Báo cáo trước Quốc hội về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016, Chính phủ cho hay: "Sự cố ô nhiễm môi trường biển làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây hậu quả nghiêm trọng hủy hoại môi trường biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch,...".
Tính toán sơ bộ do sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc. Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.
Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác.
Tính toán sơ bộ của Chính phủ, vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã khiến gần 300.000 người bị hảnh hưởng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngoài ra, có hơn 1.600 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường; giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh cũng bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 -50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được;
Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh);…
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Đặc biệt, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa, phải đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc cấp giấy phép cho các nhà đầu tư, cũng như có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát việc vận hành các dự án này khi đi vào hoạt động.
Trong thời gian tới, thu hút đầu tư phải có chọn lọc, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường.