Sáng 18/7, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT cho hay, hiện có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. Như luật quy định cần đánh giá tác động môi trường ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư... là không khả thi.
Dẫn lại sự cố lớn nhất thời gian vừa qua, ông Hà cho biết, "trong vụ việc Formosa xả thải, báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính chất chung chung. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện như hình thức để các doanh nghiệp qua mắt được để đầu tư”.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng TN&MT đề nghị Chính phủ cho phép xem xét ĐTM trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng thì lúc đó mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường.
Theo Bộ trưởng Hà, công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm cũng còn bất cập, nếu làm theo cách cũ thì không bao giờ triển khai được với những dự án như nhà máy giấy Lee&Man, Formosa.
Người đứng đầu ngành môi trường cho biết, khi vào thanh tra Formosa vừa qua, cả trăm nhà khoa học cùng thanh tra nhưng phải tới hơn một tháng mới đưa ra được kết quả, mới mô tả được nhà máy theo quy trình công nghệ ra sao rồi mới phát hiện ra được sai phạm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Khánh An. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh tới việc xả thải trực tiếp chưa được xử lý, độc hại ra hồ, ao, sông kênh và cả ra biển của các cơ sở sản xuất.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT rà soát ngay các chính sách pháp luật về môi trường, khắc phục bằng được sự chồng chéo, lấp đầy chỗ trống về pháp luật, để tất cả các vấn đề, hành vi gì trong thực tiễn đòi hỏi thì đều có pháp luật điều chỉnh.
“Chỉ cấp phép hoạt động đối với cơ sở có chất thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Xử lý nghiêm mọi vi phạm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Nếu cần chuyển qua cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự” - Phó thủ tướng chỉ đạo.
Với vụ việc Formosa, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ngoài việc tiếp tục giám sát thực thi các giải pháp, biện pháp với Formosa, cần sớm có đánh giá đối với môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Nếu cần thiết, mời các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng nghiên cứu để sớm công bố kết quả.
“Cần công bố an toàn môi trường biển cho người dân, doanh nghiệp biết để người dân yên tâm, doanh nghiệp yên tâm. Việc công bố này phải họp báo, mời các nhà khoa học đến để công bố trên căn cứ khoa học” - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên - Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4/5.
Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7/4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15/4, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 16-17/4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19/4.
Từ ngày 24 đến 26/4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4/5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình.
Sau nhiều tháng điều tra, cơ quan chức năng Việt Nam kết luận thủ phạm gây ra vụ việc là Tập đoàn Formosa. Đơn vị này đã xin lỗi và bồi thường cho người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh 500 triệu USD (khoảng 11.000 tỷ đồng).