt nước tràn ly để tôi viết Tomorrow và mong muốn mọi người khi nghe nó có thể nhìn nhận lại chính họ.
Tôi cũng nhìn lại chính mình với những gì bản thân đã làm, đã bỏ quên, còn thiếu sót trong trách nhiệm với cộng đồng. Không phải là lúc nào cũng chỉ đau đáu tập trung vào con đường của mình mà quên đi mỗi chúng ta đều là một phần trong mắt xích của sự phát triển hoặc suy tàn của thế giới này.
- Trong cuộc chiến với Covid-19, âm nhạc đã cho thấy sự đồng hành. Hình ảnh những ban công trở thành sân khấu ở Mỹ, Tây Ban Nha những màn trình diễn bên cửa sổ ở Italy hay các ca khúc chống dịch ở Việt Nam đã gây nhiều xúc động... Là một nghệ sĩ âm nhạc, Tường nghĩ gì về điều đó?
- Chắc chắn một điều rằng âm nhạc không nằm ngoài cuộc chiến này. Bạn cũng biết âm nhạc chính là văn hóa, nó truyền tải những tâm tư và thông điệp.
Và cuộc chiến chống Covid-19 cũng không khác gì một cuộc chiến thực sự và chúng ta không thể nhìn thấy địch được. Chiến đấu bằng niềm tin là đúng, chiến đấu bằng sự lạc quan và đoàn kết, niềm hy vọng vào ngày mai sẽ tốt hơn thì âm nhạc làm sao có thể đứng ngoài được.
Tôi rất trân trọng những nghệ sĩ dù phải đi cách ly nhưng họ vẫn làm những điều ý nghĩa để đánh động đến tâm hồn của người khác. Họ có thể đứng ở ban công để hát, vực dậy tinh thần của chính mình và những người xung quanh.
Hay như tôi ở nhà, không làm gì nhưng có khả năng viết, tôi phải viết để lan tỏa suy nghĩ của mình. Những ai nghe được Tomorrow, họ phải thấy tin tưởng hơn về ngày mai, họ phải thấy yêu hơn cuộc sống này và bắt đầu thay đổi nhận thức bản thân dù là một chút. Xã hội đang cần tiếng nói của nghệ sĩ lan tỏa ra chính cộng đồng.
Cho nên, tôi nghĩ không riêng gì mình mà cần kêu gọi thêm nữa những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng phải lên tiếng, viết gì đó đi để lan tỏa sức mạnh, vực dậy tinh thần của mọi người, dù là hành động lớn hay bé đều cần được trân trọng.
"Phải hỏi mình làm được gì cho cộng đồng ngay lúc này", giọng ca Có người bày tỏ. |
"Dịch bệnh khiến tôi suy nghĩ hơn về trách nhiệm viết nhạc"
- Cũng trong thời dịch, người Ấn Độ sau 30 năm đã nhìn thấy dãy Himalaya hùng vĩ, rùa biển đã về sinh sản ở Rushikulya. Liệu chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai Trái Đất sẽ bớt đớn đau, nhân loại không còn chịu mất mát ưu phiền như "Tomorrow" Tường viết?
- Có một điều không thể phủ nhận rằng chúng ta, suốt nhiều thế hệ qua, với những hoạt động của mình cũng đã tác động không ít đến Trái Đất, những điều mà chính giới khoa học cũng phải công nhận.
Do đó, không chỉ tôi mà có lẽ mọi người đều nhận ra rằng khi chúng ra ít ra đường hơn, chúng ta sống chậm hơn, mọi thứ bớt bị tàn phá hơn, thiên nhiên sẽ trở về gần hơn với nguyên bản nhất của mình.
Tôi nghĩ bản thân cũng cần nhìn lại mục đích của mình, đi tới ước mơ của mình phải đồng hành với trách nhiệm cộng đồng chứ không chỉ là khẳng định cái tôi.
Dịch bệnh này làm tôi suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm ngòi bút - cách mình viết nhạc.
- Đời sống biểu diễn của đại bộ phận nghệ sĩ bị đóng băng vì dịch. Có cách nào để vực dậy?
- Tôi nghĩ muốn vực dậy cũng cần thời gian, văn hóa - âm nhạc thường đi sau kinh tế - chính trị và sự vận chuyển của một đất nước hay toàn thế giới.
Nhưng, tôi nghĩ ở khía cạnh là một người nghệ sĩ, các nghệ sĩ nên nhìn nhận những gì bản thân có thể làm cho cộng đồng thay vì hỏi làm sao để tranh thủ đi show nhiều hơn hay đi show được ngay sau dịch. Đó là câu hỏi nên hỏi, và phải hỏi mình làm được gì cho cộng đồng ngay lúc này chứ không phải cho bản thân.
- Sau khi hết dịch, Tường sẽ làm gì?
- Tinh thần của tôi trước giờ vẫn vậy, tôi vẫn sáng tác, vẫn sáng tạo và ra mắt sản phẩm. Giai đoạn dịch bệnh có thể khiến mình hơi khó khăn một chút vì không thể đi làm như những ngày bình thường nhưng lại cho tôi cơ hội trả lời những câu hỏi lớn trong cuộc sống của mình.
Kế hoạch hiện tại tôi chưa thể chia sẻ được nhưng tôi có thể nói với khán giả của mình rằng, tôi đã "sáng" hơn rất nhiều cho những kế hoạch dài hạn và các bạn hãy theo dõi tôi theo từng năm để biết được kết quả Vũ Cát Tường cho ra là gì. Cảm ơn rất nhiều vì đã quan tâm đến những hoạt động của Vũ Cát Tường.
- Cảm ơn Tường cho một cuộc trò chuyện!